Nâng cao nhận thức và giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong thời kỳ số

THÙY TRANG

VHO - Ngày 19.12, tại TP.HCM, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 2 tổ chức Hội thảo khoa học “An ninh thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Nâng cao nhận thức và giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong thời kỳ số - ảnh 1
Chuyên gia chia sẻ các kết quả nghiên cứu tại hội thảo

Tham gia hội thảo có cán bộ, giảng viên, sinh viên, các nhà khoa học trẻ, cùng các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến chuyển đổi số.

Hội thảo tạo môi trường kết nối giữa các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và sinh viên trong lĩnh vực an ninh thông tin, nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ thông tin cá nhân và an ninh trực tuyến.

Diễn đàn cũng thúc đẩy trao đổi học thuật giữa các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh từ các trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm tại Việt Nam về an ninh thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số, hình thành cộng đồng nghiên cứu và cung cấp giải pháp bảo vệ an ninh thông tin.

Bảo mật thông tin cá nhân là vấn đề quan trọng trong thời đại số, đặc biệt với thế hệ trẻ. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Vì Minh Đức, Phạm Lê Thảo Nhi đến từ Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên cho thấy phần lớn sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, nhiều sinh viên không thực hiện các biện pháp bảo mật như mật khẩu mạnh hay bảo mật hai lớp.

Những thách thức chủ yếu đến từ thiếu hiểu biết, thói quen sử dụng mạng xã hội mà không chú trọng bảo mật, và lỗ hổng bảo mật trong dịch vụ trực tuyến. Nghiên cứu của các tác giả khuyến nghị tăng cường giáo dục nhận thức về bảo mật thông tin thông qua chương trình đào tạo và chiến dịch truyền thông hiệu quả.

Ở lĩnh vực di sản văn hóa, các chuyên gia cho rằng: Trong thời kỳ chuyển đổi số, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang có những thay đổi sâu sắc nhờ ứng dụng công nghệ 4.0. Các dự án như số hóa tư liệu lịch sử, tái hiện di tích bằng công nghệ 3D và xây dựng bảo tàng trực tuyến giúp bảo tồn và truyền tải di sản đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nâng cao nhận thức và giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong thời kỳ số - ảnh 2
Nhiều chủ đề liên quan đến an ninh mạng được chia sẻ, thảo luận

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra thách thức lớn về an ninh thông tin, như nguy cơ mất dữ liệu, sao chép trái phép, xuyên tạc nội dung, hay tấn công mạng vào cơ sở dữ liệu văn hóa. Việc thương mại hóa hoặc trình bày không chính xác giá trị di sản cũng có thể làm mất đi tính nguyên bản của di sản.

Do đó, nghiên cứu cần tập trung vào bảo vệ an toàn thông tin, bản quyền và giá trị di sản trong bối cảnh chuyển đổi số, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển bền vững di sản văn hóa Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Học viện Cán bộ TP.HCM, an ninh thông tin hiện đang đối mặt với thách thức phức tạp, với các cuộc tấn công mạng tinh vi như ransomware, tấn công DDoS và xâm nhập trái phép. Những cuộc tấn công này không chỉ gây thiệt hại kinh tế và an ninh mà còn làm suy giảm trải nghiệm người dùng, khi thông tin nhạy cảm bị lộ ra ngoài.

"An ninh thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số là yêu cầu công nghệ và chiến lược quốc gia. Cần phối hợp để xây dựng hệ thống bảo mật toàn diện, từ công nghệ bảo mật tiên tiến đến đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Việc bảo vệ thông tin không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế số và an ninh mạng quốc gia", ông Hoàng nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức và giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong thời kỳ số - ảnh 3
Hội thảo thu hút sự tham gia của giảng viên, sinh viên, nhà khoa học trẻ,...

Theo ông Nguyễn Tấn Quang - Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang mở rộng không gian mạng và thay đổi xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng lớn của AI cũng đi kèm với nguy cơ gia tăng các mối đe dọa bảo mật. AI có thể bị lợi dụng để tấn công mạng hoặc phát tán thông tin sai lệch, làm trầm trọng thêm rủi ro an ninh.

AI giúp mở rộng khả năng con người, nhưng cũng tạo ra nguy cơ nếu sử dụng sai mục đích. Sự phụ thuộc vào AI trong các lĩnh vực quan trọng như giao thông, y tế, và năng lượng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu có sai sót.

Để bảo đảm an ninh thông tin trong kỷ nguyên AI, cần nâng cao nhận thức về vai trò của con người, tổ chức và chính phủ, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa tự do cá nhân, trách nhiệm và quy định.

Chuyên gia cho rằng, mặc dù AI có thể cung cấp hệ thống bảo mật mạnh mẽ, nhưng lỗ hổng do lỗi con người vẫn tồn tại. Việc thiếu tuân thủ quy định về an toàn thông tin ở một số cơ quan chính phủ có thể dẫn đến các mối nguy hiểm như lừa đảo và thông tin sai lệch. Cần có biện pháp khắc phục kịp thời để bảo vệ các hệ thống thông tin.

Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nâng cao an toàn thông tin, tuân thủ quy định và cải thiện nhận thức về bảo mật, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này để đảm bảo an ninh mạng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.