Đến với phong trào “bình dân học vụ số”
VHO - Phong trào “bình dân học vụ số” mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ cho mọi người, từ nông thôn đến thành thị. Chuyển đổi số không chỉ thay đổi cuộc sống mà còn giúp người dân, đặc biệt là người cao tuổi vùng sâu, vùng xa được trang bị kỹ năng số cần thiết. Công nghệ xóa nhòa khoảng cách, kết nối yêu thương chỉ với một cú… chạm.
Khi màn đêm buông xuống, trong gian bếp nhỏ của bà Nguyễn Thị Thúy ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), ngọn lửa từ nồi kẹo cu đơ vẫn bập bùng cháy, nhưng có một thứ ánh sáng khác cũng đang len lỏi vào đời sống của bà, ánh sáng từ màn hình điện thoại.
Đôi bàn tay đã quen với lửa nóng và đường mật nay lại chậm rãi vuốt trên màn hình cảm ứng, nơi những sản phẩm quê hương của bà đang dần xuất hiện trên sàn thương mại điện tử.

Mở ra một tương lai
“Hồi trước, tui chỉ bán ngoài chợ, ai ghé nhà thì mua. Giờ có “cô giáo” chỉ, tui biết đăng hình lên Facebook, TikTok, Shopee…, khách đặt hàng nhiều hơn, bánh cũng bán chạy hơn,” bà Thúy cười hiền, ánh mắt rạng rỡ niềm vui.
“Cô giáo” mà bà Thúy nhắc đến là chị Nguyễn Thị Hoài Thương, Phó Bí thư Đoàn xã Việt Tiến, một trong những thành viên nòng cốt của tổ chuyển đổi số cộng đồng trong phong trào “bình dân học vụ số”.
Mỗi ngày, chị Thương và các đoàn viên trẻ rong ruổi khắp thôn xóm, kiên nhẫn hướng dẫn người dân từ cách mở một tài khoản ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, đến việc bán hàng qua các nền tảng trực tuyến.
Không chỉ bà Thúy mà ở trong căn nhà cuối làng, ông Nguyễn Văn Quang, người đàn ông đã ngoài 70 cũng có một buổi học đặc biệt. Dưới ánh đèn vàng ấm áp, gương mặt ông bỗng sáng bừng khi màn hình điện thoại phản chiếu nụ cười con gái ở phương xa.
Đôi tay ông run run chạm vào màn hình, lòng vừa háo hức vừa bối rối. Chị Thương chậm rãi hướng dẫn ông từng thao tác nhỏ, từ cách gửi tin nhắn, lướt web đến quét mã QR.
Lần đầu tiên, ông tự tay nhấn nút gọi video cho con gái đang làm việc ở nước ngoài. Khi gương mặt thân thương hiện lên, ông lặng đi, đôi mắt hoe đỏ. Câu nói “bố khỏe không” vang lên qua sóng điện thoại mà dường như xuyên qua cả năm tháng xa cách. Khoảnh khắc ấy, công nghệ không còn là những thuật ngữ xa vời mà trở thành sợi dây kết nối yêu thương, xóa nhòa khoảng cách địa lý.
“Phong trào “bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là việc học cách sử dụng thiết bị công nghệ hay tiếp cận dịch vụ trực tuyến, đó còn là hành trình giúp người dân hòa nhập với thế giới số, tạo ra cây cầu kết nối giữa giá trị truyền thống và kỷ nguyên công nghệ.
Với ông Quang, đó là khoảnh khắc hạnh phúc khi nghe giọng con gái từ xa. Với bà Thúy, đó là niềm vui khi từng chiếc bánh cu đơ của bà được người mua tận TP.HCM đặt hàng qua mạng. Với hàng nghìn người dân ở miền quê, đó là cánh cửa mở ra một tương lai số hóa đầy hứa hẹn”, chị Thương, Phó Bí thư Đoàn xã Việt Tiến chia sẻ.

Phong trào chuyển đổi số đầy cảm xúc
Tại Hà Tĩnh, phong trào “bình dân học vụ số” đang mang công nghệ đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, tất cả xã, phường, thôn, xóm đều đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 2.400 thành viên hoạt động tích cực.
Họ không chỉ tuyên truyền mà còn trực tiếp hướng dẫn, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và quảng bá sản phẩm qua nền tảng số.
Nhờ sự hỗ trợ này, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tất cả sản phẩm OCOP đã có mặt trên sàn thương mại điện tử, mọi doanh nghiệp đều áp dụng hóa đơn điện tử.
Hơn 80% hộ kinh doanh nhỏ lẻ tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường, trong khi gần 600 sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh đã tiếp cận khách hàng trên toàn quốc thông qua không gian mạng. Những con số này không chỉ thể hiện thành tựu mà còn là minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và cách làm của người dân.
Nếu trước đây, việc sử dụng công nghệ chỉ phổ biến trong một số ít doanh nghiệp lớn, thì nay từng hộ kinh doanh, từng người dân đều dần bước vào thế giới số với sự tự tin và hào hứng.
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, Hà Tĩnh còn đầu tư mạnh mẽ hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin để đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ dễ dàng.
Hiện nay, hơn 21.000 km cáp quang đã phủ rộng toàn tỉnh, 3.250 trạm BTS đảm bảo kết nối internet ổn định với độ phủ sóng lên đến 99% khu vực dân cư. Các trung tâm điều hành đô thị thông minh cũng được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch triển khai phong trào chuyển đổi số toàn dân, kết hợp với phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong công tác hướng dẫn người dân, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong Tháng Thanh niên năm 2025, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã phát động phong trào “bình dân học vụ số” với sự tham gia nhiệt tình của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên.
Những thanh niên nhiệt huyết không chỉ giúp người dân làm quen với điện thoại thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến mà còn hướng dẫn cách bảo vệ thông tin cá nhân và phòng tránh nguy cơ lừa đảo số.
Chị Nguyễn Hoài Nam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết: Những lớp học công nghệ không chỉ diễn ra ở hội trường hay trung tâm xã mà còn xuất hiện tại góc chợ, hiên nhà...
Ở bất cứ nơi nào có người cần giúp đỡ sẽ có đoàn viên hỗ trợ. Nhờ vậy, người nông dân hay người cao tuổi không còn cảm thấy lạc lõng trong thời đại số, mà thay vào đó là sự tự tin khi tự tay gửi tin nhắn, nhận đơn hàng online hay gọi video cho con cháu.
Sự đồng lòng của chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và tinh thần học hỏi của người dân đã tạo nên một phong trào chuyển đổi số đầy cảm xúc.
Hà Tĩnh không chỉ tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mà còn khẳng định rằng, trên hành trình chinh phục tri thức và tương lai, không ai bị bỏ lại phía sau.