Đà Nẵng thúc đẩy đầu tư và phát triển ngành vi mạch
VHO - Sở TT7TT Đà Nẵng cho biết, sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" (Semicon Da Nang 2024) dự kiến tổ chức vào ngày 29 và 30.8 tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại phiên buổi sáng sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng (Hội nghị Xúc tiến đầu tư) với sự tham gia của gần 600 đại biểu gồm: đại diện lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo các bộ ban ngành; lãnh đạo một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Lãnh đạo một số cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố; các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các đối tác của thành phố trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn thành phố; các công ty tuyển dụng nhân sự; các cơ sở đào tạo, chuyên gia.
Tại phiên buổi chiều sẽ diễn ra Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng (Hội nghị Nguồn nhân lực).
Hội nghị diễn ra các hoạt động: Trao chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch; Công bố Quyết định trúng tuyển chương trình đào tạo đóng gói, kiểm thử bán dẫn cho giảng viên thành phố Đà Nẵng; Phát biểu của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó sẽ có các các buổi tiếp và làm việc của Lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; Chương trình kết nối doanh nghiệp, cơ sở đào tạo; Triển lãm hình ảnh/thông tin dự án, cơ sở đào tạo; triển lãm thông tin thành phố tại khu vực tiền sảnh địa điểm tổ chức sự kiện.
Sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Qua đây thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư.
Sự kiện công khai thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dành cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Cung cấp thông tin về thực trạng, định hướng phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn; tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đồng thời, thông qua sự kiện nhằm tạo điều kiện kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực, các hiệp hội, đơn vị sử dụng nhân lực trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Đà Nẵng đã đặt mục tiêu trở thành một trung tâm về thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Tại Hội thảo Đề án phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo được tổ chức tại TP Đà Nẵng năm 2024, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết:
“Mục tiêu của đề án nhằm đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm về thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Trọng tâm là cung cấp được nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp dựa trên hệ thống đào tạo nhân lực có chất lượng tại Đà Nẵng.
Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng sẽ hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, có chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hình thành mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo quốc tế đến đầu tư, kinh doanh. Qua đó, Đà Nẵng từng bước hình thành hệ sinh thái bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo đồng bộ”.
Theo Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Đà Nẵng cần đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá trên cơ sở kết hợp đồng thời việc khai thác nguồn nhân lực tại chỗ nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của các địa phương khác và từ các nước phát triển chuyển giao tri thức.
Việc thu hút nguồn nhân lực sẽ giúp Đà Nẵng nhanh chóng nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ để có thể đi thẳng, đi nhanh vào các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Đà Nẵng cũng cần có các chính sách để thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh, từng bước xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh Đà Nẵng định hướng lộ trình thiết kế, kiểm thử và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo TP Đà Nẵng”, đến năm 2030, Đà Nẵng đào tạo (gắn với chính sách thu hút) ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, vi mạch, bao gồm 4.200 kỹ sư, 750 thạc sĩ và 50 tiến sĩ; hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực này theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm lớn của cả nước về thiết kế chip, nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, từng bước phát triển dịch vụ đóng gói, kiểm thử; quy mô số lượng doanh nghiệp thiết kế tại Đà Nẵng được tăng lên ít nhất 20 doanh nghiệp. Đồng thời phấn đấu thu hút ít nhất một doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng cũng hình thành hệ thống ươm tạo, tăng tốc các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Trong giai đoạn 2025 – 2030 phấn đấu có ít nhất năm doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo được ươm tạo và tăng tốc phát triển.
Năm 2024, UBND thành phố Đà Nẵng thành lập "Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo" (AI) (Danang Semiconductor and Artificial Intelligence Center for Research and Training, DSAC) trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức lại Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Chất lượng cao (NNL CLC) thành phố Đà Nẵng (trước đây trực thuộc Sở Nội vụ) nay thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Theo quyết định, Trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và phát triển AI; chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.