Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp
VHO - Hôm nay 26.8, Trung tâm đào tạo Ban Quản lý (BQL) Khu Công nghệ cao TP.HCM phối hợp với Công ty CP tập đoàn Sun Electronics tổ chức tọa đàm “Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp”.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm
Thị trường vi mạch bán dẫn phát triển không ngừng
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong 20 năm qua, thị trường vi mạch bán dẫn phát triển không ngừng và còn tiếp tục phát triển. Cùng với sự phát triển đó là nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch cũng ngày một tăng cao. Hiện nay nhiều quốc gia lớn về vi mạch bán dẫn đang có sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực thiết kế vi mạch đối với sự nghiệp CNH-HĐH hiện nay. “Không có quốc gia nào CNH thành công mà không phát triển được ngành công nghiệp điện tử mạnh. Không có quốc gia nào phát triển được ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mà không sở hữu ngành công nghiệp điện tử mạnh”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh và cho biết Khu Công nghệ cao TP.HCM đặt rất nhiều tâm huyết cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Mục tiêu đến 2030, Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, phải huy động các trường đại học lớn, có uy tín vào cuộc. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đều cam kết tham gia vào lĩnh vực này. PGS.TS Nguyễn Anh Thi hy vọng Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ là nơi hội tụ các nguồn lực để phục vụ cho nhiệm vụ này.
Theo GS.TS Đặng Lương Mô, chương trình đào tạo do Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) xây dựng là bao quát, đầy đủ. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng thiết kế, cũng cần biết thêm về quy trình chế tạo. Người thiết kế nếu không biết chế tạo thì sẽ là thiếu sót. Do đó nên đào tạo cho các kỹ sư thiết kế biết sơ qua quy trình chế tạo.
PGS.TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa máy tính - Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cho rằng ngành công nghiệp vi mạch là ngành chủ lực của một quốc gia. Theo ông Sơn, nguồn nhân lực cần phải được gắn liền với hệ thống các trường đào tạo, với doanh nghiệp. Việt Nam đã bắt đầu tham gia để hiện thực hóa mong muốn tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa hệ thống đào tạo với doanh nghiệp, trong đó nền tảng đào tạo ra những sinh viên, những kỹ sư ưu tú rất quan trọng.
“Nếu nguồn nhân lực đào tạo ra mà các quốc gia khác sử dụng, còn Việt Nam không sử dụng được là điều vô cùng đáng tiếc. Các doanh nghiệp nước ngoài họ rất muốn tuyển kỹ sư sau tốt nghiệp đại học để làm việc cho họ. Chúng ta cần có giải pháp để tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực này phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam”. PGS Sơn chia sẻ.
SCDC đóng vai trò là trung tâm kết nối để phát triển vi mạch Việt Nam trong thời gian tới
Theo ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH AD Technology & SNST Việt Nam, Giám đốc điều hành Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu, trong cơ cấu nhân lực hiện nay tại các công ty, lực lượng kỹ sư chuyên gia thiết kế vi mạch được phân chia thành các cấp bậc khác nhau từ Fresher Engineer đến Junior, Senior, Staff và các cấp cao hơn. Trong số các cấp đó, nhân lực có bậc Senior trở lên là lực lượng kỹ sư có trình độ cao, kỹ năng cao và có nhiều kinh nghiệm trong công viêc thực tế. Những người này có thể làm lãnh đạo công ty, quản lý các đội nhóm và làm các công việc đòi hỏi có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm. Nguồn nhân lực có thể tuyển dụng những kỹ sư từ Senior trở lên là từ các công ty hiện hữu ở Việt Nam và tuyển kỹ sư Việt Nam đang làm ở nước ngoài trở về.
Các đại biểu tham gia tọa đàm
Tuy nhiên, thực tế là rất khó để tuyển dụng lực lượng này do số lượng sẵn có còn ít hơn nhu cầu. Ngoài ra nhiều người kỹ sư có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm chọn đi ra nước ngoài làm việc vì các vấn đề đãi ngộ, thuế thu nhập cá nhân, và môi trường học tập cho con cái. Điều này làm cho lực lượng kỹ sư chất lượng này càng thiếu hụt ở Việt Nam…
Đối với các kỹ sư ít kỹ năng và kinh nghiệm, họ phải tự học hỏi từ những người hướng dẫn trong công việc. Điều này dẫn đến một hệ quả là kiến thức và kỹ năng họ tích lũy được phụ thuộc vào công việc họ được giao, và phụ thuộc vào khả năng của người hướng dẫn. Những người này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc nếu thiếu người hướng dẫn, hoặc người hướng dẫn thiếu kỹ năng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công việc và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của công ty. Vậy làm sao để khắc phục các vấn đề này để thúc đẩy tăng trưởng lực lượng thiết kế vi mạch bùng nổ trong giai đoạn tới?
Theo chuyên gia, hiện tại chúng ta có trường đại học, có viện nghiên cứu, có các cơ quan chính phủ rất quan tâm để phát triển vi mạch, chúng ta có nhiều doanh nghiệp, nhiều kỹ sư có kỹ năng tốt, kinh nghiệm nhiều. Nhưng chúng ta thiếu sự kết nối giữa những thực thể này. Vì vậy cần có một tổ chức trung gian để kết nối các thành phần vừa kể trên lại với nhau, để phối hợp với nhau một cách đồng bộ, thì sẽ giúp ích được trong việc phát triển ngành vi mạch. Do đó trung tâm thiết kế vi mạch khu công nghệ cao TP.HCM (SCDC) sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối để phát triển vi mạch Việt Nam trong thời gian tới.
Định hướng SCDC sẽ phối hợp với khoảng 20 trường đại học với các doanh nghiệp vi mạch để thực hiện đào tạo và phối hợp đào tạo lực lượng kỹ sư có chuyên môn, kỹ năng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Với 9 môn học, 3 cấp độ đào tạo: cở bản, nâng cao và cao cấp. SCDC kỳ vọng sẽ giúp kỹ sư sau đào tạo có thể bắt kịp yêu cầu của công việc tại từng bậc cụ thể, giảm chi phí và nguồn lực mà các doanh nghiệp phải đầu tư đào tạo cho kỹ sư. Giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và mở rộng quy mô hoạt động, góp phần phát triển quy mô cả ngành công nghiệp vi mạch ở Việt Nam.
T.TRANG