Xúc động đêm nghệ thuật “Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca”
VHO - Khán phòng Nhà hát Thành phố tối 4.11 chật kín khán giả đã đến thưởng thức đêm nghệ thuật giới thiệu chân dung NSND-Soạn giả Viễn Châu với chủ đề “Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca”. Chương trình quy tụ hơn gần 40 văn nghệ sĩ, tạo nên một đêm nhạc nhiều cảm xúc…
Chương trình do Sở VHTT TP.HCM chủ trì, phối hợp Hội Sân khấu và Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức; Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM là đơn vị thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Soạn giả Viễn Châu (1924-2024).
Phát biểu tại đêm nghệ thuật tri ân, Giám đốc Sở VHTT Trần Thế Thuận đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của người con ưu tú của vùng đất Trà Vinh đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp Vọng cổ - Cải lương Nam Bộ, một tên tuổi lớn của nghệ thuật Sân khấu cải lương Việt Nam.
Theo ông Trần Thế Thuận, BTC mong muốn thông qua chương trình sẽ góp phần tôn vinh một nghệ sĩ mà cuộc đời ông đã dành trọn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương, cho công cuộc bảo tồn những giá trị di sản văn hoá nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chương trình nghệ thuật gồm 8 chương: Thập lục huyền cầm, Những bài vọng cổ bất hủ, Chàng là ai, Người mẹ miền Nam, Những tự tình trao gởi, Sức trẻ tâm hồn, Vọng cổ hài và Trích đoạn tuồng cải lương.
NSND-Soạn giả Viễn Châu có những đóng góp rất quan trọng trong chặng đường phát triển của nghệ thuật sân khấu Cải lương, tinh hoa văn hoá dân tộc.
Những sáng tác của ông không chỉ đẹp trên phương diện nghệ thuật ca từ, mà còn chứa đựng những giá trị hiện thực, phản ánh sinh động đời sống, tâm lý xã hội Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử.
Những đóng góp của NSND-Soạn giả đã giúp công chúng thêm hiểu, yêu mến nghệ thuật đờn ca tài từ và sân khấu cải lương, góp phần to lớn vào việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản quý báu của dân tộc.
Các nghệ sĩ thể hiện bài "Tình anh bán chiếu" - một trong các tác phẩm kinh điển của Soạn giả Viễn Châu
Theo BTC, chương trình nghệ thuật nhằm tuyên truyền, củng cố, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của loại hình “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”, thu hút sự quan tâm hơn nữa của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị loại hình “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ” gắn với phát triển du lịch.
NSƯT Kim Tử Long hát tân cổ “Võ Đông Sơ”
Đặc biệt, tri ân những đóng góp của NSND-Soạn giả Viễn Châu trong lĩnh vực nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về thể loại Đờn ca tài tử Nam Bộ.
NSND-Soạn giả Viễn Châu (tên thật Huỳnh Trí Bá) là con thứ sáu của một gia đình vọng tộc giàu có ở Trà Vinh nhưng lại ham mê Đờn ca tài tử. Soạn giả Viễn Châu là người có đóng góp quan trọng cho sự định hình bản “Vọng cổ nhịp 32” thành “Tân cổ giao duyên” và “Vọng cổ hài”.
Đây là hai sáng tạo độc đáo, có ý nghĩa rất quan trọng cho loại hình Cải lương Nam Bộ, cũng như di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam, đồng thời ông cũng là soạn giả cho hàng trăm vở Cải lương kinh điển.
Cuối năm 1945, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương, ông đã viết vở cải lương đầu tay “Hồn chiến sĩ”, với nội dung cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông đã để lại cho đời hơn 2.000 bài vọng cổ gồm cả cổ nhạc và tân cổ, trên 70 vở cải lương thuộc nhiều thể tài. Những sáng tác của ông không chỉ đẹp trên phương diện nghệ thuật ca từ, mà còn chứa đựng những giá trị hiện thực phản ánh đời sống, tâm lý xã hội Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử.
Ngoài giá trị văn chương, âm nhạc, những bản vọng cổ của ông được giới chuyên môn nhìn nhận như phương cách giúp người chưa biết ca tập thành ca sĩ, người ca quen trở thành tài tử ca, người không chuyên trở thành chuyên nghiệp, người chuyên nghiệp trở thành nghệ sĩ.
Công chúng mê vọng cổ ghi nhận công lao sáng tác của Viễn Châu nên phong tặng ông nhiều danh hiệu cao quý: “Ông vua ca cổ”, “Ông vua tân cổ”, “Nhạc sư”, “Nghệ sĩ bậc thầy”, “Nghệ sĩ ngoại hạng”, “Người tạo danh cho ca sĩ”,…
Soạn giả Viễn Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988, vào năm 2012 ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2014, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho những đóng góp xuất sắc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Trong suốt hành trình phát triển 200 năm của đờn ca tài tử, hơn 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, đóng góp của nhiều người con Nam bộ đã mang lại giá trị văn hóa đặc thù, góp phần khẳng định bản sắc của văn hóa phương Nam trong tổng thể nền văn hóa dân tộc.
Trong đó, chân dung của NSND–Soạn giả Viễn Châu hiện lên như một “cổ thụ của nghiệp đờn ca”, trở thành tấm gương về tài năng, lòng đam mê, sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, đưa những giá trị của văn hóa truyền thống phương Nam lưu truyền và ngời sáng đến hôm nay…
Tại chương trình, khán giả đã được thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc, đặc biệt là những tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng mộ điệu, những bài ca, vở diễn bất hủ, trở thành kinh điển của giới sân khấu cải lương.
Trong đó có thể kể đến: Tình anh bán chiếu, Lá trầu xanh, Chàng là ai, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Người mẹ miền Nam, Tiếng chày trên Sóc Bom Bo (Tân nhạc: Xuân Hồng; Vọng cổ: NSND Viễn Châu), Hai sắc hoa tigon (Thơ: T.T.KH; Tân nhạc: Trần Thiện Thanh; Vọng cổ: NSND. Viễn Châu), Ông Trượng Tiên Bửu, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Giây phút ngậm ngùi,…
Trong đêm diễn đầy ý nghĩa, bằng tất cả sự quý trọng một tài năng lớn của sân khấu Cải lương, hầu hết các tài danh, nghệ sĩ tên tuổi là những người học trò của ông đều góp mặt để bày tỏ lòng tri ân và gửi đến khán giả những tác phẩm nổi tiếng, đã đi vào lòng công chúng mộ điệu hàng chục năm qua.
Chương trình nghệ thuật giới thiệu chân dung NSND-Soạn giả Viễn Châu với sự chỉ đạo nghệ thuật: Nguyễn Thị Thanh Thúy; đạo diễn: Hữu Quốc – Dương Thảo, có sự tham gia của các NSND: Lệ Thủy, Minh Vương, Trọng Hữu, Thanh Nam, Thoại Miêu, Trọng Phúc, Hữu Quốc, Mỹ Hằng;
Các NSƯT: Kim Tử Long, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Vân Khánh, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Lam Tuyền, Lê Hồng Thắm, Thu Vân, Diễm Thanh, Võ Thành Phê;
Cùng các NS, ca sĩ: Thu Ngát, Điền Trung, Hà Như, Nhã Thy, Phùng Ngọc Bảy, Nguyễn Văn Hợp, Võ Thanh Tiền; Chuông vàng vọng cổ: Thanh Toàn, Kim Luận, Nguyễn Văn Khởi; Ca sĩ: Quang Trung, Trúc Lai và các nhóm múa.
Dàn nhạc cổ: NNND Út Tỵ, NNƯT Duy Kim, NNƯT Huỳnh Tuấn, NSƯT Văn Môn, NSƯT Hoàng Kha, Phú Quý; Dàn nhạc tân: NSƯT Thanh Liêm, Nhạc sĩ Thái Dũng.
Dịp này, BTC đã tặng tranh của họa sĩ Lê Sa Long vẽ chân dung NSND-Soạn giả Viễn Châu cho Khu lưu niệm mang tên ông, do đại diện UBND tỉnh Trà Vinh đón nhận.