Vĩnh biệt “lãng tử” Nguyễn Thụy Kha
VHO - Ngày 13.3, làng văn nghệ Việt Nam nhận tin buồn khi nhà thơ, nhạc sĩ đa tài Nguyễn Thụy Kha qua đời ở tuổi 76, sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư. Lễ tang nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha được tổ chức vào trưa ngày 17.3, tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Lễ tang nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có sự tham dự của đồng nghiệp, hậu bối, những bạn thơ gắn bó với ông từ lâu.
Lãng tử “rong chơi” cùng nghệ thuật
Một đời cần mẫn, dành trọn tâm huyết cho văn học, âm nhạc Việt Nam, sự ra đi của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã để lại nhiều tiếc thương trong giới văn nghệ nước nhà.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi lời tiễn biệt đầy xúc động: “Nghĩ về ông, tôi luôn thấy hiện lên hình ảnh một lãng tử đi qua thế gian này, vừa đi, vừa viết, vừa ôm đàn ca hát rồi khuất bóng nhẹ nhàng.
Ông là một trong những người sống hết cơ số của cuộc đời. Ông sống như ông muốn, ông viết như ông muốn và ông chơi cũng như ông muốn. Ông không phải làm những gì mà ông không muốn làm. Ông được sống như chính con người ông”.
“Điều này không dễ dàng với hầu hết mọi người. Tôi không nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời của ông. Tôi nghĩ ông đã kết thúc cuộc lãng du trên thế gian này và đi về một nơi chốn khác với những công việc khác.”.
Với nhà thơ Mai Nam Thắng, ông đặc biệt ấn tượng với chất thơ trong thơ của Nguyễn Thụy Kha.
“Tôi đọc bài thơ Những giọt mưa đồng hành của anh vào khoảng đầu năm 1982. Lúc đó tôi là binh nhất đóng quân ở Cam Lộ (Quảng Trị). Bài thơ sau đó được trao giải Nhì cuộc thi thơ 1981-1982 của Báo Văn nghệ.
Cho đến nay đã đọc nhiều bài thơ và trường ca của anh, nhưng tôi vẫn hết sức ấn tượng với bài thơ này của anh. Đó là bài thơ tinh khôi, trong trẻo, tinh tế, hồn nhiên và tự nhiên nhất của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha”, nhà thơ Mai Nam Thắng bộc bạch.
Trong giới âm nhạc, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, nhà thơ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha là một tên tuổi lớn, một trường hợp rất đặc biệt của âm nhạc Việt Nam. Ông như một nhà sử học về âm nhạc nói chung, nhạc tiền chiến, cách mạng và nhạc mới Việt Nam (tân nhạc) thế kỷ XX nói riêng.
Ông tham gia ở nhiều lĩnh vực như sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình và lĩnh vực nào cũng có những thành công.
“Nếu tiếp cận các công trình nghiên cứu, lý luận của ông sẽ thấy Nguyễn Thụy Kha giống như một trang sử sống của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ông viết nhiều công trình để đời, liên quan đến những tên tuổi, những giai đoạn lịch sử tạo nên diện mạo của nền tân nhạc Việt Nam”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long chia sẻ thêm.
Cũng theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết sâu về Văn Cao, Phạm Duy, rồi cả những tên tuổi của dòng nhạc tiền chiến chẳng hạn như Đặng Thế Phong.
Ông cũng viết nhiều về các nhạc sĩ thời kỳ cách mạng chẳng hạn như Huy Du; và ông cũng chẳng bỏ qua những gương mặt như nhà soạn nhạc đương đại nổi tiếng thế giới người Pháp gốc Việt Nguyễn Thiện Đạo…
Không chỉ viết sâu, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có trí nhớ rất đặc biệt. Dường như, những gì ông đã chú ý, tiếp cận thì nó sẽ mãi lưu trong bộ nhớ của ông. Một lợi thế khác là ông vừa là nhà nghiên cứu âm nhạc, cũng là một nhà thơ, nhà văn nên ngôn ngữ trong các công trình của ông có những nét riêng.
“Nếu đọc, chúng ta sẽ thấy ngôn ngữ của ông thiên về hồi ký, văn học nhiều hơn; những thông tin, tư liệu nằm trong nội dung ông diễn đạt. Vì thế, những công trình này không bị khô cứng, dễ tiếp cận với mọi đối tượng”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long cho hay.
Với nhạc sĩ Giáng Son, đó còn là những kỷ niệm của cô với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Thế là anh Nguyễn Thuỵ Kha và anh Nguyễn Trọng Tạo gặp nhau rồi! Anh Kha và anh Tạo có công rất lớn giúp đỡ 5 Dòng Kẻ và Giáng Son lúc mới thành lập nhóm. Những ngày đầu chập chững, chưa biết đi đường nào, định hướng ra sao, 2 anh đưa ra những lời khuyên, kết nối, bảo vệ các em rất quyết liệt!”.
Tận tâm với thi ca Việt Nam
Nhớ về nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà văn, tiến sĩ mỹ học Thế Hùng cho biết khi bị bệnh và phải điều trị, nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha sụt tới 10kg.
Dù biết bị bệnh nhưng ông vẫn bình tĩnh, vui vẻ đón nhận tin dữ đến với mình. Mỗi lần bạn bè đến thăm, ông vẫn có thể trò chuyện nhưng sau đó thì yếu dần đi.

“Nể phục nhất là vì Kha tài, quá tài và sức làm việc phi thường. Tác phẩm đồ sộ cả về chất và lượng. Mảng đồ sộ, đáng nể nhất của Thụy Kha là 20 năm (1998 - 2018) viết 14 cuốn sách đồ sộ.
Pho sử thi âm nhạc, bộ tài liệu chân xác về các tài danh Việt Nam, khắc họa lại chân dung các nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Văn Cao, Phạm Duy,Trịnh Công Sơn… Những cuốn sách lần lượt ra đời từ ngòi bút nhọc nhằn bao đêm trắng của tác giả”, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng tâm sự.
Không những vậy, nhà văn, tiến sĩ mỹ học Thế Hùng còn nói, nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha là “từ điển” sống về tân nhạc Việt: “Tôi đoán chắc một trong những nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc hiểu, viết kỹ, sâu nhất về tân nhạc Việt là Nguyễn Thụy Kha. Sau anh chưa có hoặc rất khó có”.
Tiến sĩ Thế Hùng cho hay, ông rất buồn khi nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha qua đời. Trên trang cá nhân, ông cũng làm một bài thơ dài để tiễn bạn.
Trong sổ tang, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương viết: “Xin ghi nhận sâu sắc, trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của ông cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) Trần Thị Phương Lan viết: “Tiễn biệt nghệ sĩ đa tài, tài hoa, người được Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; một nghệ sĩ để lại nhiều tình cảm, tiếc nhớ trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, công chúng”.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha sinh năm 1949 tại Thái Bình, quê gốc tại thôn Ngãi Am (xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Sau khi hoàn thành chương trình học tại Đại học Thông tin và Trường Viết văn Nguyễn Du, ông nhập ngũ vào năm 1971.
Với tư cách kỹ sư thông tin thuộc Binh chủng Thông tin, ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường khốc liệt như Quảng Trị, Khu 5 và Tây Nguyên. Giai đoạn 1982 - 1990, ông công tác trong lĩnh vực Tuyên huấn.
Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990.
Một số tác phẩm nổi tiếng của ông là Hương nắng tiếng chim (thơ, in chung, 1982), Mắt thời gian (thơ, 1988), Lúc ấy - biển (thơ, 1989), Văn Cao - Người đi dọc biển (tập truyện, 1992), Hàn Mặc Tử - Thi sĩ đồng trinh (tập truyện, 1993), Một lần thơ trẻ (truyện ngắn, 1994)… Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài thơ Không đề.
Ông có những cuốn sách viết về âm nhạc gây được tiếng vang như Văn Cao - người đi dọc biển (năm 1992), Nửa thế kỷ Tân nhạc Việt Nam (năm 1998), Những gương mặt âm nhạc thế kỷ (năm 2000), Nguyễn Thiện Đạo - nhạc sĩ bị giời đày, Huy Du - đời và nhạc…
Ngoài viết báo, phê bình tiểu luận về âm nhạc, ông còn sáng tác ca khúc và tham gia làm các phim âm nhạc, văn học.
Ông có nhiều bài thơ được phổ nhạc như Trong ta thu về (nhạc Chu Minh), Chiều không em (nhạc Huy Du), Chiều không em (nhạc Phú Quang), Về Hải Phòng (nhạc Phú Quang)…
Ông được trao nhiều giải thưởng văn nghệ, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam liên tục từ năm 1996 đến 2005; giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2004; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2023.
Sau lễ viếng, truy điệu và đưa tang, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha được an táng tại Nghĩa trang Phi Liệt (Thủy Nguyên, Hải Phòng).