Văn học, nghệ thuật có bước chuyển mình mạnh mẽ
VHO- Năm qua đã chứng kiến sự phát triển của văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Bộ VHTTDL và toàn ngành, tầm quan trọng của VHNT được nâng lên tầm cao mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới và đặc biệt là nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Bộ VHTTDL đang xây dựng hồ sơ Nghị định về hoạt động văn học Ảnh: N.NGUYỄN
Trong năm 2023, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo “sức bật” trong phát triển nền VHNT của nước nhà.
Dấu ấn mang tên “Nghị định về hoạt động văn học”
Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập; xây dựng 2 chương trình nghệ thuật thực hiện Đề án xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hóa của Việt Nam có giá trị về nghệ thuật và tư tưởng; tổ chức kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và văn học, hoạt động tổ chức các cuộc thi người đẹp; tổ chức trại sáng tác dành cho các tác giả có đề cương, bản thảo tác phẩm VHNT Sống mãi với thời gian năm 2023 và 10 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp...
Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước như chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023); chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023); chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa với chủ đề Giai điệu Tổ quốc...
Điểm nhấn rõ nét nhất phải kể đến việc Bộ thực hiện xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học. Thực tế, văn học Việt Nam trong nhiều năm qua đã có bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ, nhưng bên cạnh thành tựu đã đạt được, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động văn học đang đối mặt với nhiều khó khăn. Mặt trái trong tác động của nền kinh tế thị trường, những biến động trong đời sống xã hội, xu thế hội nhập, sự phát triển của công nghệ thông tin... đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động văn học. Việc hỗ trợ sáng tác; hoạt động của các trại sáng tác và các cuộc thi văn học; công tác lý luận, phê bình văn học; quảng bá văn học tới công chúng và quảng bá văn học Việt Nam ra nước
ngoài đang đòi hỏi sự hỗ trợ, quan tâm đúng mức bằng chính sách. Vì thế, việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động văn học là thực sự cấp thiết.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh, với Nghị định này, Bộ VHTTDL có thể khẳng định rõ hơn vai trò của mình trong quản lý nhà nước về văn học. Nghị định khi đi vào đời sống sẽ tạo khung pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn học. Việc xây dựng Nghị định cũng là để cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách, kết luận của Đảng và Nhà nước về văn học; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động văn học; có thêm nguồn lực xã hội hóa tham gia hỗ trợ hoạt động văn học...
Thu hút nhân tài thông qua các cuộc thi tài năng
Dấu ấn khác phải kể đến là năm 2023 chứng kiến sự phát triển cả về chất và lượng của những cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc cùng lúc khai mạc 3 cuộc thi tài năng: Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc năm 2022; Tài năng Múa toàn quốc năm 2023 và Tài năng Diễn viên Kịch nói toàn quốc năm 2023 cùng nhiều sự kiện khác như Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu 2023, Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc 2023... đã cho thấy Bộ VHTTDL luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tuyển chọn, thu hút nhân tài trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Việc tổ chức thi tài năng ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp là cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa nghề mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đã gây dựng nên; là dịp để cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và vinh danh những nghệ sĩ “gạo cội”, phát hiện tài năng trẻ để động viên, khích lệ họ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn. Trong quá trình tổ chức, các cuộc thi tài năng nghệ thuật chuyên nghiệp đã kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật. Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động của các loại hình nghệ thuật biểu diễn; kịp thời đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy các loại hình nghệ thuật phát triển phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân.
Trong những chỉ đạo của mình, lãnh đạo Bộ VHTTDL đều quán triệt, yêu cầu các cuộc thi không được phép chạy theo hình thức mà phải luôn đề cao chất lượng chuyên môn. Minh chứng rõ nét trong việc tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn là trong các cuộc thi, Hội đồng giám khảo đều là những người có trình độ, uy tín, có tầm ảnh hưởng và đóng góp nhiều cho sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, xuyên suốt mỗi cuộc thi, Hội đồng giám khảo đều yêu cầu các thí sinh tham dự ở cuộc thi nào cũng cần phải nắm vững và thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật đó; theo sát tiêu chí cuộc thi. Nghĩa là phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ chứ không thể coi việc tham gia chỉ là để “thỏa mãn sở thích cá nhân”. Đồng thời, các cuộc thi cũng liên tục khuyến khích thí sinh có sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn. Qua đó, Bộ VHTTDL đã phát hiện được nhiều tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đưa ra chính sách, hình thức đào tạo phù hợp.
Nhìn lại bức tranh VHNT của năm 2023 có thể thấy, công tác định hướng phát triển VHNT đã rất được chú trọng. Chủ trương, chính sách và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của VHNT từng bước được nâng lên đã tạo động lực sáng tạo cho những người làm công tác văn hóa, văn nghệ theo đúng định hướng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết của giới văn nghệ sĩ trong việc “hiến kế”, vì sự phát triển của VHNT nước nhà trong thời kỳ mới.
Một vấn đề không thể không đề cập là sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Bộ VHTTDL, các cơ quan chức năng của Bộ trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và các văn bản pháp luật khác được xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp từ Trung ương về địa phương… Tuy nhiên, trước biểu hiện “lệch chuẩn” của một số cuộc thi người đẹp, người mẫu tại các địa phương, Bộ VHTTDL đã kịp thời yêu cầu chấn chỉnh. Mới đây nhất, tháng 11.2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu. Tinh thần vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát và kịp thời chấn chỉnh biểu hiện “lệch chuẩn” trong việc tổ chức một số cuộc thi người đẹp, người mẫu tại các địa phương đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của chính các địa phương, giới showbiz cũng như dư luận, báo chí. |
ĐÌNH TOÁN - NGỌC NHIÊN