Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay”

VHO - Với triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay”, NNƯT Trần Nam Tước giới thiệu 72 tác phẩm, mang đến cho người xem một dòng chảy sáng tạo của hơn 30 năm làm nghề. Ở đó, bàn tay tài khéo của nghệ nhân đã tái tạo những tinh hoa truyền thống và truyền tải những giá trị bản sắc văn hóa riêng của nghệ thuật gốm Bát Tràng.

Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” - Anh 1

Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước phát biểu tại khai mạc triển lãm “Linh thú thời nay”

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Thái Bình, nghệ nhân Trần Nam Tước nhọc nhằn trên con đường cầu thực chứng minh giá trị bản thân. Những năm tháng đó, ông lang bạt khắp nơi trên dải đất hình chữ S. Mỗi nơi đặt chân đến, ông chỉ làm việc đến lúc đủ tiền để đi tỉnh, thành phố khác rồi lại kiếm tìm, thử sức ở mọi nghề, học hỏi từ những trải nghiệm và bươn trải để kiếm sống.

Năm 1996, ông đến Bát Tràng như một cơ duyên với nghề gốm và sau 8 năm, nghệ nhân Trần Nam Tước chính thức ở lại, gắn bó với mảnh đất này. Dù không sinh ra ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng nhưng không ai xem ông là “đứa con lạc loài” của làng gốm khi là người duy nhất được nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT.Buổi khai mạc triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) không chỉ nhận được sự yêu mến, quan tâm của các họa sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân điêu khắc mà còn có sự góp mặt của những người yêu nghệ thuật Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” là sự kết hợp giữa các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của nghệ nhân. Tất cả góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật gốm hiện đại mang giá trị thẩm mỹ cao, truyền tải thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình tượng linh thú - biểu tượng văn hóa của các dân tộc.

Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” - Anh 2

Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” của NNƯT Trần Nam Tước giới thiệu 72 tác phẩm mà ông tâm huyết

 

Tại buổi khai mạc triển lãm, NNƯT Trần Nam Tước chia sẻ về nguồn cảm hứng của ông khi lựa chọn chủ đề “Linh thú thời nay”. Nhiều tác phẩm nghệ thuật xưa đã có sự xuất hiện của linh thú trong những chi tiết mang đậm vẻ đẹp văn hoá dân tộc và giá trị lịch sử. Tuy nhiên, dáng vẻ của các biểu tượng linh thú: Long (rồng), Lân (lân), Quy (rùa), Phụng (phụng) vẫn còn lạ lẫm trong tiềm thức của nhiều người.

Linh thú chính là đại diện cho văn hóa dân tộc, do đó ông muốn thông qua những tác phẩm điêu khắc gốm nghệ thuật để đưa các biểu tượng này đến gần hơn trong đời sống của mỗi người. “Linh thú sẽ luôn sống mãi trong tâm thức và trái tim của người dân. Với những tinh thần, tình cảm của hồn cốt xưa, tôi được nương nhờ từ những tinh hoa bản sắc của làng gốm Bát Tràng, sẽ tiếp thu, học hỏi, kế thừa, sáng tạo và phát triển tinh hoa làng nghề gốm Bát Tràng nói riêng và gốm Việt nói chung.” Nghệ nhân Trần Nam Tước chia sẻ.

Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” - Anh 3

Những tác phẩm của nghệ nhân Trần Nam Tước đưa người xem sống lại với những giá trị của di sản

Theo dấu hành trình tiếp nối nghệ thuật điêu khắc gốm và cơ duyên tìm đến với biểu tượng linh thú, nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước cho biết: “Tôi không làm vì cái đẹp. Tôi không làm vì đúng sai. Cái đẹp thì thuộc về cảm xúc. Đúng sai thì thuộc về thời gian. Hơn 30 năm, đó là cả một chặng đường dài. Và hơn nữa, nó khẳng định một điều: nghệ thuật và những giá trị văn hóa nghệ thuật đang sống và luôn sống mạnh mẽ trong dân tộc này. Tôi có được ngày hôm nay là từ linh thú và triển lãm này là để tri ân linh thú”.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ, năng lượng sáng tạo của nghệ thuật đương đại đã khơi dậy một sức sống mới cho các làng nghề Việt Nam, đặc biệt là các nghệ nhân luôn sục sôi khát khao khai phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của nghệ thuật và phát triển song song với đó là bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Nói về Trần Nam Tước, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, chính cái lang bạt của tuổi trẻ đã cho anh những xúc cảm vô bờ trong sáng tạo nghệ thuật, khơi dậy ý tưởng sử dụng những chất liệu độc đáo trong từng tác phẩm anh thực hiện. Thừa hưởng những giá trị của cha ông ta, các sản phẩm điêu khắc gốm mang đậm hồn cốt Việt vẫn nguyên vẹn trong tâm hồn của Trần Nam Tước.

“Dù dáng ấy vẫn là dáng xưa, nhưng rõ ràng qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Trần Nam Tước, chúng ta đã và đang được sống lại với những giá trị của di sản. Các tác phẩm nghệ thuật, những di tích, công trình mà anh góp sức trùng tu, phục chế, tôn tạo đã mang đến những đóng góp mới cho xu thế phát triển của nghệ thuật đương đại. Cái giá trị của di sản vẫn  hiện diện hôm nay và tồn tại mãi mãi trong đời sống hiện thực bởi sự nỗ lực trong việc sáng tạo, phát huy, kế thừa và làm nên những câu chuyện mới cho nghệ thuật Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Thông qua triển lãm, nghệ nhân Trần Nam Tước mong muốn người xem có được những góc nhìn xưa - cũ, xa - gần với văn hóa bản địa của dân tộc. Từ đó truyền tải những thông điệp ý nghĩa về văn hóa và di sản Việt Nam đến người yêu nghệ thuật. Ông chia sẻ, để có thể phát triển và trường tồn theo thời gian, chúng ta cần phải trụ vững trên nền tảng văn hóa dân tộc. Trong mảng khai thác, mỗi nghệ nhân lại có một cách riêng để thể hiện góc nhìn của mình. Di sản về linh thú rất lớn nhưng giá trị văn hóa nghệ thuật mà mỗi nghệ nhân gửi gắm qua tác phẩm sẽ luôn thấm đẫm giá trị hồn cốt của dân tộc Việt Nam.

PHƯƠNG LINH

Ý kiến bạn đọc