Trao Giải thưởng Trần Văn Giàu cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
VHOv- Sáng ngày 16.9, tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, lễ trao giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 đã diễn ra. Theo đó, công trình nghiên cứu trên 20 năm của cụ Nguyễn Đình Tư về lịch sử TP.HCM mang tên Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) đã được vinh danh.
Trao giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 cho NNC Nguyễn Đình Tư
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay 103 tuổi. Thế nhưng với niềm đam mê nghiên cứu và mong muốn mang đến những công trình tầm vóc về TP.HCM ông đã dành 20 năm để đi khắp các thư viện, kho lưu trữ, tìm từng bài báo để tích lũy và viết đầy đủ về thành phố từ ngày khởi thủy cho đến hôm nay và cho ra đời bộ sách đầy tâm huyết bộ sách. Ông cho biết, TP.HCM là một thành phố lớn nhưng lâu nay chưa có tác phẩm lịch sử nào bao quát được mọi lĩnh vực, những khía cạnh mà nhiều người muốn biết, điều này đã thôi thúc tác giả hơn bao giờ hết. Theo đó, tác phẩm Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) gồm 2 tập với tổng cộng 1687 trang giấy khổ lớn, tập 1 từ năm 1698 đến năm 1945, tập 2 từ năm 1945 đến năm 2020. “Tóm lại, tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.
Cụ Nguyễn Đình Tư nhận giải thưởng ở tuổi 103
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ông cảm thấy vinh dự khi được tham gia lễ trao giải và càng vui hơn khi thấy cụ Nguyễn Đình Tư khỏe mạnh với bài phát biểu đầy sâu sắc. “Chúng tôi trân trọng cảm ơn những lao động sáng tạo, những đóng góp to lớn của các tác giả, các tập thể tác giả thông qua những công trình này. Xin chúc mừng cụ Nguyễn Đình Tư”, ông Mãi nói. Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ thêm, những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc với tâm huyết rất lớn cho lịch sử, văn hóa cả nước, Nam Bộ và TP.HCM vô cùng có giá trị. Qua đó giúp cho chúng ta trong quá trình tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước cũng như TP.HCM. Chính vì thế, ông Mãi mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tác phẩm có giá trị từ các hội, các tổ chức, các viện, trường học, địa phương được nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu, góp phần hình thành kho dữ liệu quý, quan trọng, giúp cho quá trình nghiên cứu. Từ đó làm cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển cũng như đề ra các chính sách cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Còn GS.TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM đánh giá bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1968 - 2020) không giống với các tác phẩm lịch sử ở các thế kỷ trước. Tác phẩm đã khái quát được toàn diện các lĩnh vực như hành chính, kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục, y tế… đóng góp vào việc làm sáng tỏ nhiều trang lịch sử của TPHCM. “Bộ sách đã cho thấy tác giả Nguyễn Đình Tư không chỉ là người yêu lịch sử mà còn hết sức minh bạch về quan điểm nghiên cứu. Đây không chỉ là niềm vui lớn với tác giả mà còn có tác dụng khích lệ đối với giới nghiên cứu cứu sử học trẻ hiện nay”, thầy Võ Văn Sen chia sẻ.
Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu (hay còn gọi là Giải thưởng Trần Văn Giàu) do Giáo sư Trần Văn Giàu sáng lập năm 2002, với mục tiêu trao giải cho các tác giả với các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ, khu vực cực Nam Trung Bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau). Theo đó, Uỷ ban giải thưởng đã tiến hành xét chọn và trao tặng giải thưởng cho các tác phẩm như: Nguyễn Tri Phương ̣(2003); Ruộng đất và địa bạ triều Nguyễn (2005); Lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Pháp (2006)...
HỒNG HẠNH