TP.HCM: Tổ chức 30 suất diễn quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về học tập và làm theo Bác
VHO - Ngày 1.11, Nhà hát Kịch TP.HCM giới thiệu về đợt cao điểm tuyên truyền cao điểm, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề "Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Hoạt động do Sở VHTT TP.HCM chỉ đạo, Nhà hát Kịch TP là đơn vị được phân công thực hiện.
Ông Lâm Hữu Đức, Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM chia sẻ về chương trình
Theo ông Trần Quý Bình, Phó giám đốc Nhà hát kịch TP.HCM, đợt quảng bá này có 30 suất diễn trong tháng 11 và 12.2023. Trong đó, 10 suất diễn dành cho tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (Đoàn văn công Quân khu 7) và kịch múa Tổ quốc (Trường trung cấp Múa TP.HCM). Các chương trình này diễn phục vụ vào các ngày lễ lớn của đất nước tại khu vực trung tâm và ngoại thành cho đối tượng học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.HCM.
Cùng với đó là 20 suất diễn quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao, nội dung thiết thực về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có bốn tác phẩm kịch được chọn đợt này: Cuộc hành trình tìm bức chân dung của đơn vị Nhà hát kịch TP.HCM; vở Cánh đồng rực lửa của Sân khấu kịch Quốc Thảo; vở Rặng trâm bầu của Sân khấu Trịnh Kim Chi; và vở kịch thiếu nhi Đại náo Long cung của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ.
Tham gia trong đợt biểu diễn này có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Quốc Thảo, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Tuyết Thu,... các nghệ sĩ trẻ và lực lượng nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Văn công Quân khu 7 và Trường Múa TP.HCM…
Phó giám đốc Nhà hát kịch TP.HCM Trần Quý Bình thông tin cụ thể về đợt quảng bá
Theo đó, Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả Khánh Hoàng, đạo diễn Hoàng Tấn) của đơn vị Nhà hát Kịch TP kể về câu chuyện một đội du kích thiếu nhi với cuộc hành trình tìm bức chân dung Bác Hồ trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Vở diễn là góc nhìn của thiếu nhi miền Nam về Bác Hồ. Ca ngợi sự hy sinh dành cả cuộc đời của Bác cho cách mạng thành công để được sự thống nhất đất nước, qua đó thấy được tinh thần kháng chiến bất khuất, chống lại sự xâm lược của kẻ thù… Với nhiều tình tiết li kỳ, hấp dẫn, vở kịch muốn gửi thông điệp cho mọi người phải biết trân trọng cuộc sống hòa bình, bởi để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay thì đã có biết bao người ngã xuống, hi sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Cảnh trong vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung
Đạo diễn trẻ Hoàng Tấn (Nhà hát kịch TP.HCM) chia sẻ, đây là các tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, con người thành phố; tăng cường bồi đắp nền tảng đạo đức, văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu trong tâm hồn mỗi con người thành phố. Nam đạo diễn mong muốn đây là cơ hội để Cuộc hành trình tìm bức chân dung nói riêng, cũng như các tác phẩm khác được tiếp cận, gần gũi hơn với khán giả, nhất là các bạn trẻ.
Vở Cánh đồng rực lửa của đơn vị Sân khấu Kịch Quốc Thảo (tác giả: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) lấy bối cảnh đợt tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (đợt 2), một sự kiện đau thương bi tráng đã xảy ra tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Vở kịch khắc họa sâu sắc sự khốc liệt của chiến tranh, tấm lòng kiên trung của người dân với cách mạng và tinh thần quả cảm của người dân nơi đây trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…
Hình tượng các nữ dân công tuổi đời mới lớn trên đôi mươi được tôi đưa vào vở diễn nhằm tôn vinh giá trị dâng hiến trọn vẹn thanh xuân cho Tổ Quốc của những những người mẹ tảo tần thương con, những người dân chân chất miệt mài lao động vừa nuôi giấu cán bộ thương binh, chỉ mong đến ngày hòa bình.
Vở Rặng trâm bầu (tác giả: Vũ Trinh, Uyên Nhi, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi) của đơn vị Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi, nội dung nói về nguyên mẫu có thật, đó là liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp ở Cai Lậy - Tiền Giang, từng là Phó Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Mỹ Tho. Bà hy sinh vào tháng 4.1972 trong một trận đánh tại Cai Lậy, Tiền Giang.
Theo NSƯT Trịnh Kim Chi, "Thông qua hình tượng Mẹ Đoàn Thị nghiệp, vở diễn tái hiện những ngày tranh đấu của một vùng quê sông nước Nam Bộ. Trong muôn vàn khốc liệt của chiến tranh vẫn toát lên một sự sống kiên cường mà bình dị của những người nông dân chân chất luôn hướng lòng mình về với cách mạng, về một ngày toàn thắng.
NSƯT Trịnh Kim Chi trong vở Rặng trâm bầu
Vở diễn đưa chúng ta đến với những câu chuyện đầy cảm động giữa mẹ chồng - nàng dâu, nỗi nhớ của người vợ có chồng chiến đấu phương xa, tình đồng đội, tình quân dân… và đặc biệt là cuộc đời của Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp, một người mẹ, người vợ đảm đang, người con dâu hiếu thảo đã dâng hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đại náo long cung (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) của đơn vị Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, với nội dung vui nhộn, nhiều màu sắc, nhằm hướng tới đối tượng khán giả nhí. Trong vở, Long cung hiện ra một vách huyền ảo nhưng cũng đầy chân thật, gần gũi. Vở kịch với thông điệp về tình đoàn kết, yêu thiên nhiên, bảo vệ sinh vật và biển cả.
Đợt cao điểm tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề "Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trên địa bàn TP.HCM năm 2023 hứa hẹn sẽ tạo nhiều tạo dấu ấn đậm nét, lan tỏa nhiều hơn giá trị nghệ thuật đến công chúng, đặc biệt là các tác phẩm có nội dung thiết thực về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
THÙY TRANG