Tiếng đàn dân tộc đưa NNƯT Đức Dậu bay xa

THÙY TRANG; ảnh: Gia đình chung cấp

VHO - Thông tin từ ông Mai Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM và là cháu ruột của NNƯT Đức Dậu, cho biết nghệ sĩ Đức Dậu đã đột ngột qua đời vào 19h ngày 12.12.2024, ở tuổi 68, sau thời gian chống chọi với bệnh tật.

Tiếng đàn dân tộc đưa NNƯT Đức Dậu bay xa - ảnh 1
NNƯT Đức Dậu được biết đến là một nghệ sĩ, nghệ nhân tận tâm dành cả đời để bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc

Nghệ nhân Đức Dậu, tên thật là Trần Trọng Dậu, sinh năm 1967 tại Hà Tây (nay là Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Lúc nhỏ, nghệ nhân Đức Dậu sống tại Hà Nội.

Gia đình ông có bảy anh chị em, tất cả đều đam mê và được học hành từ các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, bản thân anh cũng không ngoại lệ. Đó chính là cái nôi âm nhạc truyền thống lý tưởng, nơi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ trong anh ngày càng mãnh liệt.

Có lần gặp nghệ nhân Đức Dậu, ông tâm sự: “Thuở nhỏ, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều cây đại thụ trong làng âm nhạc như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát – là chủ tịch Hội Nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam, được gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, giáo sư Trần Văn Khê…

Tiếng đàn dân tộc đưa NNƯT Đức Dậu bay xa - ảnh 2
Giáo sư Trần Văn Khê dành sự trân quý đối với NNƯT Đức Dậu

Chính sự ngưỡng mộ thần tượng đã nung nấu tôi ngày càng say mê nghiên cứu loại hình này. Khi ấy tôi thường nghe các cụ nói về giá trị truyền thống của âm nhạc dân tộc.

Theo các cụ, tất cả những nhạc cụ trông đơn giản, đơn sơ, xù xì nhưng không đơn điệu mà đầy bí ẩn của ngàn năm văn hiến. Nét độc đáo của nhạc cụ Việt Nam chính là sự gần gũi, nó hiện diện mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, từ đó đưa vào những suy nghĩ, cảm xúc cho người nghệ nhân, nghệ sĩ”.

Sau khi gia nhập Đoàn ca múa của Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã có cơ hội biểu diễn và nghiên cứu âm nhạc truyền thống. Từ những ngày đầu, ông đã khởi xướng việc sưu tầm nhạc cụ dân tộc, và công việc này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông.

Đến năm 1980, ông cùng gia đình thành lập Đoàn nhạc gõ Phù Đổng, một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Đây cũng chính là tiền đề để ông tiếp tục hành trình sưu tầm và bảo tồn các loại nhạc cụ dân tộc.

Căn nhà của nghệ nhân Đức Dậu ở quận Gò Vấp, TP.HCM, không chỉ là tổ ấm mà còn là bảo tàng sống động, nơi chứa đựng hàng trăm nhạc cụ của 54 dân tộc Việt Nam.

Ông đã dành gần 40 năm để sưu tầm, chăm sóc và gìn giữ những nhạc cụ quý giá, từ những bộ trống cổ Tây Nguyên cho đến các loại đàn đá, đàn bầu, đàn Goong...

Mỗi nhạc cụ trong bộ sưu tập không chỉ là vật phẩm mà còn là một phần của văn hóa, mang trong mình âm thanh của núi rừng, của từng dân tộc. Đặc biệt, bộ trống Tây Nguyên của ông là những báu vật có giá trị lịch sử, nhiều chiếc đã tồn tại hàng trăm năm, với chất liệu độc đáo như da voi, da trâu rừng.

Tiếng đàn dân tộc đưa NNƯT Đức Dậu bay xa - ảnh 3
NNƯT Đức Dậu bên các nhạc cụ dân tộc

Chặng đường sưu tầm của ông không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những chiếc nhạc cụ mà ông đã phải bỏ ra nhiều năm trời, thậm chí là cả trăm triệu đồng, để thuyết phục được chủ nhân của chúng.

Dù vậy, tình yêu và sự tôn trọng dành cho các nhạc cụ dân tộc luôn là động lực mạnh mẽ giúp ông vượt qua mọi khó khăn, để gìn giữ được những giá trị vô giá của âm nhạc truyền thống.

Ngoài công việc sưu tầm, NNƯT Đức Dậu còn là một người thầy, người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Ông đã tạo dựng một không gian âm nhạc giữa lòng thành phố, nơi học sinh, sinh viên có thể đến để tìm hiểu và cảm nhận âm nhạc dân tộc.

Ông từng chia sẻ: “Không gian này không phải chỉ để tôi thưởng thức, mà để các bạn trẻ có thể đắm mình trong những giai điệu của quê hương, để hiểu hơn về giá trị của âm nhạc dân tộc”.

Với những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, nghệ nhân Đức Dậu đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như Huy chương Vàng Quốc gia về độc tấu bộ gõ, và các huy chương về đàn Bầu, sáo Mèo… 

Đoàn nhạc gõ Phù Đổng mà ông sáng lập đã biểu diễn tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, đem âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Tiếng đàn dân tộc đưa NNƯT Đức Dậu bay xa - ảnh 4
NNƯT Đức Dậu bên người vợ tào khang, cùng niềm say mê âm nhạc dân tộc với ông

Dù ông đã ra đi, nhưng những âm thanh của các nhạc cụ dân tộc, những giai điệu từ trái tim ông, sẽ mãi vang vọng trong không gian âm nhạc mà ông đã tạo dựng.

Tiếng đàn bầu, tiếng trống Tây Nguyên, tiếng sáo Mèo, tất cả sẽ sống mãi, là di sản vô giá của âm nhạc dân tộc Việt Nam, mang đậm dấu ấn của một nghệ sĩ tận tâm với sứ mệnh gìn giữ văn hóa dân tộc.

Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn, xúc động chia sẻ: “NNƯT Đức Dậu không chỉ là người bác ruột của tôi, mà còn là người thầy đầu tiên truyền dạy âm nhạc dân tộc cho tôi.

Tôi tiếc thương bác – một nghệ sĩ tài năng, một tâm hồn yêu nghệ thuật và luôn cống hiến hết mình cho âm nhạc dân tộc. Dù bác đã ra đi, nhưng di sản nghệ thuật mà bác để lại sẽ mãi sống trong lòng gia đình, người thân và những bạn bè yêu mến bác”.

Theo thông tin từ gia đình, Lễ nhập quan NNƯT Đức Dậu vào 14h ngày 13.12 (nhằm 13.11 năm Giáp Thìn), Lễ động quan vào 8h ngày 15.12 (nhằm 15.11 năm Giáp Thìn). Sau đó linh cửu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa, TP.HCM.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc