Tiếng đàn còn mãi ngân vang
VHO - Hòa nhạc đặc biệt tưởng niệm Nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên, một trong bảy người sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 28.12. Chương trình vinh danh người thầy đầu tiên và cũng là người đứng đầu ngành Piano lâu nhất của nhà trường, với di sản quý báu mà bà để lại, vẫn được truyền lại qua nhiều thế hệ học trò như một “phả hệ piano Việt Nam”.
Người mẹ, người thầy huyền thoại của nhiều thế hệ pianist Việt Nam
Chương trình do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức. TS.NSND Quốc Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Hòa nhạc Tiếng đàn còn mãi ngân xa là sự kiện đặc biệt của Học viện, là dịp để tưởng nhớ một người bà, người cô, người thầy, một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam”.
Nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên (1918-2023) là một tài năng vĩ đại và là người Mẹ của những nghệ sĩ lớn, người Thầy của những người thầy. Bà sinh ra trong một gia đình trí thức danh giá tại Sài Gòn, cha là kỹ sư Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư người Việt đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp. Chị gái bà, Thái Thị Lang, là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris, với cả hai chuyên ngành Biểu diễn và Sáng tác.
NGND Thái Thị Liên bắt đầu học đàn piano từ khi 4 tuổi, và đến 11 tuổi đã bước vào con đường chuyên nghiệp. Là học trò xuất sắc của Armande Caron, năm 16 tuổi, bà có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại Tòa thị chính Sài Gòn. Năm 1946, bà sang Pháp với mong muốn tiếp tục học cao hơn về âm nhạc, nhưng do những biến cố lịch sử, bà đã chuyển từ Paris sang Praha vào năm 1948, theo học ngành Biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, một trong những trường âm nhạc lâu đời nhất châu Âu. Tốt nghiệp xuất sắc năm 1951, dưới sự giảng dạy của giáo sư Ema Dolezalová, bà trình diễn một chương trình đồ sộ với các tác phẩm của D. Scarlatti, J. S. Bach, L. V. Beethoven và B. Smetana.
Cuối năm 1951, bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung ương. Đầu năm 1954, bà tham gia Đoàn Hợp xướng Hòa bình sang Thượng Hải (Trung Quốc), ghi âm chương trình để phát trên Đài phát thanh khi tiếp quản Thủ đô vào mùa thu năm đó. Cuối năm 1955, bà cùng ca sĩ Minh Đỗ sang Tiệp Khắc ghi âm đĩa nhạc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Hãng Supraphon.
Cuộc đời của Nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên là một huyền thoại, và huyền thoại ấy được viết nên bằng kỷ lục hiếm có: Một nghệ sĩ hơn một thế kỷ tuổi đời vẫn tiếp tục dạy học và biểu diễn. Bà không chỉ là người mẹ của ba người con, mà còn là người mẹ, người thầy huyền thoại của nhiều thế hệ pianist Việt Nam.
Tháng 11.1956, bà là một trong bảy nhạc sĩ sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam và giữ chức Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1977. Suốt hơn 20 năm gắn bó, kể cả trong những năm tháng chiến tranh đầy khó khăn, thiếu thốn nơi sơ tán, bà đã dày công biên soạn chương trình, giáo trình, bồi dưỡng và huấn luyện các giảng viên đầu tiên, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên và nghệ sĩ piano. Học trò của bà đã trở thành những nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo nổi tiếng như Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Kim Dung, Trần Thu Hà, Đỗ Hồng Quân... Nổi bật nhất trong số đó là Đặng Thái Sơn, con trai út của bà, người châu Á đầu tiên giành giải nhất tại Cuộc thi Piano quốc tế Chopin.
Bên cạnh sự nghiệp đào tạo, bà còn có những hoạt động biểu diễn không ngừng nghỉ. Bà là người đầu tiên biểu diễn chương trình recital từ cuối những năm 1950 tại Hà Nội, tham gia chương trình hòa tấu với các chuyên gia từ Liên Xô cũ như GS Khódjaev (violon) và Fedoshénko (violoncelle) tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Hải Phòng. Bà đã biểu diễn cả trong những đêm nhạc chỉ có ánh trăng trên sân kho hợp tác xã nơi sơ tán, như đêm chuyên đề với các tác phẩm của Chopin hay đêm hòa tấu Trio Weber với các GS Vũ Hướng (violoncelle) và Lê Bích (flute).
Ngoài NSND Đặng Thái Sơn, bà còn có một người con gái - cựu học trò nổi tiếng: GS.TS.NGND Trần Thu Hà - nguyên Chủ nhiệm Khoa Piano, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Cùng với đó, con trai bà, kiến trúc sư Trần Thanh Bình, dù không theo nghiệp âm nhạc, nhưng cũng để lại dấu ấn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với vai trò kiến trúc sư, tác giả thiết kế toàn bộ cơ ngơi mới và Phòng hòa nhạc hiện đại.
May mắn trên con đường nghệ thuật khi người thầy đầu tiên cũng chính là người mẹ của mình, GS.TS.NGND Trần Thu Hà chia sẻ: “Mẹ là người đầu tiên đặt tay tôi lên phím đàn, dạy những nốt nhạc đầu tiên và nuôi dưỡng tôi trong không gian ngập tràn âm nhạc. Tôi đi theo nghệ thuật, lớn lên và tắm mình trong cái nôi âm nhạc là nhờ bà. Ấn tượng đặc biệt nhất của tôi là bà đã dành trọn đam mê cho nghệ thuật và sự nghiệp trồng người trong lĩnh vực âm nhạc”.
Tiếp nối tiếng đàn nhiều thế hệ
Kiến trúc sư Trần Thanh Bình nhớ lại: “Cách đây 7 năm, trong chương trình biểu diễn Mùa thu vàng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NGND Thái Thị Liên đã bước lên sân khấu khi tròn 100 tuổi. Bà từ chối dùng xe lăn, tự mình bước ra và cố gắng cúi chào khán giả, dù điều này là rất khó khăn. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bà bên cây đàn piano trong đêm nhạc ấy đã được chọn làm poster cho chương trình hòa nhạc sắp tới. Tên gọi Tiếng đàn còn mãi ngân vang mang ý nghĩa tôn vinh tiếng đàn của bà - không chỉ trường tồn trong lòng mọi người mà còn tiếp tục vang mãi qua các thế hệ học trò nối tiếp”.
Đêm nhạc có sự tham gia của các giảng viên - nghệ sĩ Khoa Piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đại diện cho các thế hệ giảng viên và học trò của Khoa. Từ những lứa học trò đầu tiên được học NSND Thái Thị Liên trực tiếp, nay đã ở tuổi 80 như NGƯT Kim Dung, NSƯT Tuyết Minh, đến những thế hệ giảng viên trẻ - chủ chốt của Khoa hôm nay, những học trò của học trò như TS Đào Trọng Tuyên, Trưởng Khoa, PGS. TS Nguyễn Huy Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện... và cả những học trò - con, cháu, chắt… của bà, tất cả như những tiếng đàn ngân vang bất tận qua các thế hệ.
Họ sẽ tiếp nối chơi các tác phẩm trong phần đầu của chương trình. Nhạc mục đêm diễn rất phong phú, đa dạng về tác giả, tác phẩm và hình thức trình diễn. Mở màn là tiếng đàn của chính nghệ sĩ Thái Thị Liên với bản Mazurka Op. 67 No. 4 (Chopin). Phần I mang tên Các thế hệ tiếp nối, gồm các tác phẩm đặc sắc được trình bày bởi NGƯT Kim Dung, NSƯT Tuyết Minh, NGND Trần Thu Hà... Phần II là câu chuyện đầy cảm xúc của NSND Đặng Thái Sơn về người mẹ - người thầy của mình qua tiếng đàn. Trong phần này, ông sẽ trình diễn tác phẩm Hát ru của mẹ (do NGND Thái Thị Liên sáng tác cho 4 tay), cùng pianist Đăng Quang. Ông cũng tặng mẹ - người thầy đầu tiên những bản nhạc không đề, bí mật, là những tác phẩm mà NGND Thái Thị Liên yêu thích nhất.
Bày tỏ cảm xúc trước sự xuất hiện của nhiều thế hệ nghệ sĩ piano trong Tiếng đàn còn mãi ngân vang, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định: “Đây là chương trình biểu diễn rất phong phú, không chỉ phản ánh bức tranh âm nhạc đa dạng, mà còn thể hiện sự đóng góp của NGND Thái Thị Liên, di sản bà để lại vẫn còn hiện hữu trong đời sống âm nhạc hôm nay và sẽ tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau”.
PGS.TS Nguyễn Huy Phương cho biết, “rất vinh dự khi được tham gia chương trình, dù không học trực tiếp bà, nhưng cô giáo của tôi là NSND Trần Thu Hà. Bà đã để lại di sản đồ sộ cho nhiều thế hệ học sinh, và một trong những học trò thành công nhất chính của bà là NSND Đặng Thái Sơn. Được tham gia “hệ gia phả” nghệ sĩ piano là niềm vinh dự lớn của tôi. Phần biểu diễn của tôi chơi nhiều nốt nhất, nên tôi sẽ hết sức cố gắng”.
Vinh dự nhưng cũng không thiếu áp lực khi được tham gia biểu diễn bản giao hưởng tri ân NSND Thái Thị Liên, TS Đào Trọng Tuyên (học trò của NSND Trần Thu Hà và NSND Đặng Thái Sơn) chia sẻ: “Dù chưa có cơ hội được học trực tiếp với bà Liên, nhưng tôi thường xuyên được nghe NSND Trần Thu Hà kể về những bài học sư phạm mà cô đã nhận từ người mẹ của mình, và được NSND Đặng Thái Sơn kể lại những kỷ niệm đáng nhớ với mẹ. Tôi thấy như mình được truyền ngọn lửa đam mê, những kiến thức sư phạm, cũng như quan điểm thẩm mỹ về triết học và lịch sử của bà thông qua hai người thầy quan trọng nhất của tôi. Tôi may mắn được tiếp xúc với bà khi sang Canada, được nghe kể về những khó khăn khi thành lập Nhạc viện, những năm tháng sơ tán, cũng như những buổi tập đàn trong hoàn cảnh khó khăn... Điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi là được gặp gỡ những nhân vật vĩ đại của nền âm nhạc Việt Nam”.