Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024:

“Tiếng cười nhảm không thể chạm tới trái tim con trẻ”

THÚY HIỀN

VHO - “Trẻ em được tiếp xúc với công nghệ và văn hóa từ rất sớm, thậm chí là cả các nền văn hóa nước ngoài. Vì vậy, những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi không thể làm dễ dãi, gây cười, nhảm nhí… Điều này sẽ không còn thích hợp với giới trẻ ngày nay nữa, thậm chí sẽ phản cảm!”…

“Tiếng cười nhảm không thể chạm tới trái tim con trẻ” - ảnh 1

 Em Nguyễn Như Khôi, đại diện cho giới trẻ bày tỏ ý kiến tại tọa đàm

Những chia sẻ của Nguyễn Như Khôi (17 tuổi), đại diện cho thế hệ trẻ tham gia cuộc tọa đàm trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất đã thực sự đánh thức trách nhiệm những người làm nghệ thuật cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

70 năm mới có một liên hoan nghệ thuật dành cho thiếu nhi

 

Sau 7 ngày diễn ra sôi nổi tại TP Hải Phòng, Liên hoan đã khép lại với những giải thưởng xứng đáng dành cho các đơn vị, nghệ sĩ. Tuy nhiên, dư âm về chất lượng các tác phẩm, đồng thời những ý kiến chia sẻ đầy tâm huyết tại cuộc tọa đàm đã đặt ra nhiều vấn đề lớn, khiến những nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với việc sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng, một “địa hạt” rất ít đơn vị quan tâm...

Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, TS Nguyễn Đăng Chương nhận định: “70 năm chúng ta mới tổ chức một cuộc liên hoan nghệ thuật mang quy mô toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng. Không chỉ liên hoan mà các giải thưởng sân khấu cũng rất hiếm tác phẩm dành cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi. 14 đơn vị nghệ thuật có mặt tại Liên hoan là con số quá ít ỏi so với số lượng các đơn vị nghệ thuật hùng hậu toàn quốc hiện nay. Chúng tôi mong muốn gióng lên tiếng chuông để lực lượng làm nghệ thuật cũng như xã hội quan tâm nhiều hơn tới thế hệ khán giả tương lai cho sân khấu, đây cũng là nguồn nhân lực để đào tạo tài năng nghệ thuật”.

Nhắc đến sân khấu học đường, NSND Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, việc triển khai chưa thật đến nơi đến chốn dẫn tới trẻ em từ lớp 1 đến lớp 10 năm nào cũng chỉ xem xiếc, múa rối. Làm sân khấu học đường phải có cả phần diễn giải để các em có thể hiểu và cảm nhận về loại hình nghệ thuật mình đang thưởng thức. Có hiểu thì trẻ mới yêu và gắn bó với nghệ thuật được”.

Đại diện cho thế hệ trẻ đến với tọa đàm, em Nguyễn Như Khôi, nguyên Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hà Nội, Đại sứ trẻ em Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (hiện đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) bày tỏ: “Trẻ em được tiếp xúc với nền tảng công nghệ và văn hóa từ rất sớm, thậm chí là cả các nền văn hóa nước ngoài. Vì vậy, những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi không thể làm dễ dãi, gây cười, nhảm nhí… Điều này sẽ không còn thích hợp với trẻ em ngày nay nữa, thậm chí sẽ phản cảm!”. Ý kiến của Khôi đã khiến không ít những người làm nghệ thuật phải giật mình suy nghĩ trước nhận thức mạch lạc, rõ ràng đối với nghệ thuật sân khấu nước nhà của một cậu bé mới 17 tuổi. Sở dĩ có sự am hiểu như vậy bởi Khôi đã từng tham gia các vở diễn dành cho thiếu niên, nhi đồng của Nhà hát Tuổi trẻ, Sân khấu Lệ Ngọc. “Chúng em thích xem những hình thức nghệ thuật mới, nên sân khấu muốn thu hút cần trang trí đẹp và hiện đại. Nội dung tác phẩm phải dễ hiểu, đem lại tiếng cười. Đặc biệt, khi dàn dựng và biểu diễn, các nhà hát cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi”, Nguyễn Như Khôi cho biết.

“Tiếng cười nhảm không thể chạm tới trái tim con trẻ” - ảnh 2

Khán giả là thước đo sự thành công của tác phẩm nghệ thuật

Vì thế hệ tương lai của sân khấu Việt

Phát biểu tại tọa đàm, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, có những khán giả nhỏ tuổi của Nhà hát từ nhiều năm trước nay đã trở thành phụ huynh, họ lại tiếp tục đưa con em mình đến thưởng thức nghệ thuật. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm, thách thức của những nghệ sĩ làm sân khấu hiện nay. Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi để tạo nguồn kịch bản mới. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng tạo của đơn vị cũng luôn học hỏi, cập nhật những yếu tố hiện đại, “hot” trên thế giới để tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm.

Là đơn vị xã hội hóa nổi bật của Hà Nội trong phục vụ đối tượng thiếu niên, nhi đồng với hàng nghìn buổi diễn “cháy vé”, NSND Lệ Ngọc - người sáng lập Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi làm sân khấu xã hội hóa nên rất quan tâm đến đầu ra cho tác phẩm. Phải suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán và thực hiện thật chỉn chu thì mới có thể thu hút các em nhỏ đến với sân khấu nhiều nhất”.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan, NSND Nguyễn Xuân Bắc cho biết, Ban Giám khảo đã chứng kiến có gia đình đưa con đi xem 3 đêm liên tục, có những cháu nhỏ xem hết chương trình vẫn không chịu về mà chờ bằng được để được nhận quà và lên sân khấu chụp ảnh với nhân vật mà mình yêu thích. “Thế mới biết quà cho các cháu cần thiết biết bao nhiêu. Tuy nhiên, món quà lớn nhất mà những người làm nghệ thuật chúng ta có thể mang tới cho các em nhỏ là sản phẩm thật chỉn chu, hấp dẫn để hướng các em tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, NSND Xuân Bắc khẳng định.

Phải đến tận nơi chứng kiến không khí của các buổi diễn, sự cuồng nhiệt của khán giả nhí mới thấy sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng cần thiết tới mức nào! Để những người làm nghệ thuật, các đơn vị, các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban, ngành dành sự quan tâm xứng đáng cho nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên - nhi đồng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phát động Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu niên - nhi đồng và nay Tổ chức Liên hoan về nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên và nhi đồng là mong muốn tạo nên những cú hích, để các em từ biết đến hiểu, từ hiểu đến yêu thích, từ yêu thích đến say mê và bằng cảm quan trong tâm hồn có thể thẩm định một tác phẩm sân khấu theo cách riêng của mình.