Tiềm năng Việt Nam trở thành thủ phủ của phim hoạt hình Stop motion

QUYÊN ANH

VHO - Stop motion là công nghệ làm phim hoạt hình đã có lịch sử hơn 100 năm, đến nay vẫn chứng minh được sức hút không hề giảm. Sức hút đó đến từ đâu giữa thị trường công nghệ không ngừng biến động như hiện nay? Tiềm năng và thách thức nào cho những nhà sản xuất hoạt hình Stop motion?

Tiềm năng Việt Nam trở thành thủ phủ của phim hoạt hình Stop motion - ảnh 1

Những bộ phim Stop motion kinh điển đã và đang chứng minh được sức hút của dòng phim hoạt hình này (từ trên xuống, từ trái sang: Shaun the Sheep; Chicken Run; Coraline và Guillermo del Toro's Pinocchio)

Sức hấp dẫn của Stop motion

Nhắc đến Stop motion không thể không nhắc đến series “Shaun the Sheep” (2007), một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của công nghệ làm phim Stop motion, bộ phim đã tạo ra sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc với 151 tập, năm mùa phim, hai bản điện ảnh, một sân khấu kịch, năm tựa game và tầm ảnh hưởng khó có thể đong đếm được trong văn hóa đại chúng.

Bên cạnh đó, ở địa hạt điện ảnh cũng có những tựa phim ấn tượng như “Chicken Run” (2000) lọt top 100 phim hoạt hình hay nhất thế giới, “Coraline” (2009) nằm trong đề cử Oscar cùng năm hay gần đây nhất là “Guillermo del Toro's Pinocchio” (2022) giành giải phim hoạt hình xuất sắc nhất Oscar 2023. 

Một công nghệ làm phim có lịch sử lên đến hàng trăm năm, làm thế nào để đứng vững trước sự phát triển không ngừng của các công nghệ làm phim khác?

Hoạt hình Stop motion hay hoạt hình tĩnh là công nghệ sản xuất phim hoạt hình được thực hiện bằng việc ghép hàng nghìn bức ảnh tĩnh để tạo ra chuyển động cho nhân vật. Để làm được điều đó, toàn bộ bối cảnh và nhân vật được tạo hình thủ công và từng thay đổi nhỏ nhất đều được ghi lại thành một hình ảnh riêng biệt. 

Việc ghép các hình ảnh với nhau cùng quá trình hậu kỳ video dường như đã thổi vào đó một sức sống kỳ diệu, sự sống động trong từng khung hình chính là điểm “đắt giá” của Stop motion mà đến nay vẫn chưa có công nghệ hoạt hình nào có thể vượt qua được. 

Chia sẻ về sức hấp dẫn của những bộ phim thực hiện bằng công nghệ Stop motion, đạo diễn Phạm Duy Anh (đạo diễn series phim Clay Mixer, vừa đoạt giải Bộ nhân vật hoạt hình xuất sắc tại VCA 2023) cho biết: “Stop motion là một công nghệ làm phim độc đáo từ chất liệu đến cách thể hiện. Việc khán giả được nhìn những đồ vật thật, tương tác bởi ánh sáng thật và chụp bởi camera sẽ tạo ra những hiệu ứng hình ảnh mà công nghệ 2D, 3D rất khó tái hiện dù với trình độ công nghệ cao như Hollywood. 

Stop motion mang đến cảm giác như từng nhân vật, sự vật đều có sức sống riêng mà không bị can thiệp quá nhiều bởi yếu tố con người.”

Nhận ra tiềm năng dồi dào từ phim Stop motion, Sconnect Việt Nam là một trong trong số ít doanh nghiệp Việt Nam sớm đầu tư nghiên cứu và sản xuất những bộ phim hoạt hình tĩnh vật từ năm 2016. Đây là bước đi liều lĩnh của Sconnect, bởi dù sở hữu sức hút độc đáo nhưng công nghệ này khi đó còn quá mới mẻ tại Việt Nam, để đi vào sản xuất doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn. 

Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Sconnect Tạ Mạnh Hoàng  chia sẻ: “Vào thời điểm đó, đội ngũ nhân sự của Sconnect đã phải tìm kiếm và nghiên cứu các kênh nước ngoài bởi ở Việt Nam chưa có một đơn vị nào áp dụng công nghệ này. Vừa học mẫu vừa cải tiến, cùng sự sáng tạo là quá trình để Sconnect tạo ra những sản phẩm đầu tiên của mình.”

Tiềm năng Việt Nam trở thành thủ phủ của phim hoạt hình Stop motion - ảnh 2

Bộ nhân vật hoạt hình bằng đất nặn Clay Mixer đã đón nhận giải thưởng Bộ nhân vật hoạt hình xuất sắc tại VCA 2023, vượt qua hàng trăm hộ sơ khác để chứng minh sức hút của công nghệ hoạt hình Stop motion

Sự dày công bền bỉ của Sconnect đã cho thấy kết quả xứng đáng khi các bộ phim Stop motion nằm trong số những sản phẩm chủ lực của Sconnect như Luka hay Tiny. Điển hình với bộ nhân vật Tiny hiện sở hữu hệ thống kênh phân phối đa dạng trên các nền tảng mạng xã hội, truyền hình và các nền tảng OTT/IPTV tại nhiều quốc gia.

 Số liệu thống kê năm 2023 của Sconnect cho biết IP này đã thu về hơn 300 triệu lượt xem chỉ tính riêng trên YouTube. Tính đến nay, Tiny series đã có hơn 2.000 tập phim và được biên dịch bằng 6 ngôn ngữ. Trung bình mỗi tháng, gần 30 tập phim mới được hoàn thiện, một con số đáng khâm phục với những doanh nghiệp làm phim Stop motion.

Sau thời gian dài xây dựng quy trình sản xuất chuyên nghiệp và hiệu quả, Sconnect chia sẻ dự định thực hiện bộ phim Stop motion phiên bản điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam. Đây là bước đi liều lĩnh bởi ngay cả ở thị trường quốc tế cũng không có nhiều đơn vị lựa chọn công nghệ Stop motion cho một dự án phim dài hơi như vậy. 

Thông thường, một tập phim dài từ 8 - 10 phút sẽ tiêu tốn khoảng hơn 3 tháng sản xuất liên tục và gối đầu các khâu. Như vậy, một bộ phim dài trên 90 phút sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí đầu tư để hoàn thiện. Tuy nhiên việc ra mắt phim điện ảnh Stop motion sẽ mang đến bước tiến lớn không chỉ của doanh nghiệp mà còn đối với thị trường hoạt hình Việt Nam nói chung, chứng minh khả năng sánh vai với các đơn vị làm phim hàng đầu thế giới.

Thách thức của hoạt hình handmade trong cuộc đua công nghệ

Do đặc thù sản xuất nên để một bộ phim Stop motion ra đời đòi hỏi sự đầu tư lớn gấp nhiều lần các công nghệ 2D, 3D cả về thời gian, công sức và chi phí, trở thành thách thức lớn với nhiều nhà làm phim. Trong thời đại công nghệ làm thay đổi cuộc sống từng ngày, liệu có giải pháp nào giúp tối ưu, rút ngắn quy trình làm phim Stop motion?

Tiềm năng Việt Nam trở thành thủ phủ của phim hoạt hình Stop motion - ảnh 3

Học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo không ngừng đã mang đến thành quả xứng đáng cho Sconnect. Công ty sẽ cho ra mắt bộ phim điện ảnh đầu tiên bằng công nghệ Stop motion, đánh dấu bước tiến lớn của hoạt hình Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử của công nghệ làm phim này, đã có nhiều cải tiến như sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số thay thế máy ảnh film, hay sự ra đời của khung xương nhân vật giúp tạo ra các chuyển động mượt mà đã mang đến những bước tiến không nhỏ cho Stop motion.

Tuy nhiên, những công đoạn tiêu tốn nhiều công sức nhất như tạo hình, diễn hoạt hay hậu kỳ vẫn gần như không có máy móc nào có thể thay thế được.

Đạo diễn Phạm Duy Anh cho biết: “Hiện công nghệ tiên tiến nhất được áp dụng trong sản xuất phim Stop motion là in 3D, người làm phim có thể thiết kế các nhân vật, biểu cảm trên máy tính rồi sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các mô hình mang tính chính xác cao hơn, giúp gia tăng thẩm mỹ cũng như hiệu suất làm phim.” 

Dẫn đầu các xu hướng công nghệ hiện nay không thể không kể đến sự xuất hiện và can thiệp ngày càng nhiều của trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu ở những công nghệ làm phim như 2D hay 3D, AI đang chứng minh khả năng trở thành một trợ thủ đắc lực, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất thì với Stop motion, AI chỉ đóng vai trò đưa ra gợi ý cho kịch bản hay bối cảnh.

Với những thành tựu mà công nghệ đạt được đến hiện tại và tầm nhìn trong tương lai gần, vẫn chưa thể tìm ra giải pháp giúp giảm thiểu mức độ phức tạp và tính thủ công trong quy trình sản xuất Stop motion. Có lẽ chính sự kỳ công trong từng khuôn hình ấy mới tạo nên giá trị hiếm có cho những bộ phim hoạt hình tĩnh vật.