Thêm trân quý ngành Y với “Bác sĩ phẫu thuật”

HỒNG HẠNH

VHO - Sáng ngày 14.9, tại TP.HCM, PGS.TS bác sĩ, nhà văn Nguyễn Hoài Nam đã có buổi giao lưu ra mắt tác phẩm mới Bác sĩ phẫu thuật (do NXB Thanh Niên ấn hành), với những câu chuyện của ngành Y đầy xúc động và nhân văn.

Thêm trân quý ngành Y với “Bác sĩ phẫu thuật” - ảnh 1
PGS.TS bác sĩ, nhà văn Nguyễn Hoài Nam tại buổi ra mắt sách

PGS.TS bác sĩ chuyên khoa cấp 2 Nguyễn Hoài Nam sinh năm 1961 tại Hà Nội. Ông hiện là giảng viên cao cấp Đại học Y - Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM, Giám đốc bệnh viện quốc tế Minh Anh. Cuốn sách Bác sĩ phẫu thuật được ông ấp ủ trong vòng 2 năm, khi mùa dịch bước vào giai đoạn căng thẳng nhất tại TP.HCM.

Sách gồm 47 chương, với 50 truyện ngắn, tự sự, gửi gắm nhiều tâm sự của PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, vừa là chuyện nghề y vừa là suy nghĩ về phận người, những câu chuyện vui buồn, nỗi lòng khó nói của người thầy thuốc qua việc thăm nom, chăm sóc bệnh nhân. Đó cũng là lời gửi gắm của ông về nhân thế cuộc đời, trước lằn ranh của sự sống và cái chết.

Chia sẻ về thông điệp mong muốn gửi gắm đến bạn đọc, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam hy vọng rằng độc giả thấu hiểu và chia sẻ với nghề bác sĩ, có cái nhìn độ lượng hơn với ngành Y.

"Bác sĩ ai cũng mong muốn chữa khỏi bệnh hết cho bệnh nhân. Vì vậy, cả hai bên cần có sự hòa hợp để tạo thành sức mạnh tốt, giúp đội ngũ thầy thuốc thêm động lực gắn bó với nghề. Cuốn sách cũng là sự truyền lửa của tôi muốn dành cho đồng nghiệp, đặc biệt là với những ai luôn say mê với cuộc sống, có thái độ bao dung và khiêm tốn trong nghề", tác giả cuốn Bác sĩ phẫu thuật nhấn mạnh.

Cũng tại buổi ra mắt sách, ông đã có những chia sẻ đầy xúc động về những kỷ niệm với bệnh nhân của mình, vui có buồn có. Và cũng chính những kỷ niệm ấy đã được ông khắc họa rõ nét qua từng trang viết, bằng một văn phong nhuần nhị, vừa đậm chất về ngành Y vừa giàu tính văn chương.

Không dừng lại ở một cuốn sách nói về ngành Y, Bác sĩ phẫu thuật còn khá nhiều truyện ngắn, tản văn thuần túy văn chương phản ánh cuộc sống, gia đình, tình yêu, tình thầy trò, tình bạn; những ngày tháng học hành trong nước, du học ở Pháp của tác giả.

Thêm trân quý ngành Y với “Bác sĩ phẫu thuật” - ảnh 2
Cuốn sách Bác sĩ phẫu thuật

Trước khi ra mắt tác phẩm Bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cũng đã cho ra đời gần 10 tựa sách như: Viết từ bệnh viện, Câu chuyện y khoa, Nửa đêm xuống phố (NXB Trẻ); Cập nhật điều trị bệnh Basedow, Cập nhật điều trị ngoại khoa lồng ngực và tim mạch, Phẫu thuật nội soi lồng ngực (NXB Y học); Những linh hồn sau cánh cửa (NXB Hội Nhà văn); Bởi yêu nhiều nên khỏe ấy mà, Chuyện tình cuối mùa đông (NXB Thanh Niên)…

Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Lê Thiếu Nhơn cho hay, Bác sĩ phẫu thuật đã hé cửa phòng mạch, cho công chúng nhìn ngắm thầy thuốc ở nhiều chiều kích thường bị lãng quên, thường bị khuất lấp. Đồng thời, cuốn sách còn mang văn chương vào phòng mạch, để tâm hồn thầy thuốc lấp lánh cùng thị phi công chúng: “Sau một đêm trực, tôi không còn là mình nữa. Nhìn vào gương thấy đầu tóc bù xù, mặt mày phờ phạc, làn da mịn màng thay thế bằng làn da tai tái, sần sùi, quần áo đầy mồ hôi, có khi dính máu. Thèm một giấc ngủ ngon hơn cả bữa cơm sơn hào hải vị”.

"Văn phong của Nguyễn Hoài Nam dung dị và mạch lạc. Ông không lên giọng rao giảng, cũng không ra vẻ cao siêu. Những vấn đề phức tạp của y tế và của xã hội, luôn được ông lý giải rõ ràng và đơn giản. Trước mỗi tình huống, ông mạnh dạn đưa ra ý kiến cá nhân bằng sự khiêm cung và sự cầu thị. Đọc tác phẩm của Nguyễn Hoài Nam, độc giả dễ dàng thu hoạch được nhiều thông tin thú vị và nhiều tâm trạng bâng khuâng", nhà văn Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.

Còn với nhà văn Nguyễn Trường, Bác sĩ phẫu thuật là một cuốn sách rất thành công của người bác sĩ có lương tâm chữa cho người bệnh chứ không phải chữa bệnh, một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp của lòng người và thiên nhiên với những triết luận sâu sắc.

Có thể nói, tập sách Bác sĩ phẫu thuật thêm một lần giúp độc giả hiểu hơn, cảm thông và yêu mến, cảm phục hơn những người thầy thuốc hết mình vì người bệnh, dẫu phải đối diện với biết bao nhọc nhằn, gian khó của một nghề vốn được cả xã hội tôn vinh "lương y như từ mẫu".