Sâu lắng cảm xúc với “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa”
VHO - Trong chuỗi hoạt động Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, tối 18.11, tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm), chương trình “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” do UBND quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. Lần đầu tiên, trên những sân khấu đẹp và quyến rũ được thiết kế bên đình Chèm và bờ sông Hồng đã cất lên những giai điệu ngọt ngào về dòng sông và tinh hoa Hà Nội.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà phát biểu khai mạc chương trình
Tham dự chương trình có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Từ ngàn năm nay, đình Chèm - ngôi đình cổ nằm bên bờ sông Hồng không chỉ mang những giá trị văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tâm linh mà còn được biết đến với thiết kế độc đáo. Nằm bên sông Hồng, dòng sông chuyên chở những tinh hoa, đình Chèm chứng kiến những biến thiên thăng trầm của lịch sử, cất giữ những lớp tầng phù sa bồi tụ ngàn năm, nơi hội tụ của dòng chảy tinh hoa từ muôn nơi về hội tụ.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” giới thiệu về ngôi đình linh thiêng bên sông Hồng, tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống, những tinh hoa dân tộc, là hơi thở, tiếng lòng người Việt qua nhiều thế hệ, thể hiện trí tuệ, phẩm chất trong tư duy, lối sống của Nhân dân trong hằng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Lưu Ngọc Hà, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm nhấn mạnh, thực hiện Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”; Nghị quyết số 09 về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm đã triển khai bằng những chương trình và kế hoạch cụ thể, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trương của Thành ủy đã khẳng định thêm một danh hiệu mới cho Thủ đô Hà Nội khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực thiết kế sáng tạo với nền tảng chính là văn hóa.
Điều đặc biệt là sự kỳ công của chương trình khi có hai sân khấu được thiết kế, một sân khấu trên sân đình, một sân khấu thực cảnh trên lòng sông
Lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối, khai phá nguồn lực, tôn vinh giá trị, hội tụ, lan tỏa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô dọc hai bên bờ sông Hồng.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm. Đây là ngôi đình cổ kính có lịch sử khởi dựng khoảng 2 nghìn năm. Nằm bên bờ sông Hồng lịch sử - dòng sông biểu tượng của nền văn minh lúa nước, đình Chèm ngàn năm tuổi đã chứng kiến bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, lưu giữ cùng dòng chảy phù sa bồi tụ từ ngàn xưa, là nơi mạch nguồn tinh hoa, muôn nơi hội tụ mang ý nghĩa linh thiêng và độc đáo.
Hòa trong dòng chảy sáng tạo chung trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” có thể xem như một tác phẩm sáng tạo hàm chứa nhiều cảm xúc, mang tới cho nhân dân và du khách thập phương những trải nghiệm có chiều sâu, đánh thức những di sản dọc bên bờ sông Hồng, tạo thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.
Điều đặc biệt là sự kỳ công của chương trình khi có hai sân khấu được thiết kế, một sân khấu trên sân đình, một sân khấu thực cảnh trên lòng sông. Không gian nghệ thuật "Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa" đưa khán giả chìm đắm vào vẻ đẹp và những giá trị truyền thống ngàn đời của vùng đất cổ bên dòng sông trĩu nặng phù sa. Những tiết mục trong chương trình là sự đan xen, kết nối giữa lịch sử và đương đại, là quá khứ và tương lai, là sự trao truyền, giữ gìn và tiếp nối, là hội nhập và giữ gìn bản sắc ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Gồm 3 chương: Chương 1: Mạch nguồn văn hiến. Chương 2: Kiệt tác ngàn năm - Lắng hồn dân tộc; Chương 3: Bừng sáng tinh hoa. Chương trình kể câu chuyện về hành trình của dòng chảy tinh hoa, bắt đầu từ những “mạch nguồn văn hiến” hội tụ tại Thủ đô Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tạo nên những kiệt tác ngàn năm như ngôi đình Chèm thiêng liêng, cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời. Dòng chảy tinh hoa liên tục chuyển biến trong niềm tự hào, tự tôn, vang lên đầy màu sắc, tỏa sáng rạng ngời.
Những hoạt cảnh, giai điệu lần lượt dẫn dắt xúc cảm của người xem đi qua nhiều cung bậc. Hoạt cảnh "Linh thiêng đình Chèm" qua giọng đọc của NSƯT Lê Chức nhắc nhớ người xem về huyền tích ngôi đình, về lịch sử dựng nước giữ nước của người dân nơi đây với Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng. Tiết mục "Thăng Long vững mãi cơ đồ" do Viết Danh và vũ đoàn Oscar, vũ đoàn Lavender biểu diễn mở ra một không gian của thành phố ngàn năm văn hiến, niềm tự hào của nhân dân kinh đô xưa, Thủ đô nay.
Ca khúc "Bên dòng sông Cái" sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương do NSƯT Minh Thu thể hiện trên sân khấu chính cùng 30 người mẫu trình diễn áo dài trên sân khấu sông Hồng đã mang đến cho khán giả cảm xúc sâu lắng trong văn hóa Việt Nam, văn minh sông Hồng. Ca khúc "Hà Nội linh thiêng hào hoa" do Lê Anh - Lê Trang và Nhóm Chuông Gió mang đến cảm xúc tự hào về mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô thiêng liêng của cả nước.
Giọng ca Tùng Dương với "Ngẫu hứng sông Hồng", “Chảy đi sông ơi” mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người xem
Trên sân khấu thực cảnh trên sông Hồng, giọng ca Tùng Dương với "Ngẫu hứng sông Hồng", “Chảy đi sông ơi” mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Cũng tại sân khấu thực cảnh, giọng hát chứa chan của NSƯT Minh Thu với ca khúc "Lữ khách sông Hồng" một lần nữa thể hiện sự hùng vĩ, bao dung của dòng chảy con sông mang đến nguồn sống và nguồn văn hóa vô bờ cho người dân nơi đây.
Lần đầu tiên, ca khúc "Đình Chèm - dấu tích ngàn năm" do nhạc sĩ Mộc Cầm sáng tác, Mai Thanh Tùng viết lời qua phần thể hiện của Sao mai Ngọc Ký ngay tại sân đình cũng mang đến những cảm xúc tự hào.
Sân khấu chương trình càng trở nên đa sắc màu khi Kyo York mang đến ca khúc "Hello Việt Nam". Chàng trai Mỹ biểu diễn trên nền 50 người mẫu trình diễn áo dài. Kyo York cũng dành tặng khán giả Thủ đô ca khúc "Việt Nam những chuyến đi" nhiều cảm xúc.
Chương trình cũng mang đến nhiều tiết mục đậm sắc màu di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam như: "Dân ca ba miền", "Cô đồng say", "Ngồi tựa mạn thuyền" (dân ca quan họ Bắc Ninh), múa xòe vui ngày hội, "Đập nàng Khọt" (dân ca Mường, Rap Mường và EDM), "Xẩm Hà Nội"... với sự thể hiện của Nhóm Chuông gió, Sao mai Quách Mai Thy, Hà Myo, Rapper Khắc Nội, Rapper Endy, các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái cùng các vũ đoàn.
MINH NGỌC; ảnh: HOÀNG DUY, HỒNG MẠNH