Sáng tác mỹ thuật về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng để không đi vào lối mòn
VHO - Dẫu được nhìn nhận là nguồn cảm hứng bất tận cho các loại hình sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật nhưng không ít họa sĩ vẫn e ngại khi còn nhiều tác phẩm đi vào lối mòn, thiếu sự bứt phá và sâu hơn là còn thiếu sự trăn trở khi đứng trước một đề tài lớn: lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.

Tọa đàm “Sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025” diễn ra ngày 25.2 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Tại tọa đàm, các diễn giả chung nhận định, mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang là mạch nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng.
Là nguồn cảm hứng bất tận, mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, chiến tranh cách mạng Việt Nam đã trở thành một “dòng chảy” mãnh liệt song hành cùng các giai đoạn của lịch sử đất nước, cả trong chiến tranh và trong cuộc sống hòa bình hôm nay thì mảng đề tài này vẫn luôn thôi thúc các thế hệ họa sĩ trong và ngoài quân đội say mê khám phá.

Phát biểu tại tọa đàm, Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, cuộc vận động sáng tác mỹ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ cả nước ở nhiều độ tuổi, đóng góp các tác phẩm có chất liệu, hình thức thể hiện đa dạng, phong phú; bám sát đúng nội dung, chủ đề sáng tác.
Theo Đại tá Lê Vũ Huy, nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao, được hình thành thông qua các tài liệu ghi chép trong các đoàn thực tế sáng tác tại đơn vị quân đội; nhiều tác phẩm sáng tác về hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng “Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; ca ngợi vẻ đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay.
Điều đáng chú ý là số lượng tác phẩm thu được ở cuộc vận động này vượt trội so với giai đoạn trước, có nhiều họa sĩ trẻ tích cực, trách nhiệm tham gia. Cuộc “trình làng” tại địa điểm mới của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng mang lại hiệu ứng và lan tỏa mạnh mẽ, với một không gian hiện đại, khoáng đạt và cởi mở cho mọi thông điệp sáng tạo cất tiếng.
Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là đề tài xuyên suốt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, với nhiều tên tuổi họa sĩ đã thành danh, được ghi nhận với những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tuy nhiên, nhiều họa sĩ cũng nhấn mạnh, đây là một đề tài khó. Sáng tác mỹ thuật về người lính như thế nào để có những tác phẩm hay, không sa vào lối mòn đang đặt ra những thách thức lớn với các nghệ sĩ.
Họa sĩ Đào Quốc Huy bày tỏ, dẫu khó nhưng thực sự đây là một đề tài mãi không vơi cạn. Các thế hệ nghệ sĩ lâu nay khai thác đề tài này bằng hai con đường: cảm xúc trực tiếp và gián tiếp.
“Nếu thế hệ họa sĩ cha ông là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu và họ có được những cảm xúc, trải nghiệm thật về cuộc chiến thì các họa sĩ thế hệ sau, với cảm xúc gián tiếp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, họ cần có những chiêm nghiệm, nhìn nhận để sáng tạo từ dòng chảy đó.
PGS.TS.NGND, họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ kinh nghiệm của một người đi trước, từng thành công với những tác phẩm về đề tài này như “Chiến lũy” và “Ký ức những ngọn đèn”, cho rằng, vẽ về lực lượng vũ trang không chỉ có hình ảnh hành quân hay chiến đấu. Bộ đội thời bình cũng có những hình ảnh rất đẹp khi lăn xả, dấn thân trong đời sống, khi thiên tai, dịch bệnh, giúp đỡ nhân dân.

“Để có những tác phẩm sống động, có hồn, các họa sĩ cần có sự sáng tạo bứt phá, hãy yêu và trăn trở với đề tài, với những đứa con tinh thần của mình”, họa sĩ Lê Anh Vân nói.
Họa sĩ Đào Quốc Huy cũng cho rằng vẽ về người lính không nhất thiết phải ở trong cảnh chiến đấu mà còn có thể khai thác nhiều chiều kích về thân phận con người.
Lấy ví dụ tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng được công nhận là Bảo vật Quốc gia, họa sĩ Đào Quốc Huy cho rằng tác phẩm không có đạn bom, khói lửa nhưng vẫn thể hiện được sự ác liệt, gian khổ, hi sinh thông qua hình ảnh những người thương binh dìu nhau, người lính ngước lên trời cảnh giác với máy bay địch…
“Việt Nam chiến thắng trong các cuộc chiến tranh không phải nhờ khí tài hiện đại mà nhờ vào tình yêu đất nước. Người chiến sĩ ra trận vì gia đình, quê hương và sau lưng là gia đình, vợ con họ. Đó là điều tôi cảm nhận để sáng tác”, họa sĩ Đào Quốc Huy chia sẻ.