Sân khấu thiếu nhi: Những ngày hè trầm lắng...

VHO- Theo thông lệ hằng năm, vào dịp này, sân khấu Thủ đô lại sôi động với hàng loạt các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả nhí. Tuy nhiên năm nay, các đơn vị đều đang phải đóng cửa để thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19, khiến những ngày hè của các em trở nên trầm lắng…

Sân khấu thiếu nhi: Những ngày hè trầm lắng... - Anh 1

 Nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn đang nỗ lực tập luyện tiết mục mới

 Rất nhiều chương trình nghệ thuật hay, đặc sắc đã lên kế hoạch biểu diễn đành gác lại, chờ dịch bệnh qua đi mới có thể tiếp tục triển khai.

Phía sau những tấm màn nhung

Dạo qua hàng loạt các sân khấu như Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam… tất cả đều thông báo tạm ngừng biểu diễn. Có ai biết đằng sau thông báo ấy, giữa cái khắc nghiệt của thời tiết hè là nỗ lực không mệt mỏi của tập thể diễn viên, nghệ sĩ để xây dựng những tiết mục đặc biệt dành cho lứa tuổi măng non. Bởi lẽ, kế hoạch xây dựng chương trình đều phải làm từ sớm để đón các sự kiện như 30.4 và 1.5, Quốc tế thiếu nhi 1.6, dịp nghỉ hè và Tết Trung thu… Thật éo le, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến ai nấy ngậm ngùi khi chương trình đành “xếp kho” bất đắc dĩ. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi đã dựng lại Chiếc rìu vàng, một vở kinh điển trong kịch mục trước đây của Nhà hát. Vở diễn được xây dựng với sự kết hợp mới mẻ giữa hai loại hình rối nước và rối cạn, thay đổi ngôn ngữ, tình tiết mang nhiều yếu tố đương đại cho phù hợp với khán giả hôm nay. Đóng cửa sân khấu không biểu diễn đồng nghĩa nghệ sĩ chúng tôi đã và đang nhìn thấy khó khăn chồng chất khó khăn ngay trước mắt”.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam có hai chương trình được dàn dựng khá công phu, một là của 4 đạo diễn trẻ dàn dựng mang tên Biệt đội anh hùng và một chương trình xiếc thú đặc biệt với chủ đề rừng và muông thú. Việc xây dựng hàng loạt các tiết mục xiếc thú được kỳ công tập luyện hàng năm trời con thú mới có thể thuần phục và ra biểu diễn cũng đã đủ thấy sự vất vả của nghệ sĩ xiếc. Lần này sẽ có rất nhiều vật nuôi trong gia đình tham gia như lợn, trâu, mèo, ngựa, vẹt, dê… Thậm chí, để thích ứng với việc hạn chế động vật hoang dã lên sân khấu, các nghệ xiếc còn phải “đội lốt” các con thú to như hổ, gấu, khỉ... để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho chương trình. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tạ Duy Ánh lo lắng: “Khâu tổ chức biểu diễn của Liên đoàn đã lên kế hoạch sẵn sàng với nhiều suất diễn liên tục trong dịp này, vậy mà giờ phải ra thông báo huỷ, hoãn và không biết đến bao giờ mới được sáng đèn trở lại. Tuy ngừng biểu diễn nhưng nghệ sĩ xiếc vẫn luôn tập luyện hằng ngày, các con thú vẫn cần phải nuôi dạy để chúng thuần thục. Đổ mồ hôi trên sàn tập nhưng nghệ sĩ lại không có thu nhập, đây là nỗi lo lắng lớn nhất của Ban giám đốc vào lúc này”.

Sân khấu thiếu nhi: Những ngày hè trầm lắng... - Anh 2

Vở “Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi Trẻ được dàn dựng rất công phu, hấp dẫn

Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến cho biết, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã xây dựng hai chương trình nghệ thuật đặc sắc dành riêng cho thiếu nhi, đó là Bầy chim thiên nga Cuộc chiến Virus. Những năm gần đây, các chương trình của Nhà hát Tuổi Trẻ luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp như SHB, Vietjet nên rất nhiều suất diễn miễn phí đã được tổ chức phục vụ cho các em nhỏ. Đặc biệt, vào dịp hè năm 2020, nhờ dự án Bay lên những ước mơ, Nhà hát Tuổi Trẻ đã dàn dựng được nhiều chương trình nghệ thuật và đặc biệt là dành tặng hàng ngàn vé xem biểu diễn cho con em các y bác sĩ, nhân viên y tế để tri ân những người ở tuyến đầu chống dịch. Năm nay, hai chương trình nghệ thuật đầu tư công phu nhưng cũng chưa diễn được suất nào phục vụ khán giả.

Nâng cao chất lượng cho sân khấu thiếu nhi

Điều đáng ghi nhận nhất là các Nhà hát của Bộ VHTTDL như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn là những đơn vị tiên phong đi đầu xây dựng chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi vào dịp hè. Không được biểu diễn nhưng các nhà hát vẫn thường xuyên tập luyện từng nhóm nhỏ theo phân cảnh của vở để không phải huy động đông người. Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng như các nhà hát khác của Bộ VHTTDL đều chú trọng xây dựng các chương trình thiếu nhi rất công phu, thậm chí hơn cả dành cho người lớn. Với trẻ em bắt buộc phải làm hay, hấp dẫn thì lần sau các em mới quay lại. Đó là lý do mà chúng tôi không chấp nhận những sản phẩm chắp vá, dễ dãi hoặc mang tính thời vụ.

Sân khấu thiếu nhi: Những ngày hè trầm lắng... - Anh 3

Một tiết mục trong “Biệt đội anh hùng” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Đồng quan điểm này, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến cho rằng: “Rất nhiều người cứ nghĩ sân khấu thiếu nhi khai thác theo lối mòn các nhân vật trong truyện cổ tích hay văn học thiếu nhi là hoàn toàn sai lầm. Chúng tôi xây dựng nhân vật gần gũi với các em để có thể tiếp cận các em nhanh nhất. Cách mượn tích cũ và xây dựng hình tượng các nhân vật quen thuộc chỉ là cái cớ để thể hiện một hình thức dàn dựng mới, bằng ngôn ngữ và tình tiết mang hơi thở của đời sống hiện đại. Cách khai thác này giúp cho khán giả thiếu nhi cảm thấy hào hứng hơn rất nhiều, chúng sẵn sàng đối thoại, giao lưu và hò reo theo từng lời thoại của nhân vật trên sân khấu”.

Việc nâng cấp chất lượng nghệ thuật cũng đồng nghĩa với sự thay đổi hình thức tổ chức biểu diễn. Ví dụ trước đây Nhà hát Tuổi Trẻ thường diễn lưu động ở các trường học, cơ quan thì hiện giờ với Con chim xanh, Vaxilixa và Phù thuỷ độc ác, Cuộc chiến vô cực… hoặc mới nhất là Bầy chim thiên nga, Cuộc chiến Virus…, các tiết mục đã được dàn dựng cải tiến, trang bị kỹ thuật hiện đại giúp nâng cao ấn tượng về thị giác, âm thanh, ánh sáng, lời thoại. Điều thú vị hơn là việc tiếp cận khán giả cũng đã có chiều hướng thay đổi để các nhân vật trên sân khấu phát huy được trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo cho người xem. Khi thưởng thức vở diễn, các em có thể tự đặt ra câu hỏi và có thể đặt mình vào tình huống xảy ra để giải quyết, điều này giúp cho các em rèn luyện tư duy và khả năng độc lập.

Nhìn vào dàn kịch mục hùng hậu của các nhà hát sẽ thấy sự “ưu ái” của nhiều sân khấu dành cho thiếu nhi. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, nghệ sĩ vẫn đang ngày ngày tập luyện để có được những tác phẩm hấp dẫn dành cho “thượng đế nhí”. Chúng tôi luôn chờ mong sân khấu được sáng đèn trở lại để ngay lập tức có những sản phẩm nghệ thuật hay, chất lượng để phục vụ các em. Xin các bậc phụ huynh và các em nhỏ đừng quên chúng tôi…”. 

 

 Luôn dành ít nhất 50% tiết mục cho thiếu nhi

Nếu không có dịch Covid thì trung bình mỗi năm, Nhà hát Tuổi Trẻ có khoảng 150 suất diễn phục vụ các em nhỏ; có năm cao điểm có thể lên đến 200 suất. Những chương trình dành cho thiếu nhi không chỉ diễn tại Nhà hát mà còn được lưu diễn ở nhiều địa phương trên cả nước.

(NSƯT SĨ TIẾN, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)

 

 THUÝ HIỀN

 (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Ý kiến bạn đọc