Sân khấu sôi động đầu xuân

THÚY HIỀN

VHO - Nhân dịp đầu xuân, các nhà hát và đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tại Trung ương và Hà Nội đồng loạt trình làng những chương trình mới, chất lượng, với nhiều sáng tạo đặc sắc, mang đến cho công chúng trải nghiệm khó quên. Không chỉ biểu diễn tại Thủ đô, các nhà hát mà còn mở rộng hoạt động đến các tỉnh, thành phố trên cả nước…

 Sân khấu sôi động đầu xuân - ảnh 1
Vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” của Nhà hát Chèo Việt Nam

Nhà hát Cải lương Việt Nam mang đến một “thực đơn” đa dạng từ đề tài lịch sử đến dân gian, với các vở diễn như: Mặt trời đêm thế kỷ, Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, Cung phi Điểm Bích, cùng chương trình nghệ thuật tổng hợp các trích đoạn... Tất cả được trình diễn tại Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Bắc Ninh, Thái Nguyên và nhiều địa phương khác.

Đồng thời, các đoàn nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Chèo Việt Nam cũng liên tục đi biểu diễn tại các đình làng, xã ở Thủ đô và các tỉnh, như: Làng Khả Lễ, Võ Cương, Quế Võ, Từ Sơn, Đồng Kỵ, Hương Mạc, Tỉnh Cầu, Đình Bảng, Đồng Quang (Bắc Ninh); Thổ Tang, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); Đền Thượng (Lào Cai); Hữu Bằng, Xóm Sở - Mai Dịch, Thạch Thất (Hà Nội)... Đặc biệt, sân khấu còn thường xuyên “đỏ đèn” tại rạp Kim Mã, địa chỉ quen thuộc của khán giả yêu sân khấu chèo Thủ đô. Với nhiều vở diễn đặc sắc như: Quan Âm Thị Kính, Tống Trân - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Lưu Bình trả nghĩa, Lời ru hai người mẹ, Lời ru Hoa tình yêu

Một trong những tụ điểm hút khán giả thiếu niên, nhi đồng vào dịp đầu năm là Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mang đến chương trình nghệ thuật Chào Xuân Ất Tỵ 2025 mừng Đảng, mừng Xuân, và liên tục biểu diễn từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán tới nay. Hai suất diễn gần nhất sẽ diễn ra vào lúc 16h30 chiều 8.2 và 10h sáng 9.2.

Là chương trình mang tính giải trí, nhưng đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đã tạo nên một “bữa tiệc” nghệ thuật tổng hợp vô cùng đặc sắc với sự tham gia của 60 nghệ sĩ, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chào Xuân Ất Tỵ 2025 không chỉ chinh phục khán giả nhỏ tuổi mà còn thu hút công chúng ở nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt là các đảng viên, cựu chiến binh. Thú vị hơn, khán giả quốc tế cũng đến xem chương trình và đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước sự kết hợp giữa xiếc và nghệ thuật chính luận, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

 Sân khấu sôi động đầu xuân - ảnh 2
“Khúc đồng dao” của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Sôi động và bận rộn nhất trong dịp này là các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu năm mới, Nhà hát đã biểu diễn tại các địa điểm quen thuộc như: Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Hà Nội), Không gian Văn hóa Việt 79 Hàng Trống (Hà Nội), À Ơi Theater tại thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc, Kiên Giang), sân khấu tại Bà Nà Hills và Công viên châu Á (Đà Nẵng).

Đặc biệt, Nhà hát đã có một buổi biểu diễn rực rỡ vào ngày 4.2 (mùng 7 Tết Nguyên đán) tại Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham dự với những màn trình diễn sinh động kết hợp giữa múa rối nước, rối cạn và âm nhạc truyền thống.

Một số nhà hát thể loại kịch nói đã đi đầu trong việc quảng bá thương hiệu và các chương trình nghệ thuật khai xuân. Tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam xuất hiện tràn ngập trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, với thông tin quảng bá cho chương trình Xuân 25 - Valentine đỏ. Vở hài kịch Người tốt nhà số 5 (của cố tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Tạ Tuấn Minh) chính là tâm điểm của chương trình đầu xuân này.

“Khai màn năm mới với Người tốt nhà số 5 là mở đầu bằng sự tử tế, tình yêu và niềm tin vào những điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Đây không chỉ là một vở diễn, mà còn là món quà tinh thần để bạn và người thân cùng trân trọng những giá trị bền vững trong cuộc sống”, Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Kiều Minh Hiếu chia sẻ lý do lựa chọn Người tốt nhà số 5 trong số các vở kịch đa dạng của Nhà hát. Vở diễn đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020.

Nhà hát Tuổi Trẻ cũng duy trì thói quen phục vụ khán giả với món quà Xuân đời cười 2025, diễn ra từ ngày 7 - 23.2. Chương trình gồm các tiểu phẩm: Khúc giao hưởng tâm tình, Thần tượng, Sự trớ trêu của sếp và lợn, Người ngay sợ kẻ gian. Chương trình quy tụ những nghệ sĩ tài năng quen thuộc được khán giả yêu mến như: NSƯT Chí Trung, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Bá Anh, Hồng Hạnh, Thanh Dương, Thanh Tú, Lương Thu Trang, Hương Thủy, Minh Cúc, Nguyễn Tú, Phan Thắng...

Trước đó, Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn phục vụ công chúng tại không gian đi bộ Trần Nhân Tông dịp Tết tây 1.1 và tại đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Đại học Đà Nẵng trong chuyến thăm và chúc Tết các chiến sĩ vùng 3 Hải Quân từ ngày 6 - 12.1.

Nhắc đến thương hiệu nổi bật của sân khấu Thủ đô, không thể không nhắc đến Sân khấu Lệ Ngọc. Mặc dù chưa có địa điểm biểu diễn riêng, nhưng sự xuất hiện thường xuyên của đơn vị tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã phần nào khẳng định thực lực mạnh mẽ. Sân khấu Lệ Ngọc sẽ khai xuân với hai tác phẩm: Lá đơn thứ 72 vào tối 21 và 22.2; Làm vua vào tối 23.2. Lá đơn thứ 72 đã giành HCV cho vở diễn xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 10 (2024), và giải đặc biệt cho vở diễn xây dựng hình tượng Bác Hồ tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần thứ V. Vở Làm vua đã giành giải Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc