Sân khấu kịch thiếu nhi: Đừng chỉ là “mùa vụ”

VHO- Làm sân khấu cho thiếu nhi luôn là bài toán khó đối với các đơn vị nghệ thuật khi ngày càng nhiều sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình giải trí. Thực tế trong nhiều năm qua, sân khấu thiếu nhi vẫn mang tính mùa vụ, chỉ tập trung phục vụ các em vào dịp nghỉ hè, quốc tế thiếu nhi 1.6 hay dịp Trung thu… rồi đóng cửa chờ “đến hẹn lại lên”.

Sân khấu kịch thiếu nhi: Đừng chỉ là “mùa vụ” - Anh 1

 Vở diễn “Bí mật trăm đốt tre” được đầu tư hoành tráng về hình thức và nội dung đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả

Tuy vậy, thời gian qua, nhiều đơn vị tại TP.HCM đã mạnh tay đầu tư với mong muốn “gieo mầm” tình yêu sân khấu cho tuổi măng non, lứa khán giả của sân khấu trong tương lai.

Nỗ lực làm mới...

Mùa hè 2023, TP.HCM đánh dấu số lượng “khủng” các vở kịch sân khấu dành cho thiếu nhi. Đặc biệt, sự đầu tư về quy mô dàn dựng cùng thông điệp giáo dục sâu sắc của loại hình này cũng đã tạo thêm điểm thu hút du lịch - văn hóa mạnh mẽ cho TP. Chỉ trong tháng 6 đã có đến 4 vở kịch thiếu nhi ra mắt, đó là: Ngày xửa ngày xưa, Bí mật trăm đốt tre, Siêu thú tranh tài, Bắc Kim Thang. Điểm mới năm nay là dù kỳ nghỉ hè đã gần đi qua, nhưng vẫn có thêm sân khấu kịch giới thiệu tác phẩm mới, đó là Ve Ve, Chành Chành và Hai Cục Bướu của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ.

Như một “đặc sản” thường niên, nhưng sự đổi mới đã tạo nên sức hút lớn cho sân khấu kịch thiếu nhi hè vừa rồi, với minh chứng là các suất diễn luôn trong tình trạng “cháy vé”. Theo đó, cảm tác từ truyện cổ tích quen thuộc Cây tre trăm đốt, vở kịch thiếu nhi Bí mật trăm đốt tre của tác giả, đạo diễn Huỳnh Lập đã khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bởi sự đầu tư công phu từ cảnh trí, trang phục tới đạo cụ. Khởi diễn từ tháng 6, đây là vở mở màn cho chuỗi kịch thiếu nhi Truyện thần tiên tại Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh (Quận 10). Theo kế hoạch, đơn vị dự kiến sẽ biểu diễn tầm 17-20 suất, nhưng vì nhu cầu thưởng thức của khán giả quá lớn nên lịch diễn được gia hạn liên tục. Đến thời điểm hiện tại, số vé khán giả đặt đã kéo dài đến hết tháng 10 và luôn trong tình trạng “khan hiếm”. Theo nghệ sĩ Minh Nhí, cái khó của việc đưa cổ tích vào kịch và diễn trên sân khấu là làm sao giúp người xem hình dung rõ cốt truyện, ý nghĩa nhưng không thấy nhàm chán. Điều này đòi hỏi vở diễn phải rất nhiều sáng tạo, đổi mới và được đầu tư mạnh mẽ.

Chính thức ra mắt từ giữa tháng 7, đến nay kịch ca nhạc thiếu nhi Ve Ve, Chành Chành và Hai cục bướu, cảm tác từ truyện cổ tích Hai cô gái và cục bướu, cũng đang là vở diễn bán vé “chạy” nhất tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (Quận 3). Điểm giúp vở hấp dẫn khán giả là sự góp mặt của các diễn viên nhí bên cạnh những nghệ sĩ, diễn viên được yêu thích. Cùng với đó là câu chuyện về cách đối nhân xử thế, lòng hiếu thảo hay sự bao dung, giúp đỡ lẫn nhau… nhưng với cách làm sáng tạo, có sự tương tác qua lại giữa nghệ sĩ và khán giả, các thông điệp đã được tiếp cận theo hướng nhẹ nhàng, thú vị nhất. Chính nhờ những nỗ lực mới mẻ mà đến nay các vở diễn này vẫn có sức hút đặc biệt trong lòng công chúng.

Sân khấu kịch thiếu nhi: Đừng chỉ là “mùa vụ” - Anh 2

 “Ve Ve, Chành Chành và Hai cục bướu” là vở diễn bán vé “chạy” nhất tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ

… nhưng vui ít, buồn nhiều

Năm nay sân khấu thiếu nhi dù xôm tụ hơn với đa dạng các vở diễn, nhưng nhìn rộng ra, để đáp ứng nhu cầu của gần 2 triệu trẻ em TP thì như “muối bỏ bể”. Ngày xửa ngày xưa 33 lập kỷ lục cũng chỉ có thể cung cấp hơn 50.000 vé, trong đó lượng khán giả ở độ tuổi trưởng thành lại chiếm phần đông. Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính là khó khăn lớn nhất mà dường như sân khấu nào cũng gặp phải, bởi làm kịch thiếu nhi cực kỳ tốn kém. Như vở Bí mật trăm đốt tre cần tới lực lượng diễn viên, kỹ thuật, hậu đài lên đến gần trăm người; cùng với đó là hơn 100 bộ trang phục, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng… được đầu tư hoành tráng để vở diễn được lung linh, mãn nhãn, màu sắc phù hợp với các bạn nhỏ. Tuy nhiên, với tâm huyết dành cho lớp trẻ, nghệ sĩ Minh Nhí đã “mạnh tay” đầu tư để mang đến một tác phẩm chỉn chu nhất có thể. Có lẽ vì thế mà Bí mật trăm đốt tre đã thu hút được đông đảo khán giả đến thưởng thức và đến nay vẫn chưa hết “nóng”.

Có thể thấy, mỗi tác phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi không đơn thuần chỉ là sự giải trí, mà thông qua nghệ thuật để nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng những bài học có giá trị về đạo đức, lối sống lành mạnh, tư duy mạch lạc cho các em… Điều này đòi hỏi giới nghề phải luôn nỗ lực đổi mới để có thể song hành cùng các loại hình giải trí đa dạng như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tượng “cạn nguồn” nhân lực sân khấu cũng đang ở mức báo động. Cùng với đó, các đơn vị vẫn đang đi theo lối mòn trong việc chọn đề tài, kịch bản, cách biểu diễn… khiến sân khấu trở nên nhàm chán, một màu và thiếu hấp dẫn.

Song, bài toán tìm kiếm khán giả cho sân khấu vẫn gây ra nhiều băn khoăn nhất. Chính vì thế, việc “đào tạo” khán giả nhí cũng là yếu tố tiên quyết cho sự sống còn của kịch thiếu nhi. Bởi, nếu đầu tư tốn kém vào tác phẩm mà không có người xem thì đầu tư làm gì? Vì thế, việc mở các sân khấu chuyên biệt dành cho trẻ như Búp sen hồng của đạo diễn Lê Hay mới đây là một trong những cách “ươm mầm” hiệu quả. Vị đạo diễn này từng cho biết, nhiều năm nay luôn trăn trở khi kịch nói dần mai một, ít người quan tâm. Theo ông, kịch là hình thức truyền thông điệp trực tiếp và hiệu quả, đóng góp tích cực vào cuộc sống nói chung và công tác giáo dục trẻ em nói riêng. Để kịch nói đến gần hơn với các bạn nhỏ, thì việc đầu tiên các em phải tìm hiểu, phải có sự nhận biết thì mới có thể yêu và gắn bó lâu dài. Cũng chính từ những trăn trở ấy, sân khấu kịch Búp sen hồng đã ra đời.

Rõ ràng, sân khấu cần những kế hoạch dài hơi thì mới có thể giải quyết căn cơ bài toán “khủng hoảng” suốt nhiều năm qua. Vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần có thời gian, cần những cú “bắt tay” hiệu quả và cần những người làm nghề có tâm, những nhà hoạch định chiến lược để sân khấu hiện diện và đi sâu vào đời sống xã hội, trong đó có các em thiếu nhi. 

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc