Rực rỡ sắc màu chương trình nghệ thuật lễ hội Mai Thị Nương
VHO - Tối 11.10, tại huyện Giồng Riềng,tỉnh Kiên Giang diễn ra chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội kỷ niệm 64 năm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương (12.10.1960-12.10.2024).
Trước khi vào chương trình nghệ thuật khai mạc, Ban tổ chức đã tổ chức trao 64 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, tặng biểu trưng, hoa cho các nhà tài trợ, tặng hoa cho các đơn vị phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật khai mạc; công nhận mới 3 sản phẩm ocop 3 sao và công nhận lại 5 sản phẩm ocop 3 sao.
Phát biểu khai mạc ông Võ Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Huyện Giồng Riềng trong lịch sử hình thành đã từng giữ vị trí trọng yếu trong thế địa chính trị của tỉnh; đã trải qua những cuộc thử lửa, đối đấu và đổi thay của lịch sử.
Trên vùng đất với 60.000 héc ta, chỉ riêng trong 20 năm chống Mỹ đã diễn ra 3.630 trận đánh lớn nhỏ của quân dân Giồng Riềng, bình quân 2 ngày 1 trận đánh; hàng trăm nghìn lượt đấu tranh trực diện với địch. Mãnh đất này hứng chịu đủ loại bom pháo Mỹ, đủ loại máy bay kể cả B52.
Năm 1956, địch nhập 2 quận Giồng Riềng, Gò Quao lập quận Kiên Bình; đến năm 1958, chúng đặt bộ máy kềm kẹp tương đối hoàn chỉnh, chúng đẩy mạnh mọi hoạt động càng quét, lập khu trù mật với nhiều thủ đoạn dã man, tìm diệt cộng sản để gom dân, đó là mục tiêu thường xuyên, nhất quán của chúng. Địch củng cố, xây dựng Đại đội biệt kích với 150 tên, do tên Võ Văn Sang chỉ huy, đây là một bọn được tuyển chọn qua thử thách giết người, mổ bụng, ăn gan, uống mật và với nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhất.
Tháng 9 tháng 1960, Mai Thị Nương (bí danh Hồng Hạnh) lúc bấy giờ là Đội trưởng Đội vũ trang diệt ác, kiêm Bí thư Chi đoàn xã Thạnh Hòa đang cùng với đội vũ trang bàn kế hoạch tổ chức diệt ác thì bọn biệt kích do tên Võ Văn Sang cầm đầu bất ngờ ập đến; để bảo toàn lực lượng, Mai Thị Nương ra hiệu cho đồng đội rút quân về một hướng còn chị đánh lạc hướng bọn chúng, Chị bị bắt đưa về Chi khu Kiên Bình giam trong hầm tối; sau hơn một tháng tra tấn, nhục hình, chúng không khai thác được gì; trước thái độ bình tĩnh hiên ngang của Chị chúng không thể nào lay chuyển được. Ngày 12.10.1960, chị đã anh dũng hy sinh sau những trận tra khảo dã man của địch.
Tin Mai Thị Nương hy sinh mau chóng được lan truyền ra cả các vùng lân cận, đồng bào, đồng chí đều xúc động, vô cùng thương tiếc, kính phục một người trung hiếu, tiết liệt như Chị.
Từ đó dấy lên ngọn lửa đấu tranh của hàng ngàn, hàng vạn đồng bào. Chỉ trong thời gian ngắn, năm 1963 tên Võ Văn Sang cùng Đại đội Thám báo biệt kích phải đền tội trước mũi súng của nhân dân Giồng Riềng và Tiểu đoàn U Minh 10. Cũng từ đó, mở ra một khí thế cách mạng mới cho nhân dân cả vùng.
Trong suốt chiều dài lịch sử đó, sự kiên cường của dân và quân ta trong cuộc chiến đấu giữ nước, giải phóng quê hương, dân tộc, những cuộc chiến công của quân và dân Giồng Riềng mãi là bản anh hùng ca về tinh thần quả cảm, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong đó có Mai Thị Nương, đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Kiên Giang nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầy hy sinh gian khổ của dân tộc, phụ nữ đã góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước giành lấy thắng lợi vẻ vang.
Chương trình gồm những tiết mục ca múa tổng hợp nhằm tôn vinh công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có nữ liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương. Bên cạnh đó còn có các tiết mục, giai điệu ngợi ca quê hương, đất nước, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mảnh đất và con người Giồng Riềng.
Khán giả Nguyễn Thùy Trang đến xem chương trình khai mạc cảm nhận: Lễ hội là dịp để nhân dân trong dịp được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, thể hiện tinh thần kiên trung của người nữ Anh hùng Mai Thị Nương. Chương trình năm nay Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh dàn dựng với nhiều sắc màu mang lại cho khán giả những tình cảm rất cảm động qua từng tiết mục.