PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi

THUÝ HIỀN

VHO - PGS.TS Trần Trí Trắc, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đã qua đời tối ngày 27.9, hưởng thọ 82 tuổi. Những người làm nghệ thuật sân khấu lặng lẽ gửi cho nhau dòng tin buồn về sự ra đi của ông với lòng vô cùng thương tiếc và kính trọng cái tài, cái tâm của ông, người đã cống hiến trọn đời cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.

PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi - ảnh 1
PGS.TS Trần Trí Trắc

PGS.TS Trần Trí Trắc sinh năm 1943 tại làng Nho Tống, nay là Tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, trong một gia đình nhiều đời làm nghề y, cứu nhân độ thế. 

PGS.TS Trần Trí Trắc có năng khiếu nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Năm 22 tuổi, ông là diễn viên chính xuất sắc của Đoàn Chèo Lúa mới Hà Tây và các vai diễn của đồng chí luôn được đông đảo khán giả, đồng nghiệp yêu mến như vai Tân (vở Trước giờ tái ngũ), Ông bố (vở Đường xuân), Đức (vở Chị Nhàn), Việt (vở Đôi mắt), Thư kí (vở Bản danh sách điệp viên), Lê Huy (vở Tiền tuyến gọi), Bác sĩ (vở Lửa hậu phương), Ngô Thì Nhậm (vở Ngô Thì Nhậm) v.v…

Năm 1969, ông học đạo diễn tại Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông đã dàn dựng ngót chục vở với nhiều thể loại khác nhau như: Sóng, Lời ru tình đời (Câu lạc bộ Bạch Đằng, Hải Phòng), Đường xuânBài thơ nghĩa tình (Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tây), Hoa rừng và thanh gươm (Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hòa Bình), Mục Liên Thanh Đề (Đoàn Chèo Hà Nội), Tùng lò gạch (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, Đoàn Chèo Hà Nội), Vượt vũ môn (Nhà hát Múa Rối Trung ương)

PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi - ảnh 2
Trước khi làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu, PGS, TS Trần Trí Trắc đã kinh qua các cương vị diễn viên, đạo diễn, tác giả

Không chỉ ở cương vị diễn viên, đạo diễn, PGS.TS Trần Trí Trắc còn tham gia sáng tác kịch bản sân khấu. Năm 23 tuổi, ông đã viết kịch bản đầu tay Trước giờ tái ngũ, được Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tây dàn dựng và biểu diễn. Từ đó đến nay, ông đã sáng tác khoảng 30 kịch bản, giành được 19 giải thưởng, trong đó có 4 giải A, 5 giải B (không có giải Nhất).

Nhiều kịch bản của ông đã được các nhà hát, các đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp dàn dựngnhư: Tổ quốc Việt Nam, Đường xuân, Tiếng hát, Mục Liên Thanh Đề,Người đàn bà bất hạnh, Đại Mục Liên Tôn Giả, Nàng Chúa Ba, Tuổi Dần, Chuyện tình sinh viênĐời này không thể thiếu emChàng kị sĩ Điện Biên, Linh khí trời NamBạc tình, Trường đời, Những mảnh vỡ tình yêuMối tình thổn thứcHộ tâm phiếnĐôi bờ sóng xô, Ngô Thì NhậmĐảo thiêng,Giũ áo hoàng gia, Anh là phúc của nhà em, K15Chuyện tình hậu chiến, Cõi thiêng huyền thoạiBăng đạn cuối cùng

Trong đó, trích đoạn Tùng lò gạch (hay Nghịch đời) trong vở Người đàn bà bất hạnh do Trần Trí Trắc sáng tác kiêm đạo diễn đã trở thành mẫu mực về trích đoạn chèo hay đề tài hiện đại, được nhiều nghệ sĩ biểu diễn, khán giả cả nước biết đến, gắn với tên tuổi của danh hài Xuân Hinh và Quốc Trượng, được đưa vào đào tạo vai mẫu cho các khóa Diễn viên Chèo của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi - ảnh 3
PGS.TS Trần Trí Trắc đã để lại nhiều công trình sách nghiên cứu về sân khấu Việt Nam giá trị

Vốn kinh nghiệm về diễn viên, đạo diễn và tác giả, đã trở thành hành trang giúp PGS.TS Trần Trí Trắc quyết tâm theo đuổi con đường trở thành nhà lý luận phê bình sân khấu. Từ năm 1973 -1979, ông theo học Đại học chuyên ngành Lý luận phê bình sân khấu tại Học viện Sân khấu - Âm nhạc - Điện ảnh Lê-nin-grát (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Xuất sắc, PGS.TS Trần Trí Trắc đã về nước đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Nghiên cứu Sân khấu, Viện Sân khấu thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, kiêm Tổ trưởng bộ môn Lý luận Biên kịch của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Năm 1983 -1986, ông tiếp tục theo học Nghiên cứu sinh tại Học viện Sân khấu - Âm nhạc - Điện ảnh Lê-nin-grat (Liên Xô).

Trở về nước, từ năm 1986 cho đến nay, ông đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Bí thư Chi bộ, Thư ký khoa học, Trưởng Ban Nghiên cứu Sân khấu nước ngoài, Chánh Thư ký công đoàn của Viện Sân khấu thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin; Bí thư Chi bộ 3 nhiệm kỳ, Chuyên viên cao cấp của Cục Nghệ thuật biểu diễn; Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Sân khấu Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020; Phó Trưởng Ban Lý luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhiệm kỳ 2019-2024.

PGS.TS Trần Trí Trắc luôn là cây bút nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu chính trực, thông minh, sắc bén, nhanh nhạy, nhiều phát hiện có chiều sâu và góc nhìn độc đáo, tư duy khoa học cao. Vốn kinh nghiệm về diễn viên, đạo diễn và tác giả, cùng thời gian làm công tác quản lý ở Cục Nghệ thuật biểu diễn đã giúp PGS.TS Trần Trí Trắc tích lũy, vận dụng vào trong 300 bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Sân khấu, Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn, Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa học, Tạp chí Văn hiến…và 11 công trình nghiên cứu khoa học viết riêng.

PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi - ảnh 4

Trong đó có 6 cuốn sách đoạt 8 giải thưởng như: cuốn Cơ sở triết học, văn hóa học và mĩ học của Chèo cổ đạt Giải A của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2012, Giải A của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2013 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016; cuốn Thi pháp Chèo cổ đạt giải A năm 2019 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; cuốn Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đạt Giải B (không có giải A) của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2018, cuốn Chèo cách mạng được trao Giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2020. Gần đây nhất, PGS.TS Trần Trí Trắc đã xuất bản cuốn sách Tuồng đạt giải Khuyến khích năm 2023 và Kịch dân ca đạt giải C của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2024.

PGS.TS Trần Trí Trắc còn có nhiều công hiến cho sự nghiệp đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật. Với phương pháp sư phạm rành mạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, sâu sắc, gắn cả lý thuyết lẫn thực tiễn sống động, đồng chí đã được bao thế hệ học trò kính trọng, yêu mến. PGS.TS Trần Trí Trắc đã tham gia giảng dạy nhiều môn: Đại cương Nghệ thuật sân khấu, Nghệ thuật truyền thống Việt Nam, Nghệ thuật biểu diễn, Kỹ thuật biểu diễn, Viết kịch bản, Phương pháp biên kịch, Nghệ thuật biên kịch, Quản lý nghệ thuật, Quản lý văn hóa nghệ thuật, Lý luận biên kịch, Nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, Phân tích tác phẩm, Phê bình sân khấu, Lý luận sân khấu…

PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi - ảnh 5
NSND Vương Duy Biên, NSND Trịnh Thuý Mùi trao Giải thưởng xuất sắc (Giải A) cho Sách Nghiên cứu Lý luận – Phê bình của PGS.TS Trần Trí Trắc với sách "Thi pháp Chèo cổ " năm 2019

PGS.TS Trần Trí Trắc đã hướng dẫn 20 Thạc sĩ, Tiến sĩ bảo vệ thành công Luận văn, Luận án; đã giảng dạy hơn 5000 tiết cho nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tại các trường đại học và các viện nghiên cứu như: Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu và Điện ảnh Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, Trường Bồi dưỡng Cán bộ quản lí ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều trường Văn hóa Nghệ thuật các tỉnh trên cả nước; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Văn hóa, Viện Văn hóa dân gian… 

Tham gia nhiều Hội đồng khoa học chấm Luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ, công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và đã tham gia gần 30 Hội đồng giám khảo tại các Cuộc thi, Liên hoan, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi - ảnh 6
PGS.TS Trần Trí Trắc là người có công lớn trong công tác đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
 

Với 82 năm tuổi đời, 60 năm tuổi nghề, PGS.TS Trần Trí Trắc đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nói chung và sự nghiệp sân khấu nói riêng. PGS.TS Trần Trí Trắc đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng BaHuân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa - Thông tin, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

PGS.TS Trần Trí Trắc, cây bút hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình của sân khấu đã ra đi - ảnh 7
Vở Người đi tìm minh chủ của Nhà hát Cải lương Việt Nam (Tác giả: PGS, TS Trần Trí Trắc, Đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên)

“Điều cốt lõi của người làm lý luận, phê bình sân khấu cần khen - chê thế nào cho đích đáng, để đối tượng được viết cũng như độc giả “tâm phục khẩu phục”. Quan điểm của PGS.TS Trần Trí Trắc về công việc của người làm lý luận, phê bình sân khấu như kim chỉ nan đối với thế hệ các nhà lý luận, phê bình sân khấu và đông đảo các nhà báo được giao viết về lĩnh vực này. Cuộc đời và sự nghiệp phấn đấu bền bỉ cho đến khi tuổi cao sức yếu vẫn tận hiến với nghề của PGS.TS Trần Trí Trắc thực sự là một tấm gương cho những người làm công tác lý luận, phê bình sân khấu và cả những nhà báo được giao viết về lĩnh vực này. 

TS.NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, một học trò yêu của PGS, TS Trần Trí Trắc chia sẻ: Tôi có nhiều duyên nợ với thầy. Tôi dựng hai vở của thầy viết kịch bản là Linh khí trời Nam và Người đi tìm minh chủ cho Nhà hát Cải lương Việt Nam, trong đó Linh khí trời Nam là bài tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu của tôi. Thầy là người thầy tận tình, nhiệt huyết và chu đáo, thầy luôn hối giục học trò, lo cho trò còn hơn trò tự lo cho mình. Cách hướng dẫn của thầy giống như cách cha mẹ nâng đỡ con những bước đi chập chững đầu tiên. Tôi là một nghệ sĩ cải lương lại dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học với mong muốn làm được nhiều hơn cho nghề nghiệp, bước đầu tôi có nhiều bỡ ngỡ. Thầy luôn muốn trò tự đi bằng chính đôi chân mình và chỉ dang tay đỡ khi thấy trò có biểu hiện đuối sức. Nhờ sự giúp đỡ của thầy tôi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, rồi Luận án Tiến sĩ”.

NSND Triệu Trung Kiên xúc động nói: “Tôi sẽ mãi nhớ đến thầy, một người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo các thế hệ kế cận. Giống như tôi mãi nhớ về người thầy đầu tiên của tôi – bố đẻ Triệu Quang Vinh  của tôi”.  

Những người làm nghệ thuật sân khấu lặng lẽ gửi cho nhau dòng tin buồn về sự ra đi của ông với lòng vô cùng thương tiếc và kính trọng cái tài, cái tâm của ông, người đã cống hiến trọn đời cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Lễ viếng PGS.TS Trần Trí Trắc từ 6h00 ngày 28.9 tại số 83, Tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang từ 9h00 đến 9h30 ngày 29.9. Hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội.