Để Dù kê thu hút khán giả

VHO- Sau tuần lễ thi diễn và tranh tài (từ ngày 1-7.4), Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II năm 2023 tại tỉnh Trà Vinh đã tổng kết và trao thưởng cho các tác phẩm và diễn viên xuất sắc nhất.

Để Dù kê thu hút khán giả - Anh 1

 Một vở diễn tham gia Liên hoan Nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai năm 2023

Dù được đánh giá là có nhiều nỗ lực từ các thành phần sáng tạo, lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ của các đơn vị tham gia liên hoan và có những nét nổi bật hơn Liên hoan lần I năm 2013, thế nhưng qua Liên hoan lần này, câu chuyện bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ khẩn thiết hơn lúc nào hết.

Các nghệ sĩ đã cháy hết mình trong nghệ thuật

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN), đồng Trưởng Ban chỉ đạo liên hoan bày tỏ, 13 vở diễn của 13 đoàn nghệ thuật là 13 hương sắc đậm đặc tính dân tộc độc đáo. Khán giả và những người làm nghề đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, được thưởng thức không khí cháy hết mình của những nghệ sĩ. “Chúng tôi xin ghi nhận những nỗ lực, cố gắng từ các thành phần sáng tạo, các nghệ nhân, nghệ sĩ của các đơn vị tham gia liên hoan. Với sự lao động nghệ thuật miệt mài nghiêm túc, để mang đến cho đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer những cảm nhận sâu sắc, sự thấu hiểu hơn những người làm nghề, khám phá và hiểu biết nhiều hơn những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật Dù kê”, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Trí Trắc, Ủy viên Ban Lý luận phê bình Hội NSSKVN, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đánh giá, thông qua 7 ngày đêm thi tài, chúng ta đều nhận thấy rằng, dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy thì những sáng tạo trên sân khấu vẫn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Khmer Nam Bộ… Từ nội dung tư tưởng đó, các tác giả đều hướng tới hình thức kể chuyện dân gian làm cho tác phẩm của mình vừa có tính truyền thống lại có tính cách tân và nhiều màu sắc. 13 tác phẩm đã đậm tính cổ tích và phù hợp với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của đồng bào Khmer Nam Bộ hôm nay.

Cần có chiến lược bảo tồn, phát triển

Trong suốt tuần lễ diễn ra liên hoan, có một điều mà ai quan tâm đến nghệ thuật Dù kê đều không khỏi chạnh lòng, đó là sự vắng bóng khán giả. Nếu liên hoan diễn ra 7 ngày với 13 vở diễn, thì chỉ có vở diễn ngày khai mạc và đêm tổng kết - bế mạc là khán phòng nhà hát chật kín, còn lại các buổi thi diễn chỉ lác đác người xem…

PGS.TS Trần Trí Trắc tâm tư, trước hết nghệ thuật sân khấu không thể không có khán giả, khán giả là mục đích, là linh hồn, là sức sống của nghệ thuật sân khấu. Suốt 7 ngày đêm qua, dù có lý do nào chăng nữa, thì sự thật, ở khán phòng sân khấu đã rất vắng khán giả, thậm chí vắng cả khán giả đồng nghiệp. Những nghệ sĩ Dù kê đã không được cùng khán giả sáng tạo thăng hoa và khán giả Khmer đã không được hòa cảm vào những hình tượng của các nghệ sĩ. Điều này, có thể khẳng định rằng: Sân khấu Dù kê đang vắng khán giả và sự tồn tại của Dù kê chưa thật bền vững, chưa được đề cao một di sản độc đáo, quý giá.

Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh, đồng Trưởng BTC: “Chúng tôi rất tiếc khi không có nhiều khán giả xem các vở diễn dự thi. Còn về phía các đoàn, do vào thời điểm này nhiều đoàn tham gia biểu diễn phục vụ Tết Chol Chnam Thmay - lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, vì thế gần như các đoàn thi diễn xong thì phải về địa phương ngay…”.

Nói thêm về những hạn chế trong chuyên môn, theo hội đồng giám khảo, về tác giả, chưa có một đội ngũ biên kịch hùng hậu mạnh mẽ cho Dù kê. Nhiều tác giả bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao, chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm sâu sắc, nên 13 tác phẩm trên sân khấu ở liên hoan, bị cùng một nhược điểm giống nhau về nội dung tư tưởng là nhân quả theo triết lý của đạo Phật; hình thức cùng một kết cấu: Tự sự - kịch tính - trữ tình - kết thúc có hậu theo màn chính, màn phụ… Về hình tượng nhân vật đều có vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, đạo sĩ, chằn… và có cùng đức tính vị tha đối với kẻ xấu. Những mô típ này đã làm cho sân khấu Dù kê của liên hoan thiếu phong phú, đa dạng.

Về đạo diễn, chưa có nhiều mảng miếng hay, kỹ thuật độc đáo, phần lớn là sinh hoạt tả thực đời thường, họa sĩ thì trang trí bề bộn trên sân khấu, chưa có ý tưởng cao xa và gắn với hành động nhân vật, chủ yếu là tả cảnh về không gian, đặc biệt có hiện tượng trang trí của đoàn này lại cho đoàn khác mượn và một cảnh dùng cho tất cả các màn phụ của nhiều vở. Nhạc sĩ chưa có chủ đề âm nhạc cho vở diễn, màn diễn, lớp diễn chủ yếu là tòng ca và gợi hơi cho ca của diễn viên, có lúc nhạc to át cả ca diễn… Về diễn viên, có một số nghệ sĩ còn hát hơi non, phô, chênh nhịp. Đặc biệt chưa có nhiều nghệ sĩ hề tài năng, chưa có nhiều nghệ sĩ trẻ để kể thừa, phát triển cho Dù kê trong tương lai.

“Mặt khác, lịch sử Dù kê đã có tới trăm năm, nhưng thông qua liên hoan lần này, chúng ta thấy sự phát triển còn chậm so với Cải lương, kịch nói, ví giặm, bài chòi… Do đó, sau liên hoan này, chúng tôi tha thiết đề nghị các nhà nghiên cứu quản lý văn hóa hãy có một kế hoạch chiến lược về bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam Bộ bằng những chính sách đầu tư nhiều mặt về chuyên môn, trước hết là những lớp tập huấn cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên của thể loại Dù kê Khmer Nam Bộ”, PGS.TS Trần Trí Trắc bày tỏ.

Chủ tịch HNSSKVN Trịnh Thúy Mùi mong rằng, từ liên hoan lần này, các nghệ sĩ, nghệ nhân có thêm những kiến thức và kinh nghiệm, tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ, cống hiến cho xã hội những tác phẩm ý nghĩa, chất lượng. “Chúng tôi hy vọng, các tỉnh đang có những đơn vị nghệ thuật Dù kê Khmer, hãy cùng hội chuyên ngành chúng tôi quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ kế cận để nâng cao chất lượng và từng bước chuyên nghiệp hóa loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer để phục vụ đời sống tinh thần ngày càng tốt hơn cho người dân…”, NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc