Thực trạng lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam:

Phê không đến nơi, bình không thấu đáo...

THÚY HIỀN

VHO - “Nếu khi viết chê nhiều, khen ít, dù có thực lòng, thì nhà lý luận, phê bình vẫn bị giới nghệ sĩ cô lập và xếp vào… phe đối kháng! Lương thấp, nhuận bút chẳng đáng là bao, làm việc tận tụy để “được ghét”, thì thượng sách là chạy làng, hoặc hạ sách là uốn bút!”…

Phê không đến nơi, bình không thấu đáo... - ảnh 1
Rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các bài viết lý luận, phê bình sân khấu đã được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị. Ảnh: H.L

 Chia sẻ thẳng thắn của PGS.TS Trần Trí Trắc trong bài đề dẫn Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp của lý luận, phê bình sân khấu hôm nay được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức sáng qua 11.6 tại 19 Hàng Buồm, Hà Nội, cho thấy hiện tại, phần lớn giới lý luận, phê bình sân khấu đang rút về “ở ẩn”, cùng với đó là đánh mất vai trò tiên phong định hướng sự phát triển cho nghệ thuật sân khấu.

Lý luận, phê bình chỉ thêm... phiền toái (?!)

Hội thảo có sự tham gia của nhiều thành phần: Tác giả, nghệ sĩ, nhà báo, đạo diễn... và đặc biệt là chính các nhà lý luận, phê bình. Họ cùng phân tích, mổ xẻ mọi góc cạnh để tìm ra lời giải cho câu hỏi: “Vì sao lý luận, phê bình đang đánh mất đi vai trò của mình trong sự phát triển của sân khấu?”.

PGS.TS Trần Trí Trắc khẳng định, ngành lý luận, phê bình sân khấu ở Việt Nam chưa thể gọi là chuyên nghiệp, bởi bản thân những người cầm bút cũng chưa bao giờ coi đó là nghề nghiệp sống còn của mình. Bài viết của họ dù có công phu đến mấy, lao tâm khổ tứ đến mấy, thì cũng chỉ được chút nhuận bút “còm”, không tương xứng với giá trị “đầu vào”. Do đó, nhiều người được đào tạo chuyên ngành nghề lý luận, phê bình sân khấu hoặc đã từng có tiếng tăm một thời, sớm muộn cũng đã “chạy làng” để mưu sinh như đi dạy học, sáng tác, đạo diễn, thậm chí… xuất khẩu lao động. Mặt khác, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ cũng hầu như chưa bao giờ coi nhà lý luận, phê bình sân khấu là thành viên thân thiết của mình trong sáng tạo!

TS Trần Minh Thu cho biết, ngót 20 năm nay, ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh được một khóa đào tạo lớp Lý luận nào, dẫn đến không có đội ngũ các nhà lý luận kế cận bổ sung. Những cây bút có tên tuổi, giàu kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng thì phần lớn đã ra đi hoặc tuổi cao, sức yếu; giới trẻ hiện chỉ còn 1-2 người, và cũng đã ngấp nghé… U50. Theo TS Minh Thu, đa phần các bài phê bình không chuyên chỉ nhằm mục đích lăng xê tác phẩm hay gương mặt nghệ sĩ, mang ý kiến chủ quan, áp đặt yêu ghét cá nhân để bình phẩm. Sự trống vắng thể hiện ở chỗ có rất ít công trình, bài viết, chuyên luận thực sự sắc bén, có chiều sâu, mang tính toàn diện, phát hiện, sáng tạo và có vai trò định hướng cho giới văn nghệ sĩ.

“Bếp núc” hơn, tác giả Lê Quý Hiền đánh giá chính những thành viên trong hội đồng nghệ thuật ở các Nhà hát. “Nhà hát nào cũng có phòng Nghệ thuật, lãnh đạo thấy kịch bản khả thi mới chọn dựng. Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các Sở VHTTDL địa phương đều có hội đồng thẩm định, chọn duyệt từ kịch bản đến vở diễn đã dàn dựng xong. Thế nhưng khi xem, bạn bè thường hỏi tác giả kịch bản rằng “còn bao nhiêu phần trăm” trong vở diễn. Rồi có tình trạng duyệt kịch bản một đằng, khi duyệt vở diễn lại như một tác phẩm hoàn toàn khác, song chả thấy ai nói gì, gọi là “duyệt cái sự đã rồi”. Phải chăng lý luận, phê bình đang thiếu trầm trọng tại chính các nhà hát và hội đồng nghệ thuật”, ông Lê Quý Hiền nhận định.

Phê không đến nơi, bình không thấu đáo... - ảnh 2
Vở Quan Âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Hà Nội

Nhiều giải pháp đã được nêu ra…

Đồng tình với TS Trần Minh Thu, tác giả Toàn Thắng chia sẻ: Trước kia, các báo còn có mục riêng dành cho sân khấu, sau thì co vào mục văn hóa nói chung, thậm chí còn đặt vào mục giải trí. Vẫn còn đó những bài báo viết về một vở diễn sau khi ra mắt, nhưng do dung lượng quy định chỉ còn chút ít, nên khen một tí, chê một tí, khen sao cho khỏi vống lên, còn chê sao cho hài hòa, kẻo lần sau nhà hát lại không mời mình đến. Dần dần, khán giả cũng chẳng mặn mà gì với những dạng bài kiểu ấy, bởi nó chẳng ra phê bình cũng chẳng ra lý luận, chỉ đơn giản là một bài báo.

Từ thực trạng và những phân tích về nguyên nhân trên đây, có thể đưa ra những giải pháp nhất định để góp phần đẩy mạnh công tác lý luận phê bình sân khấu. Trước hết, cần có một môi trường hoạt động thích hợp cho nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần thiết phải tổ chức các lớp bổ sung kiến thức cơ bản về lý luận phê bình sân khấu cho đội ngũ phóng viên chuyên trang văn học nghệ thuật. Mặt khác, cần chú trọng và có những hỗ trợ cần thiết, giúp nhà nghiên cứu công bố công trình lý luận mà họ đã bỏ nhiều công sức, trí tuệ, nhưng vì nhiều lý do, vẫn nằm ở dạng bản thảo. Đôi khi do thiếu thông tin, các nhà nghiên cứu lại phải mất nhiều công sức cho những vấn đề đã được giải quyết…

TS Cao Ngọc cho rằng, cần có chính sách để nâng cao vị thế của văn học nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng trong bối cảnh tiến trình xã hội hóa đang được từng bước thực hiện. Người làm công tác văn học nghệ thuật (nghệ sĩ và nhà lý luận, phê bình) đang rất thiệt thòi. Lương, thù lao bất hợp lý khiến họ không thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật. Chỉ trên cơ sở nâng tầm tác động của sân khấu đối với xã hội thì mới có thể nâng cao chất lượng của lý luận, phê bình sân khấu. Cần đặc biệt chú ý tới việc phát triển đội ngũ nghiên cứu trẻ hiện nay. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng các bài viết phê bình bằng nhiều cách thức; cùng với đó là đào tạo, bồi dưỡng về đặc trưng riêng của sân khấu cho các nhà báo trẻ của chuyên trang văn học nghệ thuật…

Rất nhiều giải pháp đã được các đại biểu nêu ra, trong đó hầu hết đều cho rằng các tòa soạn báo cần có chính sách thu hút những cây bút lý luận phê bình, có chế độ nhuận bút cao hơn đối với những bài viết chất lượng, được dư luận xã hội quan tâm, đồng thời cần tạo ra những cuộc tranh luận về một tác phẩm với các góc nhìn khác nhau để có được đánh giá khách quan. Trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ lý luận phê bình sân khấu, các hội chuyên ngành cần chủ động có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng viết về tác phẩm sân khấu cho các nhà báo đang công tác trong lĩnh vực VHNT, nên mở chương trình giao lưu giữa tác giả, tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nhà lý luận phê bình sân khấu có tên tuổi cũng cần “xắn tay” vào giúp lực lượng phóng viên theo dõi mảng văn nghệ trong các tờ báo…

Quan trọng hơn, người làm lý luận, phê bình cần khen - chê thế nào cho đích đáng, để đối tượng được viết cũng như độc giả “tâm phục khẩu phục”. Làm được như vậy là cả một sự nỗ lực, trau dồi nghề nghiệp của bản thân nhà lý luận, phê bình và cả những nhà báo được giao viết về lĩnh vực này.