Những bức tranh cổ động quý hiếm thời kỳ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”
VHO - Tại trưng bày chuyên đề "Non sông liền một dải" đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), bên cạnh những hình ảnh, kỷ vật lịch sử còn có những tác phẩm tranh cổ động đặc biệt ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Những bức tranh in hằn dấu vết của thời gian, nhưng vẫn mang đến cho người xem hôm nay cảm nhận về khí thế hừng hực đấu tranh, quyết tâm giành độc lập cho dân tộc.
Ra đời trong điều kiện thời chiến khó khăn, những bức tranh mộc mạc, giản đơn đã thực hiện một sứ mệnh lớn lao, truyền tải những thông điệp cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của toàn dân tộc.

Trong thời kỳ này, chủ đề trong các tranh cổ động chủ yếu tập trung vào các nội dung tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng trên tuyến đầu chống Mỹ; hậu phương lớn miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại, chi viện cho miền Nam...

Tranh cổ động phản ánh khí thế chiến đấu, phục vụ chiến đấu, miền Bắc hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam có số lượng lớn, tác động mạnh đến người xem, tạo nên khí thế sôi sục, một quyết tâm cao sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc, động viên toàn dân, toàn quân chiến đấu giành thắng lợi trên chiến trường.

Trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong số hàng trăm bức tranh cổ động có giá trị lịch sử ở thời kỳ này, tiêu biểu phải kể đến những bức tranh Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của họa sĩ Huy Oánh và Nguyễn Thụ; Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của họa sĩ Xuân Hồng.
Giặc phá ta cứ đi của họa sĩ Đào Đức; Tranh Lê Mã Lương cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù của họa sĩ Dương Ánh; Đánh! đánh đến cùng, quyết bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu; Quyết thực hiện lời Bác dạy, Hậu phương thi đua với tiền phương của họa sĩ Duy Trúc…

Một số tác phẩm đang được trưng bày tại triển lãm Non sông liền một dải, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong nước và quốc tế trong những ngày tháng Tư lịch sử này.