Nhạc sĩ Yphon Ksor đưa văn hóa Tây Nguyên đến chương trình kỷ niệm Giải phóng Lâm Đồng
VHO - Nghệ sĩ của vùng đất Tây Nguyên, nhạc sĩ Yphon Ksor đã có những chia sẻ với Văn Hóa về cảm xúc khi nhận được lời mời tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Lâm Đồng.

Nhạc sĩ Yphon Ksor cho biết: “Khi nhận được lời mời của anh Lê Minh Sơn tham gia chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng Lâm Đồng, tôi cảm thấy rất háo hức và tự hào.
Khoảng thời gian này giống như là lễ hội của người dân Lâm Đồng nói riêng và nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên cũng như trong cả nước nói chung. Tất cả đang náo nức hướng đến ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
. Là một người con sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, có thể nói gia tài các sáng tác của ông đều gắn với vùng đất này. Khi sáng tác về Tây Nguyên ông có những xúc cảm gì?
- Nhạc sĩ Yphon Ksor: Về mặt dân tộc học thì vùng đất này đa số sử dụng ngôn ngữ Môn- Khmer cho nên giữa Đắk Lắk và Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nguyên khác đa số đều có tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán cũng như các nghi thức trong các ngày hội, ngày cúng, đám cưới, đám ma…
Chính vì thế, khi sáng tác các ca khúc về Tây Nguyên tôi luôn có một cảm thấy rất tự hào vì đã góp phần giới thiệu rộng rãi hơn những thứ của người Tây Nguyên.

. Ông có bao giờ gặp khó khăn trong việc thể hiện được cái chất riêng của đất và người Tây Nguyên quá trình sáng tác?
- Điều đó không khó lắm bởi vì bản thân tôi vốn là người con của núi rừng Tây Nguyên nên đã là một lợi thế. Bên cạnh đó, khi hiểu được ngôn ngữ âm nhạc rồi, mình sẽ lựa chọn ca từ phù hợp để đặt vào bài hát. Rồi trong quá trình sáng tác mình cũng sẽ tìm hiểu thêm hoặc hỏi bạn bè, những người hiểu biết về vấn đề đó.
Cũng có một chút vấn đề phát sinh, đó là do ngôn ngữ của các dân tộc Tây Nguyên bị hạn chế một phần trong việc truyền đạt ý mình suy nghĩ, thông điệp khi sáng tác ca khúc.
Tuy nhiên tôi đã tìm ra giải pháp, đó là sẽ dùng thêm bằng một ngôn ngữ nữa ví dụ như tiếng Việt để truyền tải, ví dụ như bài “Chim Phí bay về cội nguồn”, ca khúc được viết bằng song ngữ tiếng Việt và Ê Đê.

. Trong chương trình, đa số các ca khúc được các nghệ sĩ khác biễu diễn là nhạc cách mạng, trong khi ca khúc ông sẽ hát lại mang đậm nét về Tây Nguyên. Điều này sẽ tạo nên yếu tố đặc biệt nào cho chương trình?
- Một chương trình nghệ thuật phải đa màu thì mới thu hút được, nếu chương trình chỉ có một màu thì có thể sẽ nhàm chán. Mỗi bài hát cần thể hiện được một tiếng nói khác nhau, thông điệp khác nhau và cả chất văn hóa vùng miền khác nhau nữa.
Bên cạnh đó, khi thưởng thức âm nhạc, người nghe bên cạnh thích nghe những cái cũ, cái hoài niệm thì người ta còn thích nghe những cái gì đó mới mẻ một chút, lạ lẫm một chút.
. Ông có cảm xúc gì khi hát chính bài hát của mình- ca khúc “Chim Phí bay về cội nguồn” ?
- Có rất nhiều ca sĩ hát rất hay các ca khúc do tôi sáng tác. Tuy nhiên, thành thật mà nói, tôi vẫn rất thích khi được hát chính ca khúc của mình trước khán giả, điều đó thật sung sướng. Bởi vì, mình sẽ nói được tiếng nói của mình, thể hiện được chính tâm hồn của mình khi đặt lời cho ca khúc.

Tôi vẫn đang sáng tác và trong tương lai cũng sẽ tiếp tục sáng tác. Chủ đề sáng tác sẽ không chỉ về Tây Nguyên mà có thể là về quân đội, về công an hay về bất kỳ một đề tài gì đó mà tôi có cảm hứng.
.Tổng đạo diễn, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết các ca sĩ khi tham gia chương trình này đều phải hát live. Ông có hào hứng về điều này?
- Tôi có một quan điểm riêng, đó là không bao giờ thích hát nhép. Người nghệ sĩ khi hát trên sân khấu bắt buộc phải hát sống, hát live thì mới đủ cảm xúc được. Chính vì thế, lúc nào tôi cũng thích được hát live khi biểu diễn.
. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!