Nghe "Nhạc khúc" qua tranh trừu tượng biểu hiện

VHO - Triển lãm mang tên Nhạc khúc của họa sĩ Trần Thế Vĩnh đưa người xem cảm nhận một không gian mới lạ của nghệ thuật, nơi mà họa - nhạc gần như không có ranh giới. Nếu so với Đờn ca tài tử, thì bộ tranh này như đang chuyển từ 3 bài Nam sang 4 bài oán... Triển lãm diễn ra từ 20.10, bày 32 tranh trừu tượng biểu hiện, tại Không gian nghệ thuật Thi (Quận 10, TP.HCM).

Nghe

Không gian triển lãm “Nhạc khúc”

Nhìn lại 10 năm qua, ví dụ từ bộ tranh Con vật-người (2013), rồi đến Bắt đầu từ đâu? (2016), Khỏa thân (2018), Vọng (2020), Thế gian điên đảo (2022/2023)… Trần Thế Vĩnh đã liên tục bước qua bước lại giữa tranh chân dung có thiên hướng tả thực, tranh biểu hiện, tranh trừu tượng… Như một cuộc tìm kiếm, đến bộ Nhạc khúc (2023) thì hòa trộn thành trừu tượng biểu hiện, nơi hiện thực tưởng chừng như rõ ràng, thì đã bị xóa nhòa ngay sau đó. 

Trần Thế Vĩnh manh nha vẽ trừu tượng ngay từ khi còn học ở Trường ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế. Sau khi tốt nghiệp hai năm, tháng 9.2012, Vĩnh đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên tại TP.HCM. Nhưng có thể nói, giai đoạn này vẫn còn mày mò và hơi “thuần” trừu trượng, chỉ đến biểu hiện trừu tượng thì Trần Thế Vĩnh mới bung được ý niệm và kỹ thuật của mình.

Xem Nhạc khúc, nhớ câu nói của Thomas Carlyle (1795-1881), tạm dịch: “Nếu bạn nhìn đủ sâu, bạn sẽ thấy âm nhạc; trái tim thiên nhiên trở thành âm nhạc ở mọi nơi”. Các bức tranh như diễn tả những trạng thái - tình huống nhạc mà Trần Thế Vĩnh cảm và phiêu, có khi là jazz, có khi là blues, có khi là một câu ca cổ, một ca từ mới, hoặc một điệu buồn của nhạc vàng…

Các bức tranh, thay vì bày tỏ hoặc kể chuyện, chỉ còn là các trạng thái, các hình dung. Nếu so với cổ nhạc đờn ca tài tử, thì bộ tranh này như đang chuyển từ 3 bài Nam (chủ đạo là trầm buồn, ai oán - tượng trưng cho mùa Thu) sang 4 bài oán (hiền hòa, non nước thanh bình - tượng trưng cho mùa Ðông). Trần Thế Vĩnh khi bước đến Nhạc khúc, tạm gọi là đã đi hết vòng tròn đầu tiên của chính mình, để chuẩn bị bước tiếp. Ở các vòng tròn tiếp, chắc có lẽ Trần Thế Vĩnh sẽ vừa tĩnh tại hơn, vừa buông lỏng hơn, vừa phiêu bồng hơn. 

Trần Thế Vĩnh thích ca hát, nếu không thi đậu đại học mỹ thuật, thì Vĩnh đã trở thành nhạc công. Trong bộ tranh Vọng (2020), vẽ 51 chân dung văn nghệ sĩ, Trần Thế Vĩnh vẽ nhiều nhất là các nhạc sĩ, ví dụ Phạm Duy, Văn Cao, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Lê Uyên Phương, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Phạm Đình Chương, Xuân Tiên, Trúc Phương…

Nghe

Một tác phẩm của Trần Thế Vĩnh

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi viết: “Từ khi 3-4 tuổi, Trần Thế Vĩnh đã đắm say hội họa, luôn cầm phấn sáp nguệch ngoạc khắp nơi. Cha Vĩnh là thợ vẽ trang trí, nên anh thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của gia đình, say mê sắc màu, học hỏi theo cha, hầu như ngày nào cũng tập vẽ. Lớn lên, theo tiếng gọi mỹ thuật nồng nàn, Vĩnh chọn hội họa tại Trường ĐH Nghệ thuật -  ĐH Huế, thay vì theo khiếu ngôn ngữ, từng được giải tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị... Đời sống và thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng phong phú, nếu không nói là vô tận. Trần Thế Vĩnh cho biết các giác quan của anh như những cây thu sóng liên tục tiếp nhận tín hiệu ngoại giới, từ hình ảnh đến âm thanh, một cách có ý thức hoặc vô thức, để những bức họa của anh đến với khách thưởng ngoạn tự nhiên như món quà cuộc sống trao tặng”. 

Trần Thế Vĩnh chia sẻ, với anh, vẽ tranh trước tiên là để thỏa mãn đam mê của chính mình. Sau đó lớn dần lên theo trải nghiệm và học thuật, những suy tư trăn trở tìm kiếm chính mình trong hội họa, đó là hành trình tìm kiếm bản nguyên tự thân và hội họa chính là phương tiện để anh làm điều đó. 

“Thường thì trong nghệ thuật người ta hay nói đến xấu-đẹp, hay-dở, cao-thấp, hơn -thua... nhưng với tôi nghệ thuật không như vậy, vì rốt ráo thì những điều ấy cũng không nằm ngoài nhị nguyên luận. Đối với tôi, nghệ thuật chỉ là sự duy nhất, là nhất nguyên luận, vì thế tôi vẫn đang đi theo con đường đó để tìm kiếm chính mình, chỉ khi tìm được chính mình, lúc đó chính là duy nhất.

Với tôi, nghệ thuật là liên đới giữa cá nhân nghệ sĩ và sự vận động của cuộc sống. Sự sáng tạo dựa trên niềm khát khao sống, cảm nhận và trải nghiệm, hạnh phúc cũng như đau khổ đều là những chất liệu để hình thành nên sự sáng tạo. Tôi yêu cuộc sống này và cố gắng hiểu sâu hơn về nó qua từng ngày, từng nhịp đập của thời gian để tìm kiếm cho mình những giá tri cuộc sống. Hoặc là những giá trị đó sẽ đến với tôi một cách tự nhiên, khi tôi chan hòa với nó và bao dung với tất cả. Nghệ thuật của tôi có thể nói là con đường để tìm kiếm bản ngã và từ đó tìm thấy chính mình”, Vĩnh nói.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc