“Lưng chừng khủng hoảng” ghi dấu ấn về giai đoạn thử thách khi thực hành nghệ thuật của người nghệ sĩ

VHO - Triển lãm “Mid-life crisis/ Lưng chừng khủng hoảng” không chỉ giới thiệu các tác phẩm hội họa mà Touliver bắt đầu thực hành từ 5 năm trước, mà còn là nỗi lòng của người nghệ sĩ khi ở giai đoạn tiếp tục tìm kiếm những chân trời mới cho con đường hoạt động nghệ thuật của mình. Triển lãm diễn ra từ ngày 3-11.12.2023 tại Sun Life Flagship - De La Sól (Quận 3, TP.HCM).

“Lưng chừng khủng hoảng” ghi dấu ấn về giai đoạn thử thách khi thực hành nghệ thuật của người nghệ sĩ - Anh 1

Không gian triển lãm “Lưng chừng khủng hoảng”

Bắt nguồn từ những nghĩ suy và trầm tư khi đối diện với những thành công đã có, Touliver đã đặt ra những câu hỏi về con đường mình đang lựa chọn thông qua các tác phẩm. Xuyên suốt buổi triển lãm, quan khách có thể cảm được qua những bức tranh về sự giằng xé trong nội tâm của Touliver, về cách anh ấy loay hoay thấu hiểu bản thân mình muốn gì. Đó là lúc anh chọn cầm tấm voan và cây cọ, ồ ạt màu sắc, lấm lem đường nét, hội họa là nơi “bậc thầy âm nhạc” chọn để độc thoại với chính mình, và đối thoại với công chúng.. 

Mark Vũ, Giám tuyển của triển lãm của dự án chia sẻ: “Những bức tranh vẽ ra, đẹp hay xấu, yêu hay không thích phụ thuộc nhiều vào văn hóa thẩm mĩ của từng cá nhân. Khi xem những bức tranh của Touliver, tôi cảm nhận được ý thức cũng như một nhu cầu nghiêm túc trong việc đi tìm kiếm bản thể tinh thần cá nhân và xác lập bộ giá trị sống riêng cho mình trước một thực tại của đời sống hiện đại vô vàn những giằng xé. Đối với tôi đây là một việc làm rất đẹp, chân thành, trong sáng, đáng để chúng ta phải suy nghĩ và trân trọng…:.

“Lưng chừng khủng hoảng” ghi dấu ấn về giai đoạn thử thách khi thực hành nghệ thuật của người nghệ sĩ - Anh 2

Xuyên suốt “Mid-life Crisis” là những bức tranh đơn sắc, tối giản về màu nhưng lại không đơn giản về bản chất. Việc tối giản hoá màu sắc thể hiện ý đồ xuyên suốt của tác giả trong tính biểu hiện: sử dụng một màu để nhấn mạnh vào một trạng thái tinh thần và cảm xúc riêng mà màu đó mang lại. Ngoài ra, khi không để ý quá nhiều vào màu sắc thì ta có thể tập trung cảm nhận được những phẩm chất khác của tác phẩm như thuộc tính của chất liệu, nhịp điệu của chuyển động hay ngôn ngữ của tạo hình.

Sử dụng những chất liệu nhân tạo tổng hợp như sơn dầu, acrylic, polymer và resin, Touliver tạo ra một bề mặt cộng sinh gợi liên tưởng đến những cá thể sống hữu cơ. Điều thú vị ở đây là cách Touliver tạo ra những cấu trúc hữu cơ sống mà hoàn toàn sử dụng những thành phần nhân tạo, qua đó thổi hồn vào những vật chất vốn được cho là vô tri để đạt được ý đồ cho câu chuyện mình đang kể: con người bị bao quanh bởi một thế giới vật chất nhân tạo mà sâu trong tiềm thức ta thầm khao khát được thoát ra để tìm lại sự kết nối với thiên nhiên và sự sống.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc