Lan tỏa hình ảnh làng nghề Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh
VHO - Qua ống kính của nhiếp ảnh gia Helena Vân, những khoảnh khắc đời thường của nghệ nhân, những nét đẹp mộc mạc của thiên nhiên và sự gắn kết giữa con người với đất trời được khắc họa đầy cảm xúc, như một lời tri ân gửi đến di sản Việt Nam.
Lưu dấu những làng nghề
Đó cũng là lý do khiến nữ nghệ sĩ dồn tâm huyết vào cuốn sách ảnh mới nhất “Làng nghề truyền thống Việt Nam” (2024 - 2025), tiếp nối thành công của “Helena Vân và hành trình đi để Chạm, lan tỏa yêu thương” (2022).

Sách ảnh “Làng nghề truyền thống Việt Nam” (2024 - 2025) gồm 170 trang (tương đương 200 bức ảnh) được thực hiện trong vòng 2 năm (2022 - 2024), ghi lại 14 làng nghề độc đáo từ Bắc vào Nam gồm: Làng gốm cổ Phù Lãng (Bắc Ninh); Nhọc nhằn nghề đáy hàng khơi (Trà Vinh); Làng nghề trồng lác và thủ công mỹ nghệ (Vĩnh Long); Làng hương Phja Thắp (dân tộc thiểu số Nùng An, Cao Bằng); Nghệ thuật in sáp ong trên vải của người Dao Tiền (Cao Bằng)...
Bên cạnh đó là các hình ảnh nghệ thuật in sáp ong trên vải của người Mông Mù Cang Chải (Yên Bái); Làng nghề đan đó Thủ Sỹ (Hưng Yên); Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình); Làng Ông Hảo - làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống (Hưng Yên); Làng nón lá Hoàng Diệu (Cao Bằng); Làng gốm cổ Trù Sơn (Nghệ An); Làng bánh đa gấc Kẻ Sặt (Hải Dương); Hương vị miến dong Bình Liêu (Người Sán Chỉ, Quảng Ninh); Nghề làm muối Hòn Khói (Khánh Hòa).

Các bức ảnh đã được tác giả ghi lại những khoảnh khắc lao động hăng say của những nghệ nhân, nông dân của các làng nghề. Điều này không chỉ tôn vinh nghề truyền thống, nghệ nhân mà còn gợi lại ký ức tuổi thơ và gìn giữ nét truyền thống trong đời sống hiện đại trên khắp Việt Nam.
Đặc biệt, trong số đó có những làng nghề hiếm gặp và mang tính đặc thù vùng miền như nghề đáy hàng khơi đầy gian truân ở Trà Vinh, làm nón lá ở Hoàng Diệu (Cao Bằng), hay nghệ thuật in sáp ong lên vải của người Mông - những di sản văn hóa phi vật thể ít được biết đến rộng rãi.
Mỗi cuốn sách ảnh phát hành đến độc giả sẽ được tác giả trích một phần kinh phí để hỗ trợ các câu lạc bộ và đơn vị xây dựng tủ sách miễn phí, mang tri thức đến trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.

Truyền tải niềm tự hào với quê hương
Helena Van - tên thật Nguyễn Ngọc Vân, sinh ra tại Hà Nội, trưởng thành qua những năm tháng học tập và làm việc ở nước ngoài, để rồi trở về quê hương với khát khao ghi dấu vẻ đẹp đất Việt qua từng khung hình.
Với Helena, nhiếp ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là hành trình chạm đến tâm hồn, lan tỏa yêu thương và gìn giữ những giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc. Chị dùng nghệ thuật để kể câu chuyện về quê hương, nhất là những làng nghề truyền thống - những “hạt ngọc” đang dần phai mờ trong dòng chảy thời gian, với tất cả niềm tự hào và yêu thương.

Dù chỉ bắt đầu cầm máy từ năm 2022, Helena đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi với hơn 200 giải thưởng quốc tế, 03 triển lãm cá nhân và hàng loạt tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí danh giá như Lion Magazine (Indonesia), PSA Journal và PTD Traveler (Hoa Kỳ).
Không dừng lại ở đó, nữ nhiếp ảnh gia đã được Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) vinh danh với các danh hiệu BPSA, SPSA, đồng thời đảm nhận vai trò Đại sứ PSA tại Việt Nam - minh chứng cho sự công nhận toàn cầu đối với sự cống hiến của mình đối với nhiếp ảnh.

Bên cạnh nhiếp ảnh, Helena Vân còn là một doanh nhân sáng tạo, luôn tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần dấn thân. Với chị, mỗi một công việc đều là cơ hội để lan tỏa niềm đam mê, khơi nguồn cảm hứng và góp phần làm rạng danh đất nước.

Nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ: "Với tôi, nhiếp ảnh không đơn thuần là một bộ môn nghệ thuật, mà còn là cách kể chuyện, chạm đến tâm hồn và gợi mở ký ức văn hóa dân tộc. Qua từng khung hình, tôi muốn truyền tải niềm tự hào, yêu thương với đất và người Việt, góp phần gìn giữ những 'hạt ngọc' truyền thống đang dần phai mờ trong dòng chảy hiện đại".