Kỷ niệm 15 năm "Tủ sách khoa học và khám phá"
VHO- Sáng ngày 19.3, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu với chủ đề "Niềm vui khám phá" nhân dịp kỷ niệm 15 năm tủ sách Khoa học và Khám phá do NXB Trẻ tổ chức.
Các chủ biên của tủ sách Khoa học và Khám phá tại buổi kỷ niệm
Tủ sách Khoa học và Khám phá được thành lập vào tháng 8.2008 với mong muốn được mang khoa học đến gần hơn với đông đảo độc giả do ba nhà khoa học chủ biên bao gồm Phạm Văn Thiều, Nguyễn Văn Liễn và Vũ Công Lập hợp tác cùng NXB Trẻ.
Được ra đời 15 năm, tính đến nay tủ sách đã có 44 cuốn sách bao gồm nhiều kiến thức và thành tựu khoa học với nhiều lĩnh vực khác nhau như: toán học, vật lý, thiên văn, tin học, sinh học... Các cuốn sách đều là những công trình dịch thuật mang lại giá trị tri thức cao được các chủ biên tập hợp từ những tác phẩm khoa học thường thức nổi tiếng trên thế giới, những phát kiến mới về khoa học. Mỗi quyển sách đều là công trình công phu từ mua tác quyền, dịch thuật, biên tập, sản xuất để đến tay đông đảo các bạn đọc.
Với mong muốn cho độc giả Việt Nam tiếp cận đến những dòng sách hay được đón nhận trên thế giới, mong muốn để độc giả Việt Nam có cơ hội được giao lưu với những nhà khoa học trên thế giới, các chủ biên đã không ngừng nỗ lực cho ra đời các cuốn sách khoa học. Các ấn phẩm cung cấp nhiều kiến thức về thành tựu khoa học, truyền tải những tình yêu, lòng say mê khám phá như: Lược sử thời gian, Dòng sông trôi khuất địa đàng, Dữ liệu lớn, Chúa trời có phải nhà toán học…
Trong suốt quá trình thực hiện, nhóm chủ biên đã vô cùng kiên trì mang lại giá trị của tủ sách qua việc phổ biến khoa học đến với bạn đọc trong nước. Từ đó, tủ sách dần tạo được độ uy tín và khẳng định được chỗ đứng nhất định, được độc giả đón nhận nhiệt tình. Điều này được thể hiện qua số lần tái bản các ấn phẩm điển hình như: Lược sử thời gian (in lần 31), Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ (in lần 28)…
Trong buổi giao lưu, dịch giả, GS. TSKH Nguyễn Văn Liễn đã có những chia sẻ về việc nghiên cứu khoa học: "Niềm vui khám phá chính là bởi ngày xưa người ta làm khoa học vì niềm vui, vì đam mê. Bây giờ khoa học là thương mại, còn ngày xưa khoa học không có như thế, khoa học chỉ là đam mê thôi. Tôi nghĩ muốn làm khoa học thật sự thì điều đầu tiên là phải có đam mê, tất nhiên bây giờ mình không thể không lo đường sống nhưng không có đam mê thì không thể làm khoa học một cách chân chính và thành công lớn được".
Còn với dịch giả, GS. TSKH Vũ Công Lập, ông chia sẻ: "Khi dịch sách khoa học, tôi "học" được rất nhiều từ các nhà khoa học về cách sống, cách suy nghĩ. Đặc biệt, khi dịch cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking, tôi không chỉ ngưỡng mộ tài năng khoa học của ông, mà còn cảm phục cách sống, cách ứng xử của ông với cuộc đời. Mặc dù tàn tật nhưng ông không bao giờ đòi hỏi đặc quyền ưu tiên".
Tuy nhiên, nhóm chủ biên vẫn còn những nỗi niềm trăn trở. “Chúng tôi hiện đã ở tuổi U80 rồi, lại ở trong nước, nên không theo dõi hết các sách phổ biến khoa học tinh hoa trên thế giới, nhất là hằng năm, số lượng loại sách này xuất bản khá lớn. Khó khăn thứ hai là người dịch. Mặc dù luôn cố gắng vận động một số nghiên cứu sinh ở nước ngoài và trong nước tham gia, nhưng rồi vì bận chuyên môn, sự nghiệp và cuộc sống mà số người này cứ ít dần. Hiện tại chủ yếu vẫn là chúng tôi. Đây là điều chúng tôi lo ngại nhất”, Phạm Văn Thiều tâm tư.
Chia sẻ trong buổi giao lưu với độc giả, nhóm chủ biên cho biết họ kỳ vọng tủ sách sẽ đạt được 100 cuốn sách khoa học trong tương lai gần. “Chúng tôi có một giấc mơ, đó là một tủ sách khoa học được trình bày đồng bộ, cùng format để khi nhìn vào ai cũng có thể nhận ra đó là tủ sách khoa học. Đó là động lực để chúng tôi chung tay kéo dài đến 15 năm”, Phạm Văn Thiều nhớ lại những ngày đầu của tủ sách.
HỒNG HẠNH - HUYỀN DIỆU