Kiên Giang trao giải cuộc thi thơ và ca khúc phổ thơ

VHO - Tối 22.2, tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang diễn ra chương trình kỷ niệm "Ngày Thơ Việt Nam" lần thứ 22 năm 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” và trao giải cuộc thi sáng tác thơ, ca khúc phổ thơ.

Kiên Giang trao giải cuộc thi thơ và ca khúc phổ thơ - Anh 1

Chương trình văn nghệ kỷ niệm "Ngày Thơ Việt Nam" lần thứ 22 năm 2024

Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, phát biểu tại chương trình cho biết: Ngày Thơ Việt Nam là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp, những thành tựu Thơ ca Việt Nam và của tỉnh, bao gồm cả tác giả, độc giả và những người yêu thơ. Ngày thơ Việt Nam cũng là một ngày hội văn hóa rất quan trọng trong dịp đầu năm, là sân chơi đầy bổ ích, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca, công chúng được cảm nhận về mặt không gian thật ấm áp, thật thơ, được thưởng thức nghệ thuật bằng việc đọc thơ, lắng nghe những tác phẩm thơ đặc sắc qua giọng đọc của các nhà thơ và tác giả thơ.

Thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang là vùng đất cuối cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, được thiên nhiên ban tặng cảnh quan kỳ vĩ, phong cảnh non nước hữu tình, đã làm rung động nhiều trái tim văn nghệ sĩ. Càng tự hào hơn khi vùng biên thùy này là đất của thơ văn, bắt nguồn từ Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời cách đây 288 năm (1736 - 2024). Đây là Tao đàn văn học có giá trị văn hóa và lịch sử to lớn được Tổng trấn, nhà thơ Mạc Thiên Tích sáng lập vào rằm tháng Giêng năm Bính Thìn 1736, được xem là Tao đàn văn học lớn của cả nước chỉ sau Tao đàn Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ.

Kiên Giang trao giải cuộc thi thơ và ca khúc phổ thơ - Anh 2

Trao giải nhất cho hai tác giả đoạt giải tại cuộc thi sáng tác thơ, ca khúc phổ thơ

Di sản văn chương của Tao đàn Chiêu Anh Các để lại khá đồ sộ, nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Năm 1821, khi cho tái bản sách “Minh bột di ngư”, nhà thơ kiêm sử gia Trịnh Hoài Đức nhắc tới 6 tập sách từng được xuất bản và lưu hành là: Hà Tiên thập vịnh, Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu Thị Trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vị tập. Ngoài 6 tác phẩm trên, Lê Quý Đôn còn ghi thêm tập Thụ Đức Hiên tứ cảnh. Cả 7 tác phẩm trên là kết quả xướng họa thi ca của hơn 30 năm hoạt động của Tao đàn Chiêu Anh Các.

Văn thơ Chiêu Anh Các chủ yếu ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống lao động sản xuất của người dân miền biên ải; đồng thời giáo dục, cổ vũ động viên người dân nâng cao ý thức cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương trước mọi kẻ thù xâm lược. Thơ Chiêu Anh Các có tầm ảnh hưởng rộng lớn, có sức hút mạnh mẽ và lan rộng, có giá trị nghiên cứu đặc sắc và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong giới học thuật, lan ra cả nước ngoài, được các danh sĩ cùng thời thi nhau xướng học và còn truyền tụng qua hai câu thơ: “Từ phú tăng hoa văn hiến quốc/Văn chương cao ngật trúc bằng thành”.

Nhân dịp này, Ban tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, ca khúc phổ thơ nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 - năm 2024. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã trao 02 giải nhất, 04 giải nhì, 06 giải ba và 08 giải khuyến khích cho các tác giả đạt giải tại Cuộc thi thơ, ca khúc phổ thơ năm 2023.

THẾ HẠNH

Ý kiến bạn đọc