Kịch hát Nghệ Tĩnh - xu thế hội nhập và phát triển
VHO - Ngày 25.9, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Kịch hát Nghệ Tĩnh – Xu thế hội nhập và phát triển.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo
Từ những năm 70 của thế kỷ XX, dân ca Nghệ Tĩnh đã được sân khấu hóa theo mô hình kịch hát dân tộc. Đây là một bước tiến quan trọng khi dân ca Nghệ Tĩnh từ một loại hình diễn xướng dân gian, gắn với đời sống, môi trường sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày đã được đưa lên thành nghệ thuật biểu diễn, trình diễn trên sân khấu phục vụ công chúng thông qua tên gọi: Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Sau những nỗ lực của giai đoạn đầu, kịch hát Nghệ Tĩnh đã được giới sân khấu cả nước công nhận. Nhiều vở có quy mô lớn được tiếp tục dàn dựng thể nghiệm và công bố phục vụ nhân dân trong tỉnh, một số tỉnh, thành phố khác và đưa lên hệ thống thông tin đại chúng. Sau 50 năm được sân khấu hóa, dân ca Nghệ Tĩnh đã trở thành một bộ môn sân khấu Kịch hát mới, được giới sân khấu công nhận và được khán, thính giả cả nước yêu thích.
Hội thảo là diễn đàn để tỉnh Nghệ An có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà quản lý, đề xuất ý tưởng, giải pháp khả thi, hiệu quả để tiếp tục duy trì, xây dựng, phát huy nền kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong xu thế hội nhập và phát triển. Hội thảo đã nhận được các ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu sân khấu, văn học nghệ thuật, tập trung làm rõ các nội dung: Giá trị vai trò, đóng góp của sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh và hiệu quả của loại hình Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh sau 50 năm hình thành, thể nghiệm, phát triển; thực trạng sân khấu Nghệ Tĩnh và loại hình kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh hiện nay. Định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng, phát huy Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong xu thế hội nhập và phát triển cùng với các loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An ông Bùi Đình Long khẳng định: Hiệu quả của loại hình kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong 50 năm xây dựng, thực hiện thể nghiệm đã được chứng minh bằng thực tiễn; qua đó thấy được thành quả, sự tận tụy của đội ngũ diễn viên và các nhà quản lý, thấy được chặng hành trình đáng tự hào. Tham luận các đại biểu đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp hữu hiệu để sân khấu kịch hát dân ca ngày càng lớn mạnh, đi vào chiều sâu, nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, phát triển bền vững trong xu thế hội nhập. Phó Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị các đại biểu, các nhà chức trách cần lưu tâm các ý kiến được nêu tại hội thảo để tham mưu cơ chế chính sách tiếp tục phát huy di sản dân ca xứ Nghệ; để đội ngũ diễn viên có được môi trường phát triển tốt nhất; chú trọng công tác đào tạo trẻ, phù hợp với xu thế.
Chiều cùng ngày, chương trình Lễ kỷ niệm 65 năm Sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh và 50 năm Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh đã được tổ chức tại Nhà hát Dân ca Nghệ An. Lịch sử sân khấu Nghệ Tĩnh không thể không nhắc đến vai trò của nghệ sĩ Đào Tấn, từng hai lần làm Tổng Đốc An – Tĩnh, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Mười năm ở xứ Nghệ, Đào Tấn không chỉ sáng tác hàng loạt vở diễn nổi tiếng mà ông đã cho dựng rạp hát bội mang tên “Như Thị Quan” và bên cạnh đó là trường dạy hát bội mang tên “Học bộ đình”. Đây là mô hình sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam mà đến bây giờ vẫn không lạc hậu. Đào Tấn đã góp phần to lớn tạo dựng nên nền móng cho sân khấu Nghệ Tĩnh ngay từ cuối thế kỷ XIX.
Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Cho đời những bài ca”
Sự kiện thành lập các đoàn văn công nhân dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã đánh dấu sự ra đời của nền sâu khấu cách mạng Nghệ Tĩnh và từng bước có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Hành trình 65 năm sân khấu Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có 15 năm cùng chung sàn diễn Nghệ Tĩnh, là hành trình nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Lễ kỷ niệm đã ôn lại quá trình hình thành, phát triển của Sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh trong 65 năm qua; khẳng định, tôn vinh những những giá trị, vai trò, đóng góp của sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật; định hướng tiếp tục xây dựng sân khấu kịch hát dân ca trong xu thế hội nhập và phát triển cùng các loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp để tri ân các thế hệ lãnh đạo và nghệ sĩ, diễn viên có nhiều đóng góp cho phát triển sự nghiệp của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh qua các thời kỳ.
Chương trình nghệ thuật “Cho đời những bài ca” được xây dựng hoành tráng mở đầu cho Lễ kỷ niệm. Chương trình dùng nghệ thuật để xâu chuỗi quá trình hình thành và phát triển của Sân khấu Nghệ Tĩnh từ những ngày thành lập cho đến nay, giới thiệu những trích đoạn lớp diễn của các chương trình, vở diễn đã làm nên tên tuổi của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống trong suốt chặng đường 65 năm. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ. Trong đó có nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn: Đoàn Chèo, đoàn Cải Lương, đoàn Kịch nói, đoàn Kịch hát dân ca Ví, Giặm…
PHẠM NGÂN