Khẳng định vị thế quốc gia qua văn học, nghệ thuật
VHO - “Văn học, nghệ thuật đã và đang góp phần làm nên sức mạnh mềm, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế qua hình ảnh ổn định, đầy tiềm năng phát triển, tích cực tham gia kiến tạo hòa bình chung cùng thế giới trong bối cảnh hiện nay…”.
Đó là những lời khẳng định đầy tự hào của TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tại Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Văn học, nghệ thuật giúp nhận diện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Sự kiện nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài “Văn học, nghệ thuật với việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới” thuộc Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do TS Ngô Phương Lan làm chủ nhiệm, được Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức.
Dự và phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận định: “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá đất nước, con người Việt Nam rất quan trọng. Thời gian qua, hình ảnh dải đất hình chữ S đã được chuyển tải qua rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh…”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Kỷ, cần phải đổi mới nhiều hơn nữa, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách và xây dựng đội ngũ những người sáng tạo văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp, tâm huyết mới có thể đẩy mạnh công tác quảng bá một cách hiệu quả.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước đã có Nghị quyết, Chiến lược, kế hoạch để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh công nghiệp văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chính vì lẽ đó, vị thế, uy tín của đất nước và hình ảnh con người Việt Nam được nâng lên. Văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng đã trở thành trụ cột trong công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân; đưa các mối quan hệ đối ngoại thêm chặt chẽ, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước”.
Có thể thấy, để công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua văn học, nghệ thuật hiệu quả hơn, cần phải có sự đầu tư thường xuyên, liên tục và xứng đáng. Ví dụ như trong lĩnh vực văn học, cần đầu tư cho công tác dịch thuật để các tác phẩm văn học Việt Nam tiếp cận độc giả quốc tế nhiều hơn, dễ dàng hơn. Các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh cần hướng đến các giải thưởng lớn, từ đó, các tác phẩm của chúng ta được có mặt ở những bảo tàng, không gian trưng bày quy mô trên thế giới. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật cũng cần mở rộng tiếp cận đối tượng, độc giả, khán giả qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số, các nền tảng mạng xã hội…
Cần đầu tư cho văn học, nghệ thuật một cách lâu dài, hữu ích
Theo nhà phê bình Hoài Nam (Báo Nhân Dân), quảng bá bằng văn học, nghệ thuật càng chủ động bao nhiêu, càng đạt hiệu quả cao bấy nhiêu. Trước tiên, phải chọn được các tác phẩm văn học xứng đáng để dịch. Cũng đã có người đặt vấn đề “bao giờ Việt Nam đạt giải Nobel văn học?”, việc đó chắc còn lâu, nhưng để đi được đến bước đó, chúng ta phải tiếp cận bạn đọc thế giới nhiều hơn, có nhiều tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài nhiều hơn.
Ông Hoài Nam gợi ý, để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, thay vì dịch giả nước ngoài chuyển ngữ các tác phẩm văn học của Việt Nam để giới thiệu với thế giới, thì chúng ta nên tổ chức “dịch ngược”, tức là chủ động dịch tác phẩm ra tiếng nước ngoài, giống như “Viện dịch thuật văn học thế giới” của Hàn Quốc. Qua đó, bạn bè sẽ thấy, ngoài có một nền văn minh, văn hiến, ngoài việc gian khổ đi qua chiến tranh, Việt Nam từ sau hậu chiến đã có muôn vàn thay đổi và vươn lên thành một đất nước phát triển… Nếu chúng ta xây dựng và phát triển được một cơ quan, tổ chức như vậy, thì việc dịch và giới thiệu các giá trị của văn học Việt Nam - từ trung đại đến hiện đại và đương đại - sẽ thực sự là hoạt động mang tính chủ động cao.
PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: Đảng có chủ trương, Nhà nước có kế hoạch để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới nhưng việc đầu tư cho công tác này chưa xứng đáng. Chúng ta nhập siêu văn hóa rất nhiều nhưng xuất siêu văn hóa vô cùng hạn chế.
“Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng đang có dự án dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Để thúc đẩy hoạt động quảng bá qua văn học, nghệ thuật, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn, bài bản, hiệu quả hơn và phải xác định đây là hoạt động lâu dài và hữu ích. Việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế là rất cần thiết để tăng tính nhận diện với thế giới, tăng cường trao đổi văn hóa, vì thế không nên theo cơ chế kinh tế thị trường thuần túy hoặc là đầu tư kinh tế một cách giản tiện…”, ông Trần Khánh Thành nhấn mạnh.