Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua văn học, nghệ thuật

CẨM TÚ, ảnh: ANH ĐÀO

VHO - Ngày 25.10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua văn học, nghệ thuật - ảnh 1
TS Ngô Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, Chủ nhiệm đề tài

Văn học, nghệ thuật góp phần khẳng định vị thế quốc gia

Dưới sự chủ trì của TS Ngô Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa, nghệ thuật, các nhà văn, nhà báo…

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài “Văn học, nghệ thuật với việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới” thuộc Hôi đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do TS Ngô Phương Lan làm chủ nhiệm đề tài. Hội thảo được Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS Ngô Phương Lan mong muốn, qua Hội thảo, các đại biểu sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức quý báu và những ý kiến tâm huyết, góp phần vào sự nghiệp phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Văn học, nghệ thuật được đánh giá là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần vào xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Đặc biệt, qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, có thể thấy dân tộc Việt Nam vốn được biết là dân tộc anh hùng, mưu trí, sáng tạo, kiên cường, bất khuất trong chiến tranh đến nay đã biết đến là quốc gia ổn định, năng động, an toàn, đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế.

Hơn thế, Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch với nhiều danh lam, thắng cảnh và nền văn hóa độc đáo; con người Việt Nam chăm chỉ, ham học hỏi, nắm bắt vấn đề nhanh và có tinh thần vượt khó.

“Chính văn học, nghệ thuật đã và đang góp phần làm nên sức mạnh mềm, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Hình ảnh Việt Nam ổn định, đầy tiềm năng phát triển, tích cực tham gia kiến tạo hòa bình chung cùng thế giới trong bối cảnh hiện nay”, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, đại biểu đã tập trung thảo luận 4 vấn đề: Nghiên cứu, nhận diện và làm rõ một số vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn của hoạt động phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Cung cấp những bài học kinh nghiệm, mô hình thành công về phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, quốc gia, dân tộc; Nghiên cứu đánh giá thực trạng phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị về phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật đối với hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua văn học, nghệ thuật - ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Cần có sự đầu tư thích đáng, hiêu quả cho văn học, nghệ thuật

Dự và phát biểu ở Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: Vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá đất nước, con người Việt Nam rất quan trọng. Thời gian qua, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đã được quảng bá qua rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh…

Ông dẫn ra việc hình ảnh Hà Giang những năm vừa qua rất nổi bật qua một số bộ phim, trong đó có Chuyện của Pao, Tết ở làng địa ngục

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Kỷ, để đẩy mạnh quảng bá đất nước, con người Việt Nam qua tác phẩm văn học, nghệ thuật cần phải đổi mới nhiều hơn nữa đặc biệt là việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách và xây dựng đội ngũ những người sáng tạo văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp, tâm huyết.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hoà nhấn mạnh, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được quảng bá rộng rãi ra thế giới trong thời gian qua.

Theo bà Nguyễn Phương Hoà, chính vì lẽ đó, vị thế, uy tín của đất nước và hình ảnh con người Việt Nam được nâng lên. Văn hoá nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng đã trở thành trụ cột trong công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nhân dân nói riêng; đưa các mối quan hệ đối ngoại thêm chặt chẽ, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước.

Để công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua văn học, nghệ thuật hiệu quả hơn, cần phải có sự đầu tư thường xuyên, liên tục và xứng đáng. Ví dụ như trong lĩnh vực văn học, cần đầu tư cho công tác dịch thuật để các tác phẩm văn học Việt Nam tiếp cận độc giả quốc tế nhiều hơn, dễ dàng hơn.

Các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh cần hướng đến các giải thưởng lớn, từ đó, các tác phẩm của Việt Nam được trưng bày ở những bảo tàng, không gian trưng bày quy mô trên thế giới. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật cần mở rộng tiếp cận đối tượng, độc giả, khán giả qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số, các nền tảng mạng xã hội.

Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho rằng, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng việc tạo nên “sức mạnh mềm” thông qua việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hoá của đất nước, dân tộc mình và coi đây là nhiệm vụ quan trọng.

Ở Việt Nam, điện ảnh là một trong những lĩnh vực thực sự đã góp phần tích cực, hiệu quả trong quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, yêu chuộng hoà bình và đang vươn mình ra thế giới với những thành tựu đáng ngưỡng mộ trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Nhà phê bình Hoài Nam (Báo Nhân Dân) cũng cho rằng, việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bằng văn học, càng chủ động bao nhiêu, càng đạt hiệu quả cao bấy nhiêu.

Thay vì hiện nay các dịch giả nước ngoài đang dịch các tác phẩm văn học của Việt Nam để giới thiệu với thế giới, ông Hoài Nam cho rằng nên tổ chức “dịch ngược”- dịch giả Việt Nam chủ động dịch tác phẩm ra tiếng nước ngoài để quảng bá với thế giới.

Ông Hoài Nam gợi ý, để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần phải xây dựng và phát triển được một tổ chức “dịch ngược” văn học Việt Nam tương đương như “Viện dịch thuật văn học thế giới” của Hàn Quốc.

Viện dịch thuật văn học thế giới này chuyên chú vào việc dịch các tác phẩm xuất sắc, đáng chú ý của văn học Hàn Quốc ra các thứ tiếng nước ngoài, nhất là các ngôn ngữ, chữ viết vào loại "mạnh" trên thế giới.

Nếu chúng ta xây dựng và phát triển được một cơ quan, tổ chức "dịch ngược" như vậy thì việc dịch và giới thiệu các giá trị của văn học Việt Nam - từ trung đại đến hiện đại và đương đại - sẽ thực sự là hoạt động mang tính chủ động cao.