Khẳng định vai trò Hội Âm nhạc TP.HCM trong đời sống âm nhạc hiện đại

VHO - Hôm nay 22.8, Hội Âm nhạc TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Hội Âm nhạc TP.HCM - Dấu ấn những chặng đường” với sự tham dự của đông đảo nhạc sĩ, hội viên lão thành, các nhà nghiên cứu âm nhạc và sinh viên.

Khẳng định vai trò Hội Âm nhạc TP.HCM trong đời sống âm nhạc hiện đại - Anh 1

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm tổng kết hoạt động của Hội Âm nhạc TP.HCM sau hơn 40 năm hoạt động; thảo luận, ghi nhận những đóng góp của Hội trong đời sống tinh thần của TP.HCM và cả nước; định hướng các hoạt động của ngành Âm nhạc theo hướng công nghiệp văn hóa… 

Theo GS.TS nhạc sĩ Thế Bảo, nhìn lại hơn 40 năm qua, Hội Âm nhạc TP.HCM đã có bước tiến dài trong công tác kết nạp hội viên mới với nhiều hội viên trẻ. Chính họ là lực lượng đóng góp về số lượng cũng như chất lượng trong các chuyến đi thực tế sáng tác về cuộc sống mới, về biển đảo, biên phòng cùng các đề tài thành phố đổi mới, đề tài về Bác Hồ kính yêu, Đảng quang vinh…

“Tre già măng mọc, thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp bước theo sau có nhiều sự sáng tạo và tiếp thu công nghệ nên âm nhạc cũng có nhiều chuyển biến mới. Hội Âm nhạc TP.HCM với thế hệ trẻ hiện nay luôn có những sáng tạo mới được thể hiện qua các chương trình áp dụng công nghệ số vào công tác quảng bá tác phẩm. Không những thế Hội còn tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện audio (hòa âm, ca sĩ, phòng thu, quay hình…) cho các nhạc sĩ chưa có điều kiện kinh phí thực hiện tác phẩm của mình, nhằm mục đích đưa tác phẩm của hội viên đến gần hơn công chúng”, nhạc sĩ Thế Bảo bày tỏ.

Tự hào về sắc thái mới của sự tiếp nối dòng nhạc thời chiến ở TP.HCM, nhạc sĩ Đào Văn Sử cho rằng, trong các loại hình văn học nghệ thuật thời chiến tranh giải phóng, thì âm nhạc được coi như một binh chủng đặc biệt, binh chủng xung kích, binh chủng anh hùng đã cổ vũ toàn dân đánh giặc, thôi thúc lớp lớp thanh niên dấn thân, xả thân, hy sinh quên thân mình vì chiến thắng, vì mục tiêu cao cả là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Khẳng định vai trò Hội Âm nhạc TP.HCM trong đời sống âm nhạc hiện đại - Anh 2

Nhiều tác phẩm được đầu tư để phục vụ nhiệm vụ chính trị

Sau hòa bình, nguồn sinh khí của dòng ca khúc thời chiến vẫn âm ỉ chảy và có lúc tuôn trào, không kém phần nóng bỏng trong dòng chảy âm nhạc. Chỉ khác là trước đây phần lớn các ca khúc có nhịp điệu và tiết tấu nhanh mạnh, dồn dập, bùng nổ, thôi thúc cùng với lời ca tạo nên hiệu ứng như thét gào, thúc giục, quyết chiến, quyết thắng… thì 50 năm qua các ca khúc như được “trữ tình hóa”, hòa vào dòng nhạc trẻ một cách tự nhiên song vẫn rõ sắc thái, hồn vía của nhạc thời chiến. Các ca khúc trong thời gian gần đây không “máu lửa” hay sôi nổi như nhạc thời chiến mà mang một sắc thái mới, có sự hòa trộn với nhạc trẻ và có những ca khúc đưa chất Rap vào tạo nên tiết tấu, nhịp điệu mới lạ… 

Nói về tác động của công nghệ số đối với việc sáng tác và phổ biến các ca khúc thiếu nhi hiện nay, nhạc sĩ Đinh Hoàn Vũ nhận định, việc sáng tác và phổ biến các ca khúc thiếu nhi trong thời đại công nghệ số là sự gặp gỡ giữa những cơ hội và thách thức. Công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội mới cho người sáng tác và phổ biến các ca khúc thiếu nhi, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận và tương tác với các em thiếu nhi. 

“Tuy nhiên, cũng có những thách thức đặt ra đó là hiện tượng đạo nhạc, sao chép nhạc khi sáng tác; sự cạnh tranh giữa các kênh, các nền tảng, các trang mạng… trong việc phổ biến; việc quá tải thông tin cho người sử dụng khi có quá nhiều nguồn xem và nghe nhạc. Chính từ những lý do đó, đòi hỏi người thực hiện, người sản xuất âm nhạc cho thiếu nhi phải luôn nâng chất từ khâu sáng tác đến khâu phổ biến, để làm sao các em thiếu nhi có được những sản phẩm tốt nhất, chính thống nhất và chất lượng nhất”, nam nhạc sĩ bày tỏ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, cho đến nay sau hơn 40 hoạt động, Hội Âm nhạc TP.HCM đã luôn khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc phát triển nền văn hoá, văn nghệ Thành phố lành mạnh, phong phú và đa dạng… 

Hội Âm nhạc TP.HCM luôn chú trọng việc phát triển thế hệ kế thừa, hằng năm Hội đều mở lớp bồi dưỡng kiến thức âm nhạc cho thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ trẻ… Và đây cũng là nơi các nhạc sĩ bậc thầy, các nhạc sĩ thế hệ đàn anh đi trước gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau, qua đó phát hiện những nhân tố mới… Bên cạnh đó, hằng năm Hội luôn phát động đầu tư các tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị và kịp thời phổ biến tuyên truyền các sự kiện chính trị của thành phố cũng như cả nước. 

Hội Âm nhạc TP.HCM với chủ trương đầu tư lý luận phê bình và nghiên cứu âm nhạc ngang bằng với sáng tác, nên hằng năm Hội đều có phát động xét đầu tư hỗ trợ và giải thưởng cho lĩnh vực này, từ đây tạo ra nguồn động viên cho các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình của Hội có những tác phẩm mới để đóng góp thêm cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ của TP.HCM.

“Nhưng trên thực tế có thể nhìn nhận rằng đội ngũ lý luận, phê bình về văn học, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, đang dần thiếu; thiếu sự phê bình sắc bén, còn ngại đụng chạm nên khi phê bình chưa đi thẳng vào vấn đề…”, ông Nguyễn Thọ Truyền nhận định. 

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc