Kết nối người trẻ với âm nhạc dân tộc

THÙY TRANG

VHO - Tối 15.7, tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đã tổ chức hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm thực tế văn hóa du lịch về loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với chủ đề “Vọng”.

Kết nối người trẻ với âm nhạc dân tộc - ảnh 1

Ban đờn “Cội xưa” hòa tấu thể điệu Kim Tiền Huế

Chương trình kết nối các chuyên gia, giảng viên, nghệ sĩ, nghệ nhân, tài tử và đông đảo sinh viên cùng trao đổi, giao lưu về loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Theo BTC, chương trình tổ chức với mục đích giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên về Đờn ca tài tử Nam Bộ, trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật này, cùng với giới thiệu các nhạc cụ truyền thống được sử dụng trong dàn nhạc Đờn ca tài tử; nhận diện và phân biệt với các loại hình nghệ thuật dân gian khác…

Kết nối người trẻ với âm nhạc dân tộc - ảnh 2

Diễn giả Phạm Thái Bình chia sẻ tại chương trình giao lưu

Đây là cơ hội để các bạn trẻ có thêm trải nghiệm thực tế về Đờn ca tài tử, giúp đưa những giá trị văn hóa đến gần hơn với thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc của dân tộc.

Qua đó, góp phần nâng cao văn hóa thưởng thức nghệ thuật truyền thống cũng như củng cố thêm kiến thức hiểu biết về lịch sử văn hóa – nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cho sinh viên.

Tại chương trình, diễn giả Phạm Thái Bình, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, giảng viên khoa Du lịch Trường ĐH Hùng Vương đã khái quát những nét cơ bản về Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình nghệ thuật đặc sắc đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Kết nối người trẻ với âm nhạc dân tộc - ảnh 3

Tiết mục ca ra bộ “Bùi Kiệm thi rớt trở về” theo thể điệu Tứ đại oán

Theo đó, Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam Bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Đờn ca tài tử Nam Bộ được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam Bộ…

Kết nối người trẻ với âm nhạc dân tộc - ảnh 4

Các nghệ sĩ, nghệ nhân trình bày “Khúc hát tri ân” theo điệu Duyên kỳ ngộ và Ngựa ô bắc, do tác giả Phạm Thái Bình soạn lời

Diễn giả Phạm Thái Bình cũng chia sẻ khá chi tiết về 20 bài bản tổ của Đờn ca tài tử, một số làn điệu truyền thống, các thuật ngữ chuyên môn, nhạc khí tiêu biểu trong dàn nhạc, phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa âm nhạc tài tử Nam Bộ và nhạc cải lương… Bên cạnh đó, diễn giả cũng trao đổi, giải đáp các câu hỏi về đặc điểm, giá trị văn hóa và nghệ thuật của Đờn ca tài tử Nam Bộ đến các bạn trẻ.

Kết nối người trẻ với âm nhạc dân tộc - ảnh 5
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ...

Cùng với việc tìm hiểu kiến thức về loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ, các bạn trẻ còn trải nghiệm và thưởng thức các tiết mục biểu diễn của NNƯT Cẩm Thủy, NNƯT Phan Minh Đức; các tài tử ca Tô Trường Vinh, Thảo Vy, Lâm Mỹ Duyên, Tâm Phúc Linh, Hồng Bảo Ngọc, Hạ Nắng; các tài tử đờn trong ban đờn “Cội xưa”: Nguyễn Nghiệp - đờn Kìm; Trần Hữu Vinh - đờn Cò; Nguyễn Quốc Đại - đờn Guitar phím lõm.