Hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” TP.HCM 2022
VHO - Tối 11.10, tại Nhà hát Bến Thành, Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” TP.HCM lần thứ XVIII năm 2022 đã chính thức khai mạc. Liên hoan năm nay quy tụ hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên… tham gia, thi diễn từ nay đến ngày 14.10.
Tiết mục dự thi của Trung tâm Văn hóa Quận 1 với chủ đề “Sắc Sen”
Liên hoan lần này có 20 đội văn nghệ từ phong trào nghệ thuật dân gian - dân tộc ở TP Thủ Đức và các quận, huyện tham gia, thi diễn với hơn 100 tiết mục gồm các hình thức: đơn ca; song ca, tam ca, tứ ca; tốp ca và múa minh họa; múa độc lập; độc tấu, song tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Tất cả 20 chương trình nghệ thuật được các đơn vị đầu tư dàn dựng theo từng chủ đề riêng biệt, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Không khí sông nước miền Tây Nam Bộ tái hiện trên sân khấu "Giai điệu quê hương"
Phát biểu khai mạc, nhạc sĩ Đinh Quang Minh, Trưởng phòng Nghệ thuật Dân gian Trung tâm Văn hóa TP.HCM, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan nhấn mạnh, Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” TP.HCM là sự kiện văn hóa vô cùng ý nghĩa, được diễn ra định kỳ 2 năm/lần. Hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và tạo điều kiện lan tỏa sâu rộng giá trị độc đáo các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc đang hiện hữu tại Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Liên hoan cũng nhằm mục đích biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ, các thành viên đang tham gia sinh hoạt tại các Câu lạc bộ Diễn xướng dân gian do các thiết chế văn hóa ở TP Thủ Đức và 21 quận/huyện quản lý… Qua đó, giúp cho phong trào sinh hoạt và trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc trên địa bàn TP.HCM ngày càng phát triển, góp phần phục vụ đời sống tinh thần người dân đang sinh sống và làm việc tại Thành phố. “Hy vọng, Liên hoan sẽ mang đến cho công chúng khán giả những cảm xúc dạt dào, khi được thưởng thức những thanh âm ngọt ngào của các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc trên khắp mọi miền đất nước do các nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên múa, nhạc công ở 20 đơn vị trên địa bàn TP.HCM tham gia trình diễn”, nhạc sĩ Đinh Quang Minh bày tỏ.
Giọng hát ngọt ngào của Anh Thơ, Trung tâm Văn hóa - Thể dục Thể thao quận Tân Phú trong ca khúc Những cô gái Đồng bằng sông Cửu Long
Cũng theo Ban tổ chức, kham gia Liên hoan, mỗi đơn vị tham gia một chương trình với thời lượng tối đa 30 phút bằng các hình thức kể trên, khuyến khích các đơn vị sử dụng nhạc cụ dân tộc trên sân khấu; không sử dụng các tiết mục Đờn ca tài tử, Cải lương (Trung tâm Văn hóa TP có cuộc liên hoan dành riêng cho hai thể loại này; đồng thời các đội thi không được sử dụng các tiết mục đã đạt huy chương vàng hoặc giải nhất trong các liên hoan chuyên nghiệp, Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Giai điệu quê hương” TP.HCM trong những năm trước.
Đa dạng sắc màu dân tộc trong các tiết mục biểu diễn dự thi
Cơ cấu giải thưởng cho Liên hoan năm nay có hai hạng mục chính. Trong đó, giải Chương trình có 3 giải nhất, 5 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích; giải Tiết mục - ứng với mỗi hình thức như đơn ca; song ca, tam ca, tứ ca; tốp ca và múa minh họa; múa độc lập; độc tấu, song tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc sẽ trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba. Đồng thời, Hội đồng nghệ thuật và Ban tổ chức Liên hoan sẽ xét trao các giải thưởng phụ như Ban nhạc có phong cách trinh diễn hay nhất, Chương trình được khán giả bình chọn nhiều nhất, Biên đạo múa xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất.
Liên hoan năm nay diễn ra trong 4 đêm liên tục, từ 11-14.10. Mỗi đêm sẽ là phần thi diễn của một số đơn vị, khán giả có thể đến xem cổ vũ. Liên hoan miễn phí cho tất cả người xem.
THÙY TRANG