Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2024:

Hòa quyện tinh hoa truyền thống và hiện đại

THANH NGỌC

VHO - Là “bữa tiệc nghệ thuật” đa sắc màu và đầy ấn tượng, Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2024 đưa khán giả trở về với những giá trị truyền thống, đồng thời phô diễn những xu hướng nghệ thuật đương đại. Đây không chỉ là sân chơi để các nghệ sĩ thể hiện tài năng mà còn là một cuộc “điểm danh” quan trọng về đội ngũ và sức sáng tạo trong lĩnh vực này.

Hòa quyện tinh hoa truyền thống và hiện đại - ảnh 1

 Nhiều cung bậc cm xúc

Sau khi tạm hoãn do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi, Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 1 đã diễn ra tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 21 - 30.11, quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên của 13 đơn vị nghệ thuật. Sự kiện do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

 Thông qua Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chuyên môn sẽ có cái nhìn toàn diện, chân thực về tình hình thực tế của các đơn vị nghệ thuật, công tác đào tạo nghề, định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nghệ thuật của đơn vị mình. Đồng thời, Liên hoan cũng mở ra cơ hội hợp tác, giao lưu và phát triển nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ với nhau, giữa các đơn vị, địa phương trong việc phát triển nguồn lực và sáng tạo nghệ thuật.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG, Trưởng BCĐ Liên hoan)

Sau 9 ngày diễn thi sôi nổi, các nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc và những ấn tượng sâu đậm; không chỉ thể hiện tinh hoa của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cũng như của thế giới, mà còn hàm chứa trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc.

Chung cuộc, Carmen của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam được trao giải Xuất sắc cho vở diễn opera ballet, cùng giải Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch xuất sắc cho nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Vở diễn đã đưa khán giả trải nghiệm sự hòa quyện sôi động của kiệt tác nguyên bản trong bối cảnh hiện tại với những điệu nhảy mà giới trẻ đang ưa chuộng như tap dance quyến rũ hay tiết tấu trẻ trung của K-pop…

Con đường từ trái tim của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội được trao Huy chương Vàng và Giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc (Đại tá, NSND Nguyễn Thị Bích Hạnh). Theo nhà báo Ngô Bá Lục: “Hoành tráng, ý nghĩa, xúc động và thiêng liêng là cảm giác của tôi khi xem tác phẩm Con đường từ trái tim. Tác phẩm mang một màu sắc riêng biệt nhất tại Liên hoan, đó là Màu Lính - một màu không chỉ xanh biển, xanh trời, xanh hòa bình mà còn là màu đỏ của quốc kỳ, màu vàng ánh sao rực rỡ, và trên tất cả, đó là màu sắc lấp lánh của tình yêu Tổ quốc, tình yêu Đồng bào thiêng liêng mà gần gũi”.

Các tiết mục trong chương trình phác hoạ một cách rõ nét con đường của những người lính cụ Hồ trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ tiếng ru à ơi của mẹ, đứa bé ra đời trong vòng tay và bầu sữa của mẹ, rồi trở thành người lính trong vòng tay của đồng đội và nhân dân. Trên con đường ấy, biết bao gian truân vất vả, cả những hi sinh thân mình, máu và nước mắt, hoa và lửa... tất cả đã trui rèn nên tinh thần người lính, mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất mà đầy tình yêu thương, ấm áp, gần gũi.

Con đường từ trái tim được kể bằng âm nhạc đầy hào khí, thiêng liêng mà vô cùng tình cảm, ngọt ngào. Hình ảnh người lính được khắc họa rõ nét qua những màn múa được dàn dựng công phu và ấn tượng. Đây cũng là công trình nghệ thuật ý nghĩa chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024).

Hòa quyện tinh hoa truyền thống và hiện đại - ảnh 2
Hòa quyện tinh hoa truyền thống và hiện đại - ảnh 3
Con đường từ trái tim của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội được trao Huy chương Vàng và Giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc (Đại tá, NSND Nguyễn Thị Bích Hạnh)

Nghệ sĩ có cơ hội thăng hoa, tỏa sáng

Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2024 được tổ chức làm 2 đợt với sự tham gia của 37 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp (đợt 2 đã diễn ra tại tỉnh Bình Dương từ ngày 29.9 - 15.10, với gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị trong cả nước). Liên hoan là nơi các nghệ sĩ, diễn viên được thể hiện tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, đồng thời được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp.

NSND Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hà Nội, nhận định: Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm nay có nhiều chương trình được đầu tư công phu, với kịch bản và biên đạo chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, mỹ thuật, trang phục và công nghệ. Các tác phẩm không chỉ bám sát chủ đề, mà còn mang yếu tố mới, trẻ trung, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, tạo ra sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Điều này tạo cơ hội cho các nghệ sĩ tỏa sáng.

Đặc biệt, đã có tới 7 vở diễn ở các thể loại nhạc kịch, thanh xướng kịch và nhạc vũ kịch, tại đợt 2 phía Nam có 3 vở và đợt 1 phía Bắc có 4 vở được trình diễn. Trong đó, có vở opera ballet là một trong những kiệt tác nghệ thuật của thế giới; có vở mạnh dạn khai thác đề tài cách mạng, đề tài hiện thực phê phán trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam. Điều đó cho thấy sự cố gắng của các đơn vị xây dựng chương trình, vì những thể loại này cần được đầu tư một cách đồng bộ từ tất cả các khâu sáng tạo đến năng lực nguồn nhân sự của đơn vị.

Cũng theo NSND Nguyễn Quang Vinh, có thể do nhiều hoàn cảnh, điều kiện thực tế khác nhau của từng địa phương nên vẫn có những chương trình được xây dựng chủ yếu trên nền tảng có sẵn đã được sử dụng trong nhiều năm, chưa có sự đổi mới, sáng tạo, bứt phá để tạo điểm nhấn hoặc mũi nhọn trong chương trình.

Ngoài việc tạo cơ hội cho các nghệ sĩ tài năng tỏa sáng và được vinh danh, Liên hoan còn là dịp để “điểm danh” về đội ngũ, phương hướng hoạt động, chất lượng đào tạo, khai thác và phát triển nguồn nhân lực của mỗi đơn vị ở các địa phương. 

 Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao HCV cho các chương trình, vở diễn Ảnh: BTC

 

 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc