Hành trình đưa nghệ thuật truyền thống vào 78 lá bài tarot

HÀ CHI

VHO - Trong thế giới nghệ thuật đương đại, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại luôn là một thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn. Họa sĩ Lương Thị Thanh Phương, đã chọn con đường này bằng cách đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam vào 78 lá bài tarot, tạo nên một tác phẩm độc đáo và giàu bản sắc, xuất sắc dành giải quán quân cuộc thi Cartomancy Exhibition Challenge, đưa văn hóa nước nhà tới với bạn bè quốc tế.

Hành trình đưa nghệ thuật truyền thống vào 78 lá bài tarot - ảnh 1
Tác phẩm Bắt cô trói cột đã dành giải nhất cuộc thi Cartomancy Exhibition Challenge được tổ chức thường niên tại Thái Lan, vinh danh những tác phẩm nghệ thuật vẽ trên các lá bài tarot đẹp nhất.

Khởi nguồn từ đam mê

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức. Làm thế nào để bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc mà vẫn khiến chúng trở nên gần gũi với thế hệ trẻ?

Câu trả lời có lẽ nằm ở những dự án sáng tạo đầy tâm huyết, như bộ bài tarot mang đậm chất Việt của Lương Thị Thanh Phương.

Với 78 lá bài, mỗi lá là một câu chuyện, một mảnh ghép văn hóa được thể hiện qua ngôn ngữ hội họa đương đại, Thanh Phương không chỉ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn gửi gắm khát vọng đưa Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ nghệ thuật thế giới.

Thanh Phương bắt đầu hành trình của mình với niềm tin rằng nghệ thuật không chỉ là sự sáng tạo cá nhân mà còn là cách để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Chị chia sẻ: "Nghệ thuật chính là văn hóa tự thân, hơn hết không nên được xây dựng trên những hình tượng vay mượn, không giống như chép tranh. Nó là trải nghiệm riêng về văn hóa của người họa sĩ."

Chính quan điểm này đã thôi thúc chị tìm tòi và khai thác những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, từ đó truyền tải vào từng lá bài tarot.

78 câu chuyện trong 78 bức tranh

Tarot vốn là một bộ môn nghệ thuật phương Tây, nhưng qua bàn tay của Thanh Phương, nó được "Việt hóa" một cách tinh tế.

Chị không sao chép những hình ảnh cổ điển từ tarot châu Âu, mà thay vào đó, sử dụng chất liệu dân gian, họa tiết trang trí đình làng, hay những biểu tượng trong truyền thuyết Việt Nam.

"Tôi muốn người xem không chỉ thấy một bộ bài tarot, mà còn cả một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa Việt," chị nói.

Dự án của Thanh Phương là một bộ tarot gồm 78 lá, mỗi lá kể một câu chuyện riêng, lấy cảm hứng từ văn hóa và lịch sử Việt Nam. Niềm đam mê khiến chị luôn tìm tòi, khám phá những câu chuyện dân gian, lịch sử, và tín ngưỡng Việt Nam để làm chất liệu sáng tác.

Một trong những lá bài tiêu biểu là lá số 12, được lấy cảm hứng từ giấc mơ về đền An Dương Vương và câu chuyện về sự phản bội - một trong những khoảnh khắc quan trọng trong hành trình tạo ra bộ bài của chị.

Thanh Phương tâm sự: "Câu chuyện này khiến tôi đồng cảm sâu sắc. Tôi mong muốn các bạn trẻ sẽ cùng nhau đưa Việt Nam lên một tầm cao mới về nghệ thuật."

Chị cũng nhấn mạnh, mỗi lá bài không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự kết tinh của tư duy, niềm tin và rung động cá nhân. Dự án 78 lá bài tarot không phải là một ý tưởng bất chợt.

Nhiều bức phác thảo đã được Thanh Phương ấp ủ từ nhiều năm trước, nhưng phải đến khi chị tập trung toàn bộ tâm sức, chúng mới thực sự thành hình. Trong vòng chưa đầy bốn tháng, chị đã hoàn thiện bộ bài với sự tỉ mỉ và đam mê không ngừng nghỉ.

Chị tâm sự: "Có những lá bài tôi vẽ đi vẽ lại nhiều lần, vì tôi muốn chúng không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải chứa đựng được tinh thần dân tộc."

Hành trình đưa nghệ thuật truyền thống vào 78 lá bài tarot - ảnh 2
Lương Thị Thanh Phương (bên trái) nhận Giải Nhất tại cuộc thi Cartomancy Exhibition Challenge

Nghệ thuật truyền cảm hứng

Không dừng lại ở việc sáng tác, Thanh Phương còn tích cực tham gia các hoạt động truyền cảm hứng nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Chị đã dành ba năm để dạy vẽ cho các em nhỏ, giúp các em tiếp cận với mỹ thuật truyền thống như tranh sơn mài, gốm sứ, và đồ thủ công mỹ nghệ.

"Tôi tin rằng nghệ thuật phải đến từ trái tim và lan tỏa đến cộng đồng. Đó là nhiệm vụ của người nghệ sĩ," chị chia sẻ.

Chị mong muốn thế hệ trẻ sẽ cùng nhau bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống, đồng thời sáng tạo để nghệ thuật Việt Nam không ngừng tiến xa.

Với Thanh Phương, bộ bài tarot không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật, mà còn là một cách để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chị hy vọng rằng trong tương lai, dự án này sẽ được nhiều người biết đến, không chỉ như một bộ bài chiêm nghiệm, mà còn như một tác phẩm nghệ thuật đậm chất Việt.

"Tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ cùng nhau bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống, để chúng không bị lãng quên trong dòng chảy hiện đại," chị nói.