Gỡ “nút thắt” cho nhiếp ảnh Việt Nam

VHO - Sáng 18.11, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tọa đàm Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao? nhằm nâng cao chất lượng sáng tác, đóng góp cho văn học, nghệ thuật nước nhà thời kỳ mới.

Gỡ “nút thắt” cho nhiếp ảnh Việt Nam - Anh 1

Gần 30 tham luận tại tọa đàm đã tập trung bàn luận về các vấn đề nổi cộm của nhiếp ảnh Việt Nam

Phát biểu khai mạc, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, tọa đàm được tổ chức với mong muốn xác định hướng đi đúng, những việc cần phải làm để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong những yêu cầu mới của đất nước; tập trung đưa ra các giải pháp để trong thời gian tới có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu nhiếp ảnh; tháo gỡ những điểm hạn chế để thúc đẩy nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vượt qua khỏi sự trì trệ, vươn lên phát triển với một tầm cao mới, góp phần xây dựng một nền nghệ thuật nhiếp ảnh chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và sự nghiệp chấn hưng văn hóa trong thời kỳ đổi mới.

Bởi, theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, trong những năm qua, mặc dù Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều tổ chức văn hóa văn nghệ khác đã trao nhiều giải thưởng, một năm hoặc hai năm một lần, hay nhiều giải thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm các sự kiện lớn của các bộ, ban, ngành, địa phương… nhưng hầu như các tác phẩm được trao giải rất mau chìm vào quên lãng. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

“Việc cần làm ngay là xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nghệ sĩ nhiếp ảnh phát huy tối đa năng lực sáng tác, song song với đề cao ý thức về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Đồng thời, chính bản thân các nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, tìm ra hướng đi mới hay hơn, đẹp hơn và có giá trị hơn. Ngoài ra, nhiếp ảnh nước ta cần khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác thẩm định, lý luận, phê bình...”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.

Gần 30 tham luận tại tọa đàm do nhiều thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh trình bày đã tập trung bàn luận về các vấn đề nổi cộm như: Trình độ, thái độ ban giám khảo; nâng cao năng lực quảng bá; Tác động của công nghệ (nhất là AI) với ảnh nghệ thuật; Đào tạo nguồn nhân lực cho nhiếp ảnh; Đầu tư sáng tác; yếu tố “vùng miền” trong sáng tác và thẩm định ảnh; Ảnh bộ và ảnh đơn; Lối mòn cần tránh, giải pháp nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật; ...

Phó trưởng Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh Lưu Quang Phổ nhận định, ảnh nghệ thuật Việt Nam không phải chưa có chất lượng cao mà chỉ nhàm chán vì cảm giác bị copy; cũng chưa hay bởi chưa đi sâu vào nội dung mà đa phần chỉ diễn tả vẻ đẹp bề ngoài bằng đường nét, bố cục, ánh sáng, màu sắc. Chúng ta phải đổi mới điều này nếu không muốn bị xã hội quay lưng.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đức Toàn, để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao, người sáng tác cần đặt lại yếu tố con người trong tác phẩm sáng tạo của mình một cách sâu sắc, khai thác nhân tố đó, đào sâu tìm tòi sáng tạo hơn nữa để tác phẩm ảnh mang hơi thở của của cuộc sống, lấy cuộc sống con người làm trung tâm của nguồn cảm hứng sáng tạo, bằng những thủ pháp nghệ thuật, hướng ống kính đi sâu hơn vào hiện thực cuộc sống con người…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) cho biết, các sáng tác ảnh nghệ thuật hiện nay vẫn còn hiện tượng lặp mô típ cũ, ăn cắp ý tưởng, chụp lại theo tác phẩm người khác, sáng tác tập thể... và đáng nói là vẫn được người thẩm định ủng hộ, thậm chí đoạt giải thưởng. Vì vậy, nếu những tác phẩm theo lối mòn này vẫn được đánh giá cao tại các cuộc thi và các cuộc xét giải thưởng thì chất lượng ảnh nghệ thuật sẽ không được bảo đảm.

Nhiều tham luận tại tọa đàm cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng của đội ngũ làm công tác thẩm định ảnh hiện nay còn yếu và không đều tay. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho rằng, lý luận phê bình nhiếp hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Điều này thấy rất rõ với số lượng 1055 hội viên nhưng số người làm công tác lý luận phê bình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện chỉ có 8 người được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” nhưng họ cũng chỉ làm tay ngang, còn lại một số người thỉnh thoảng viết với tâm lý “viết chơi”.

Qua các tham luận, tọa đàm đã thống nhất cần tiến hành một số biện pháp để nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ hơn, đó là: Đổi mới tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đào tạo công chúng - nhân tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật; cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; đổi mới tư duy công bố tác phẩm; tiếp tục đổi mới đội ngũ lãnh đạo, quản lý; tạo ra một cuộc vận động sáng tạo nhiếp ảnh có quy mô toàn xã hội.

Đặc biệt, nhà Nghiên cứu Lý luận phê bình Nhiếp ảnh Vũ Đức Tân đưa ra giải pháp nên có Bảo tàng Nhiếp ảnh: "Hiện nay Trung tâm lưu trữ của Hội ta không phải là bảo tàng. Nhà nước nên đầu tư xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh. Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều bức ảnh có giá trị, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, tuy nhiên cho đến nay lại chưa có một bảo tàng nhiếp ảnh nào. Bảo tàng sẽ trở thành một tiêu chuẩn để định giá các tác phẩm thành công. Có bảo tàng thì giá trị các tác phẩm nhiếp ảnh sẽ được nâng lên”.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc