“Giữ hồn” Việt trong từng con rối
VHO - Trở thành điểm đến quen thuộc của khán giả, đặc biệt là khách du lịch quốc tế khi đặt chân tới Thủ đô Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã duy trì kỷ lục 365 ngày “đỏ đèn”/ năm bền bỉ qua nhiều thế hệ lãnh đạo và nghệ sĩ. Năm 2023, doanh thu của Nhà hát lên tới con số 56 tỉ đồng với hơn 1.600 suất diễn. “Kỳ tích” mỗi ngày từ 7-8 suất diễn có được nhờ sự cố gắng, nỗ lực “giữ hồn Việt” trong từng con rối của tập thể cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ Nhà hát.
Văn Hóa đã có buổi trò chuyện cởi mở với vị nữ “thuyền trưởng” tài năng, NSƯT Trần Thị Hiền về những suất diễn chật kín khán giả, những tràng pháo tay kéo dài không ngớt, những câu chuyện “xuất ngoại” khiến Rối Việt được định hình rõ nét trên bản đồ nghệ thuật thế giới…
Cổ điển - hiện đại và hơn thế nữa…
PV: Lướt qua các trang quảng bá về du lịch thì thường thấy những bài giới thiệu về chương trình biểu diễn múa rối nước truyền thống của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Điều kỳ lạ là vì sao có rất nhiều đơn vị nghệ thuật, kể cả múa rối, thì Nhà hát vẫn là điểm dừng chân của du khách trong nước và quốc tế?
- NSƯT Trần Thị Hiền: Tôi cho rằng, trước hết chính là do chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, điều này đã tạo cho Nhà hát một thương hiệu riêng. Đã từng có ý kiến cho rằng chúng tôi bảo thủ, chỉ khư khư diễn trò xưa tích cũ mà không chịu thay đổi. Tuy nhiên, phương hướng làm nghệ thuật của Múa rối Thăng Long là phải giữ nguyên đặc trưng của múa rối truyền thống.
Các nghệ sĩ của chúng tôi cũng thường xuyên tìm đến phường rối ở các địa phương để khai thác tất cả những chất liệu dân gian, để tìm hiểu xem họ có tích trò gì còn lưu giữ mà mình chưa khai thác được để tiếp thu.
Theo tôi, bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối là phải giữ được những nét đặc sắc nhất, những cốt lõi tạo nên nền móng, gốc rễ của loại hình. Truyền thống chính là mảnh đất thuận lợi để phát triển, bằng chứng là khán giả đến với Múa rối nước Thăng Long ngày một đông. Tờ San Francisco Examiner đưa tin chương trình của Nhà hát đã đánh giá: “Cổ điển, hiện đại và hơn thế nữa. Một món quà diệu kỳ cho khán giả mọi lứa tuổi. Món ăn tinh thần độc đáo, hấp dẫn, vừa thú vị vừa mang đậm dấu ấn lịch sử…”.
Với chúng ta, múa rối truyền thống là cổ điển, nhưng trong mắt bạn bè quốc tế lại là một loại hình nghệ thuật mang phong cách hiện đại, bởi tạo hình cũng như tài năng điêu luyện của nghệ sĩ “giấu mặt” điều khiển.
Những nhân vật thần thoại như rồng, tiên, những vị anh hùng trong truyền thuyết, những công việc của nhà nông... tất cả đều được tái hiện sống động trên sân khấu thủy đình cổ kính của Múa rối Thăng Long. Có khi nào Nhà hát nghĩ tới chuyện thay đổi thiết kế sân khấu hay khai thác đề tài mới mẻ hơn?
- Rất nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao không thay đổi nội dung, mãi cứ câu chuyện như thế”? Nhà hát vẫn thay đổi đấy chứ, đã có thêm nhiều chương trình để phục vụ các đối tượng khán giả khác nhau. Với sân khấu học đường hoặc phục vụ khán giả nhí vào những dịp như 1.6, Trung thu, Noel...,
Nhà hát luôn thay đổi kịch bản với những câu chuyện mang tính giáo dục. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện để các đạo diễn, họa sĩ, nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, dàn dựng các tiết mục kết hợp giữa rối nước và rối cạn, tăng thêm sức hấp dẫn cho nghệ thuật múa rối nói chung.
Nhưng, với các chương trình nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống, chúng tôi không có ý định thay đổi các tích trò cổ, bởi những tích trò ấy gắn liền với văn hóa Việt. Khách quốc tế đến đây với mong muốn tìm hiểu về bản sắc, con người Việt Nam, vậy thì với Múa rối Thăng Long, các tiết mục mang ý nghĩa lịch sử, truyền thống từ thời xa xưa chúng ta phải giữ, như: Lê Lợi trả gươm, Vinh quy bái tổ, Lân tranh cầu, Cấy cày, Ông lão bà lão chăn vịt, Nhi đồng hí thủy...
55 tỉ doanh thu của Nhà hát năm 2023 là con số mơ ước của nhiều đơn vị nghệ thuật hiện nay. Cộng thêm, nhìn vào số lượng đông đảo diễn viên trẻ được ký hợp đồng làm việc tại Nhà hát, dường như bài toán “cơm áo gạo tiền” đã không còn là nỗi bận tâm của Ban lãnh đạo Múa rối Thăng Long?
- Hiện biên chế Nhà hát được giao là 57 viên chức, tuy nhiên diễn viên phần lớn đã lớn tuổi. Để đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc với tần xuất biểu diễn 6-8 suất diễn/ngày, chúng tôi có đủ nguồn thu để ký thêm hợp đồng với các diễn viên trẻ. Nhà hát căn cứ vào năng suất lao động của cán bộ công nhân viên, người lao động để chi trả lương và thu nhập tăng thêm đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Nhân viên bảo vệ cũng phải biết tiếng Anh
Thưa bà, chuyên môn, kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên thương hiệu của Nhà hát. Vậy ngoài ra còn yếu tố nào tạo nên tính chuyên nghiệp cho một đơn vị nghệ thuật phục vụ khách nước ngoài?
- Trước tiên, chúng tôi luôn quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng chuyên môn, hằng năm đều mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ cho lớp diễn viên trẻ. Nhà hát cũng đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ đối với khách đến xem biểu diễn. Đối tượng chính của Múa rối Thăng Long hiện nay là khách quốc tế, để tạo nên tính chuyên nghiệp, ngay từ bộ phận lễ tân, bán vé, bảo vệ, tạp vụ… 100% đều biết tiếng Anh và các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, Nhật, Trung Quốc... để đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của khách khi tới với Nhà hát.
Hiện nay có rất nhiều đơn vị nghệ thuật thích ứng kịp thời chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, khán giả đến với Nhà hát Múa rối Thăng Long có cần phải kích cầu qua công nghệ hay bản thân số nhà 57B Đinh Tiên Hoàng đã là một địa chỉ thuận lợi để hút khách du lịch?
- Không phủ nhận sự thành công tạo nên thương hiệu của Nhà hát Múa rối Thăng Long chính là nhờ nằm ở vị trí thuận lợi hút khách hơn các sân khấu khác. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chất lượng nghệ thuật, dịch vụ chu đáo vẫn là tiêu chuẩn hàng đầu để chúng tôi khẳng định mình. Dĩ nhiên, việc thích ứng kịp thời chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tạo sự tương tác, thông tin các hoạt động của Nhà hát đến với nhiều khán giả hơn là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến công tác truyền thông trên các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Các đoàn khách du lịch khi đến thăm Hà Nội sẽ đi tham quan các địa điểm như Hỏa Lò, Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, phố cổ, xem múa rối nước, và Múa rối Thăng Long vinh dự là địa điểm được các công ty du lịch lựa chọn giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế.
Có cảm giác với số lượng hàng nghìn khán giả đến mỗi ngày thì dường như cơ sở vật chất và điều kiện biểu diễn tại 57B Đinh Tiên Hoàng hiện nay có phần quá nhỏ. Ban Giám đốc có kế hoạch nâng cao cơ sở vật chất?
- Trụ sở của Nhà hát Múa rối Thăng Long hiện nay đã quá cũ, đây là điều lo lắng lớn nhất của chúng tôi. Thành phố đã cho chủ trương xây mới lại Nhà hát, tất nhiên khi tiến hành chúng tôi cũng sẽ xin có những đóng góp, tham mưu để làm sao giữ được sự cổ kính, truyền thống trong thiết kế. Bên cạnh cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của khán giả hiện đại, thì việc tạo ra một kiến trúc độc đáo, ấn tượng, cổ kính là điều vô cùng quan trọng, và cũng phải tính đến các yếu tố như giá trị văn hóa, lịch sử của một nhà hát truyền thống ở Thủ đô Hà Nội.