Giữ hồn tuồng, giữ nếp làng

NGUYỄN LINH

VHO - Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, khi nhiều loại hình nghệ thuật xưa cũ dần lặng lẽ lui vào quên lãng, thì tại làng Kim Sơn, xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), người dân vẫn giữ lửa cho một “báu vật” văn hóa: Nghệ thuật tuồng cổ.

 Không cần ánh đèn sân khấu rực rỡ, chính những mái đình làng, những đêm diễn quây quần bên nhau đã trở thành nơi nuôi dưỡng tình yêu tuồng cổ từ đời này sang đời khác.

 Ở đó, ông truyền cháu, cha truyền con, tiếng trống, nhịp phách hòa cùng lời ca không chỉ lay động lòng người mà còn gắn kết gia đình, gắn bó xóm làng.

Tuồng cổ hiện diện như một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, nhắc nhớ cội nguồn và nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng - thứ không bao giờ bị lãng quên trong tâm thức người Việt.

 Giữ hồn tuồng, giữ nếp làng - ảnh 1
Người dân làng Kim Sơn, xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng cổ quý báu của cha ông

Khúc hoài niệm giữa thời hiện đại

Con đường làng Kim Sơn như một dải ký ức dịu dàng, với mái ngói rêu phong thấp thoáng bên vườn cây xanh mướt. Trong ngôi nhà cấp bốn giản dị, ông Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hoằng Kim, đón chúng tôi bằng nụ cười mộc mạc. Bên ấm trà xanh, ông kể say sưa về bộ môn nghệ thuật đã gắn bó máu thịt với người dân nơi đây.

“Kim Sơn vốn là miền quê trù phú với núi Kim Sơn phía tây, dòng Trà Giang phía bắc, cảnh sắc ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi. Tuồng cổ ở Kim Sơn không đơn thuần là giải trí, đó là món ăn tinh thần, là biểu tượng văn hóa làng quê bao đời”, ông Long xúc động chia sẻ.

Không ai nhớ chính xác tuồng cổ xuất hiện ở đây từ bao giờ. Chỉ biết rằng, tuổi thơ ông Long cùng lũ trẻ từng mê mẩn theo người lớn ra sân đình, mắt không rời những vai “kép đen”, “kép đỏ” với dáng đi uy nghi, điệu múa mềm mại và trang phục lộng lẫy. Những tiếng trống chầu rộn ràng, những lời hát ngân vang đã thấm đẫm vào ký ức ông không thể nào quên.

Đã từng có thời, Kim Sơn vang danh khắp vùng với phường tuồng nức tiếng. Những vở diễn như Sơn Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Mã Long Mã Phụng… được biểu diễn khắp nơi, gây dựng nên lớp lớp nghệ sĩ chân đất tài hoa.

Dù lúc đó Hoằng Hóa đã có nhiều phường tuồng và chèo hoạt động, nhưng cái tên Kim Sơn vẫn được nhắc đầu tiên khi nói đến tuồng cổ.

Theo Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa, các phường tuồng, phường chèo nơi đây đều hình thành từ lòng đam mê và sự tự nguyện. Với người dân, sân khấu là máu thịt, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần cộng đồng.

Nhưng rồi, như bao giá trị truyền thống khác, tuồng cổ Kim Sơn cũng trải qua những tháng ngày trầm lắng. Đầu thế kỷ XXI, sân đình thưa vắng, nghệ nhân chẳng còn ai hóa thân thành “kép”, đêm hội rơi vào lặng im, một nỗi xót xa âm ỉ trong lòng những người từng yêu tuồng.

Ông Long chậm rãi kể: “Đã có lúc, chúng tôi tưởng rằng tuồng cổ sẽ chỉ còn trong ký ức của những người già…”. Nhưng Kim Sơn đã không để ký ức ấy ngủ yên.

Khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, với sự quyết tâm của người dân và sự đồng hành của chính quyền xã, tuồng cổ đã được hồi sinh. Ngọn lửa đam mê được thắp lại bằng chính tinh thần cộng đồng, bằng sự gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình, dòng tộc.

Năm 2013, CLB hát tuồng và trống hội Kim Sơn chính thức ra đời. Khởi đầu chỉ với 18 thành viên, nhưng ai nấy đều tràn đầy nhiệt huyết. Họ không đơn thuần luyện tập để biểu diễn, mà là để giữ lấy “hồn làng”, để nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, gìn giữ bản sắc và gắn kết các thế hệ thông qua nghệ thuật.

 Giữ hồn tuồng, giữ nếp làng - ảnh 2

Gìn giữ “hồn làng” qua từng nhịp trống chầu

Giữa vòng xoáy hiện đại hóa và sự bủa vây của công nghệ, vẫn có những ngọn lửa âm thầm cháy, những con người lặng lẽ thắp sáng giá trị truyền thống bằng tình yêu và trách nhiệm. Tại Kim Sơn, nghệ thuật tuồng cổ đang hồi sinh mạnh mẽ, lan tỏa từ sân đình làng đến trái tim cộng đồng.

Người phụ nữ giữ vai trò then chốt trong công cuộc hồi sinh ấy là bà Nguyễn Thị Miên, Chủ nhiệm CLB hát tuồng và trống hội Kim Sơn. Sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật, sở hữu năng khiếu bẩm sinh, bà đã sớm học hỏi từ các nghệ nhân cao tuổi, rèn luyện từ kỹ thuật hát xướng đến biểu diễn “có bộ”, kết hợp hài hòa giữa giọng ca, hình thể và nhạc cụ truyền thống.

Từ 18 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã phát triển lên 30 thành viên, chủ yếu là phụ nữ, tuổi từ 50-65. Không chỉ biểu diễn phục vụ lễ hội địa phương, họ còn thường xuyên giao lưu tại các hội thi văn hóa cấp tỉnh và đặc biệt là mở lớp truyền dạy tuồng cho thanh thiếu nhi, ươm mầm thế hệ kế thừa.

Thế nhưng, hành trình giữ hồn tuồng ở Kim Sơn vẫn đầy thử thách. Ông Lê Viết Dân, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Kim, không giấu được trăn trở: “Mỗi vở tuồng cần nhiều đạo cụ, trang phục công phu, trong khi nguồn kinh phí gần như không có. Các thành viên CLB đều tham gia tự nguyện, không thù lao. Chính quyền rất muốn hỗ trợ, nhưng nguồn lực địa phương còn hạn hẹp”.

Ngoài khó khăn vật chất, tuồng cổ còn đối mặt với áp lực cạnh tranh từ phim ảnh, mạng xã hội, game online - những thứ đang chiếm lĩnh không gian giải trí của giới trẻ. Để kéo thế hệ mới quay lại với nghệ thuật truyền thống, không chỉ cần tình yêu mà còn phải có chiến lược truyền thông, tổ chức bài bản.

Dẫu vậy, những “người giữ lửa” của Kim Sơn vẫn kiên cường bám trụ. Họ tin rằng, với vẻ đẹp độc đáo về hình thức biểu diễn, ngôn ngữ sân khấu và giá trị nhân văn sâu sắc, tuồng cổ vẫn có thể chạm vào trái tim khán giả hiện đại, nếu được đầu tư và phát huy đúng cách.

“Chúng tôi mong có một Nhà văn hóa riêng cho CLB, có kinh phí để may thêm trang phục, mua đạo cụ chuẩn hơn. Khi đó, các em nhỏ sẽ được học bài bản, nuôi dưỡng tuồng cổ một cách dài lâu”, bà Miên bày tỏ.

Có thể nói, tuồng cổ Kim Sơn chính là hồn cốt văn hóa thấm đẫm trong từng mái nhà, từng nếp sống của bao thế hệ người dân nơi đây. Với họ, tuồng không chỉ là nghệ thuật, mà còn là sợi dây nối kết cộng đồng, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là không gian để cùng nhớ - cùng sống - cùng gìn giữ.

Và chừng nào còn những ánh mắt đắm say dõi theo bước chân hóa thân của nghệ sĩ, chừng ấy tuồng cổ Kim Sơn còn vang vọng - sống động như một khúc trường ca bất tận trong mỗi gia đình Việt.