Điện ảnh Việt bùng nổ doanh thu 2024:
Đưa TP.HCM tiến sát mục tiêu Thành phố sáng tạo UNESCO
VHO - Điện ảnh Việt năm 2024 đã có một bước nhảy vọt ấn tượng, với doanh thu vượt bậc và những cột mốc chưa từng có. Con số 4.700 tỉ đồng là kỷ lục cao nhất trong lịch sử phòng vé Việt Nam, khẳng định sức hút mạnh mẽ của thị trường điện ảnh thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, cuộc đua phim Tết dự kiến tiếp tục bùng nổ với những tác phẩm sáng giá cùng loạt dự án đáng chú ý dịp 30.4, đây là tiền đề vững chắc để TP.HCM gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.
Kỷ lục 2024 - kỳ vọng 2025
Theo số liệu từ Box Office Vietnam, tổng doanh thu phòng vé Việt trong năm 2024 đã đạt gần 4.700 tỉ đồng, cùng với đó là các “kỷ lục”: Lần đầu tiên top 10 phòng vé toàn là phim trên trăm tỉ đồng; lần đầu tiên có phim vượt 500 tỉ đồng… Thành công này chủ yếu đến từ Mai, Lật mặt 7, Gặp lại chị bầu, Ma da, Chị dâu, Làm giàu với ma, Cám…
Tuy điện ảnh Việt 2024 đạt được con số ấn tượng về doanh thu, nhưng phần lớn các dự án nội địa thành công lại chỉ xoay quanh một số thể loại quen thuộc như tâm lý, mâu thuẫn thế hệ và kinh dị. Mặt khác, chất lượng kịch bản cũng bị nhận xét còn hạn chế… Bước sang 2025, sự xuất hiện của những gương mặt mới bên cạnh các thương hiệu quen thuộc mang đến hy vọng về một bức tranh điện ảnh Việt đa sắc hơn. Mùa phim Tết Ất Tỵ với sự tham gia của các tên tuổi đình đám như: Bộ tứ báo thủ (Trấn Thành), Yêu nhầm bạn thân (Diệp Thế Vinh, Nguyễn Quang Dũng), Nụ hôn bạc tỷ (Thu Trang)… dự kiến tiếp tục “đốt cháy” phòng vé.
Trong dòng phim lịch sử, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) và Mưa đỏ (Đặng Thái Huyền) được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn. Địa đạo lấy bối cảnh những năm 1960 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dự kiến ra mắt ngày 4.4 nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Phim không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, khơi gợi niềm tự hào dân tộc. Trong khi đó, Mưa đỏ sẽ khởi chiếu vào dịp Quốc khánh 2.9, tái hiện 81 ngày đêm chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc bảo vệ Thành cổ Quảng Trị…
Cũng trong dịp lễ 30.4, Lật mặt 8 (Lý Hải) nổi bật với khả năng cạnh tranh ngôi vị phim có doanh thu cao nhất năm 2025. Dự án thu hút sự chú ý từ khâu casting, với sự tham gia của “hot TikToker” Lê Tuấn Khang. Nếu vượt qua kỷ lục 482 tỉ đồng của Lật mặt 7, Lý Hải sẽ tiếp tục nối dài chuỗi thành công rực rỡ.
Ở dòng phim thương mại, thể loại kinh dị/tâm linh cũng tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với ít nhất 4 tác phẩm sắp ra mắt: Dưới đáy hồ (Trần Hữu Tấn), Khế ước bán dâu (Lâm Thanh Mỹ) và Út Lan (Trần Trọng Dần) đều mang đến sự mới mẻ. Đặc biệt, Heo năm móng của bộ đôi đạo diễn Võ Thanh Hòa và Mai Bảo Ngọc hứa hẹn sẽ tiếp nối thành công của Quỷ cẩu và Linh miêu trước đó. Mặc dù phim kinh dị Việt bị nhận xét yếu về kịch bản, nhưng các nhà sáng tạo vẫn khéo léo tận dụng chất liệu văn hóa dân gian, thu hút được lượng khán giả đáng kể.
Ngoài ra, thể loại hài hước/tâm lý cũng thu hút sự chú ý với Chốt đơn của đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân, xoay quanh chủ đề livestream bán hàng. Trong khi, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu (Victor Vũ) cũng là một ẩn số không kém phần thú vị…
Để trở thành Thành phố Điện ảnh của tương lai
Doanh thu phòng vé đạt gần 4.700 tỉ đồng vào năm 2024, tăng trưởng mạnh mẽ từ mức 3.700 tỉ đồng của năm 2023 là kết quả khả quan đối với thị trường điện ảnh Việt vốn còn non trẻ. Theo đánh giá của một số chuyên trang theo dõi điện ảnh quốc tế, tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm của điện ảnh Việt đã đạt mức 10%, vượt qua Thái Lan, quốc gia có nền điện ảnh phát triển lâu đời hơn. Các tác phẩm như Mai của Trấn Thành, Gặp lại chị bầu của Nhất Trung đã vượt qua nhiều bộ phim quốc tế ra rạp cùng thời điểm, khẳng định sức mạnh của điện ảnh nội địa.
Theo Sở VHTT TP.HCM, TP hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất phim, trong đó 30 cơ sở hoạt động thường xuyên, cùng 38 cụm rạp chiếu phục vụ hơn 4 triệu lượt khán giả mỗi năm. Nơi đây cũng sở hữu cơ sở hạ tầng và phim trường phong phú, kết hợp giữa nhà nước và tư nhân. LHP quốc tế TP.HCM tổ chức lần đầu năm 2024 đã thu hút hơn 400 bộ phim quốc tế, chứng tỏ khả năng trở thành điểm đến của điện ảnh thế giới.
Ngoài cơ sở vật chất, TP còn có tài nguyên văn hóa phong phú, giàu bản sắc, tạo bối cảnh quay phim độc đáo. TP.HCM cũng đang mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa và điện ảnh, tham gia các cam kết như WTO, Công ước UNESCO 2005... Các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế càng giúp nâng cao vị thế của TP trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trở thành Thành phố Điện ảnh, TP.HCM vẫn đối mặt với một số thách thức. Hạ tầng chuyên biệt như phim trường, trung tâm hậu kỳ và thiết bị kỹ thuật cao hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn lực tư nhân, dẫn đến tính cạnh tranh hạn chế. Các đoàn làm phim lớn thường lựa chọn quay tại nhiều địa phương khác nhau thay vì chỉ ở TP.HCM. Ngoài ra, TP cũng thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng và kinh nghiệm quốc tế, từ biên kịch đến kỹ thuật viên hậu kỳ. Vấn đề vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ cũng cần giải quyết để bảo vệ quyền lợi sáng tạo.
Để khắc phục các khó khăn này, TP cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như ưu đãi thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia. Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh phát triển.
Với tiềm năng hiện tại và các cơ hội trong tương lai, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành Thành phố Điện ảnh, không chỉ là trung tâm sáng tạo của Việt Nam mà còn là điểm đến của điện ảnh quốc tế. Việc phát triển công nghiệp điện ảnh sẽ không chỉ thúc đẩy nền kinh tế, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa mạnh mẽ, phát huy sức sáng tạo và khát vọng vươn xa của một thành phố trẻ năng động.
Việc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát huy không gian văn hóa của Thành phố mang tên Bác, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, giúp người dân tự hào về bản sắc văn hóa và tham gia vào các diễn đàn đa dạng và đa chiều.