Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng
VHO- Khoảng 44 tỉ USD là con số thống kê đóng góp về giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) giai đoạn 2018- 2022. Phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng; hình thành các trung tâm CNVH trọng điểm... là những mục tiêu hàng đầu trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian tới.
Tour đêm quảng bá thương hiệu, thu hút đông du khách đến với Văn Miếu- Quốc Tử Giám
Những vấn đề này sẽ được bàn thảo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam diễn ra hôm nay 22.12 tại trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại các tỉnh, thành, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ.
Đóng góp bền vững trong sự tăng trưởng
CNVH được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 44 tỉ USD).
Những con số thống kê cho thấy thực trạng phát triển của CNVH Việt Nam trong những năm qua. Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành CNVH. “CNVH là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây...”, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết.
Tốc độ phát triển và đóng góp của các ngành CNVH cũng được thể hiện rõ nét qua các con số, lĩnh vực cụ thể. Đơn cử như điện ảnh, giai đoạn 2018-2022, đây là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỉ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỉ đồng (50 triệu USD). 2019 cũng là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng được hoàn thiện cũng đã giúp phim trong nước nhận được những ưu đãi, thu hút sự đầu tư của các đơn vị sản xuất. Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80%-90% thị phần, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa. Du lịch được đặc biệt xem là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều giátrịvăn hóa truyền thống là yếu tố góp phần xây dựng các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc gắn với tìm hiểu văn hóa vùng miền.
Trong nghệ thuật biểu diễn, hoạt động sáng tác nghệ thuật giai đoạn 2018-2022 tăng trưởng mạnh mẽ. Cảnước hiện có130 đơn vị hoạt động nghệthuật chuyên nghiệp. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, biểu diễn thực cảnh đang được khai thác hiệu quả, trở thành sản phẩm mũi nhọn. Theo giới chuyên gia, đây lànhững hoạt động cần tiếp tục đầu tư, khuyến khích phát triển nhằm tạo ra các giátrịnghệthuật mới, các sản phẩm văn hóa cóchất lượng cao hơn, cósức cạnh tranh vàphổ biến ra thịtrường khu vực, quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường âm nhạc, đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn, quy mô quốc tế. Mảnh đất nhiều dư địa này chắc chắn sẽ mang đến những hiệu quả bất ngờ trong phát triển CNVH thời gian tới. Các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ đều có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo ông Trần Hoàng, để đạt được những dấu ấn nổi bật không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; góp phần cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH. Giai đoạn 2018- 2022, các Bộ, ngành đã phối hợp triển khai xây dựng, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý các ngành CNVH. Cũng trong những năm này, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành CNVH; bước đầu tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của CNVH từng bước được nâng cao.
“Cùng với sự phát triển liên tục của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, CNVH dựa trên chất liệu cơ bản và quan trọng nhất là sự sáng tạo, do vậy, xu hướng phát triển của các sản phẩm và dịch vụ trong các ngành CNVH Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo và đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế…”, ông Hoàng cho hay. Đặc biệt, phát triển thị trường các ngành CNVH trong thời gian qua cũng đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng Đề án Mạng lưới các thành phố sáng tạo ở Việt Nam với sự tham gia tích cực của 7 tỉnh, thành phố để xây dựng hồ sơ xin gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nhiều địa phương đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động du lịch tại các điểm có di sản, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí…
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng
Để CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng
Bên cạnh đó, phát triển CNVH còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH. Đồng thời, thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện trên cả nước nói chung, và ở từng địa phương nói riêng.
Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNVH còn thiếu đồng bộ. Sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các vùng miền để tạo chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm và dịch vụ CNVH còn chưa phát triển mạnh mẽ và theo hệ thống. Công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các ngành CNVH còn gặp vướng mắc... Các chuyên gia cũng chỉ rõ, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH. Nguồn nhân lực trong các ngành CNVH còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực cho các ngành CNVH cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành CNVH chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo riêng, tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh.
Việc chưa xem CNVH là một lĩnh vực cần kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực quan trọng. Vấn đề vi phạm và xâm phạm bản quyền, đặc biệt là vi phạm trên môi trường số đã tác động trực tiếp đến người làm sáng tạo, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNVH. Khắc phục khó khăn, tháo gỡ rào cản để thúc đẩy CNVH phát triển là kỳ vọng được đặt ra. Đến năm 2030, phương hướng chung được xác định là phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy lợi thế của Việt Nam. Phát triển CNVH gắn liền với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Về mục tiêu phát triển được đặt ra đến năm 2030, phát triển các ngành CNVH Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành CNVH đóng góp 7% GDP, tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNVH đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tôn vinh văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, hướng đến mục tiêu hình thành các trung tâm CNVH trọng điểm, như tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước.
Ông Trần Hoàng chia sẻ, phát triển các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm là nhiệm vụ, giải pháp trong định hướng phát triển các ngành CNVH thời gian tới. Theo đó, trong 12 lĩnh vực với những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng có nhiều chất liệu để sáng tạo, tôn vinh văn hóa Việt; đặc biệt các lĩnh vực cần có “dư địa” lớn, tiềm năng trở thành các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu đại diện hình ảnh quốc gia. “Để phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của CNVH, các lĩnh vực được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 cần đáp ứng được các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hóa, hướng đến giá trị tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước…”, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng nhấn mạnh. n
Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH. Nguồn nhân lực trong các ngành CNVH còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực cho các ngành CNVH cũng gặp những khó khăn, vướng mắc.
Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành CNVH chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo riêng, tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh.
PHƯƠNG ANH