Điểm hẹn văn hóa của nghệ sĩ và công chúng
VHO - “Mỗi năm, Thành phố Hải Phòng dành khoảng 40 tỉ đồng cùng nhiều nguồn lực đầu tư cho Đề án Sân khấu Truyền hình Hải Phòng và các hoạt động của 5 đơn vị nghệ thuật công lập. Chúng tôi cũng sẽ dành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cao nhất để Đề án và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có thể đạt được thành công hơn nữa...”.
Những chia sẻ của lãnh đạo Thành phố và Sở VH&TT cùng đại diện các đơn vị nghệ thuật đã cho thấy sự hỗ trợ cao nhất đối với nghệ thuật đã giúp Hải Phòng gặt hái nhiều “trái ngọt” trong đời sống tinh thần ở địa phương.
“Đánh thức” tình yêu nghệ thuật của khán giả
Ngày 30.6, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hải Phòng chỉ đạo Sở VH&TT Hải Phòng sơ kết Đề án Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Hiện Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước triển khai đề án này. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi cùng đại diện các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các nhà hát nghệ thuật Trung ương và địa phương…
Tại sự kiện, Giám đốc Sở VH&TT Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, Sân khấu truyền hình Hải Phòng đã bước sang năm thứ 4 phục vụ khán giả. Vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần luôn diễn ra các chương trình nghệ thuật, các vở diễn hàn lâm, kinh điển, đặc sắc của thế giới và Việt Nam, thuộc nhiều loại hình sân khấu do các đơn vị nghệ thuật của thành phố thực hiện.
Giám đốc Hoàng Mai nhận định, đây chính là cú hích, nền tảng, đòn bẩy cho sự phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn của các nghệ sĩ, diễn viên Hải Phòng. Ở tất cả loại hình sân khấu, Hải Phòng đều có những lứa diễn viên “vàng”, đóng vai trò nòng cốt, chủ công trong việc đảm bảo chất lượng của từng tác phẩm. “Năm đầu tiên, dù còn bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian để xây dựng tác phẩm, nhưng các nghệ sĩ vẫn mày mò, cố gắng làm nghề. Bên cạnh đó, nhờ sự giúp đỡ của các NSND, NSƯT và giới văn nghệ sĩ trên toàn quốc cùng các cấp lãnh đạo, các đơn vị ngày càng có nhiều vở diễn hay, độc đáo”, bà Hoàng Mai nói.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành VH&TT Hải Phòng đã triển khai 6 chương trình, vở diễn thuộc 5 loại hình nghệ thuật, gồm: Vở chèo Xuân Hương nữ sĩ; Cải lương Hào kiệt với giang sơn; Kịch nói Macbet; Chương trình ca múa nhạc Ngô Thụy Miên - Người viết tình ca; Múa rối Trê Cóc tranh con; Nhạc kịch Bỉ vỏ... Các tác phẩm đều được đầu tư, dàn dựng công phu, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Có mặt tại Hội nghị cùng nhiều văn nghệ sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: “Chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng có tính kiên định, dài lâu. Thành phố đã lựa chọn chiến lược phát triển nghệ thuật một cách chính xác. Chương trình tập hợp được tất cả các loại hình biểu diễn cùng tham gia, tạo nên sự phát triển đồng bộ cho nghệ thuật Hải Phòng”. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, các nghệ sĩ Hải Phòng đã tiến bộ rất nhanh về chất lượng chuyên môn, kỹ thuật biểu diễn. Việc duy trì phát các chương trình hằng tháng cho thấy quyết tâm phát triển có tính đường dài của Thành phố Hoa phượng đỏ.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng bày tỏ, việc duy trì và phát triển mạnh mẽ Đề án chính là cách để Hải Phòng bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. “Thông qua các vở diễn, hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên đã “đánh thức” tình yêu của công chúng với nghệ thuật sân khấu. Năm qua, một số đơn vị ở Hải Phòng đã được mời sang nước ngoài để biểu diễn, liên tục tham gia liên hoan và giành được giải cao. Đó là những minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của người làm nghệ thuật nơi đây. Sân khấu sáng đèn đồng nghĩa với việc các tác phẩm văn học nghệ thuật được nối dài trong các kịch bản sân khấu, đây là một việc rất ý nghĩa, mang nhiều giá trị văn hóa...”, NSND Thúy Mùi nói.
Nói về ý nghĩa của Đề án, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, nghệ sĩ Hải Phòng đã có cơ hội thể hiện trách nhiệm, đam mê, cống hiến với nghệ thuật, còn khán giả đã được hưởng thụ nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao. NSND Nguyễn Tiến Dũng đã cùng đồng hành với Sân khấu truyền hình từ những số đầu tiên và có nhiều kỷ niệm đẹp tại nơi này. “Không ít người cho rằng, Hải Phòng có nguồn đầu tư vào sân khấu nhưng những vở kịch chỉ diễn một lần liệu có phí? Theo tôi là không phí, những con số có thể tính toán được, nhưng giá trị nghệ thuật thì không thể mua được. Cứ qua một năm, các nghệ sĩ, thành phần sáng tạo đều thấy mình trưởng thành hơn và vẫn nỗ lực, cố gắng để có những tác phẩm hay hơn nữa...”, NSND Nguyễn Tiến Dũng nói.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Xuân Bắc đồng quan điểm Hải Phòng đã có cách tiếp cận mới hiệu quả: “Khán giả xem sân khấu trên truyền hình, đó là hướng đi rất thức thời trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Cùng với sự đầu tư của Thành phố cũng như quyết tâm của nghệ sĩ, Hải Phòng chắc chắn sẽ là địa phương đi đầu cả nước về công nghiệp văn hóa”.
Trưởng Ban Văn nghệ (Đài Truyền hình Việt Nam), nhà báo Vọng Ngàn khẳng định: “Sân khấu truyền hình Hải Phòng là một điểm sáng trong bản đồ văn hóa, nghệ thuật cả nước. Đây trước hết là sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, sau đó là sự dấn thân, sáng tạo của các nghệ sĩ, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố và Sở VH&TT Hải Phòng. Quan trọng nhất, khán giả là người được thụ hưởng những chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Rất nhiều chương trình chất lượng đã được chúng tôi chọn để phát trên VTV”.
Không chỉ dừng ở con số 40 tỉ
Rất thẳng thắn, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam chia sẻ: Đứng trước chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, Hải Phòng từng xây dựng kế hoạch nhưng thấy không ổn nên đã đi chậm lại so với một số địa phương khác... Băn khoăn việc sáp nhập 5 đoàn nghệ thuật về một mối, người đứng đầu của đoàn nào cũng sẽ không tránh được sự “thiên vị” khi chăm chút cho loại hình nghệ thuật của mình. Điều này sẽ khiến 4 loại hình còn lại khó phát triển. Đại dịch Covid-19 ập tới lại là cơ hội để Hải Phòng nghĩ ra bài toán xây dựng Đề án Sân khấu truyền hình. Đề án chính là cơ sở quan trọng để 5 đoàn nghệ thuật tiếp tục phát triển và xây dựng các tác phẩm xuất sắc”.
Tại Hội nghị, ông Lê Khắc Nam đề nghị các đoàn nghệ thuật tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực, sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ đông đảo khán giả trong và ngoài nước, có thêm nguồn lực chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ và từng bước tiến đến phát triển công nghiệp văn hóa. Đối với vấn đề khó khăn trong cơ chế tuyển dụng nghệ sĩ trẻ, Sở VH&TT tiếp tục làm việc với Sở Nội vụ Hải Phòng xây dựng cơ chế, chính sách hợp tình, hợp lý để thu hút, khuyến khích tài năng.
Giữ nguyên cả 5 đoàn nghệ thuật, mạnh dạn đầu tư và phát triển Đề án Sân khấu truyền hình, tạo cơ hội và động lực cho nghệ sĩ cống hiến…, Hải Phòng không chỉ tìm được hướng đi đúng mà còn giúp tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật lành mạnh cho công chúng. Có thể nói, sự quan tâm và đầu tư hiệu quả đã giúp cho các đoàn nghệ thuật công lập ở Thành phố Cảng hồi sinh và phát triển ở một tầm cao mới.