Có hay không sự trở lại của sân khấu?

VHO - Cuối năm 2023, khi Nhà xuất bản Sân khấu cho ra mắt cuốn sách của tôi: Sự trở lại của sân khấu đã có những câu hỏi đặt ra: Có thực sự đã có một sự trở lại của sân khấu như tôi nói hay không giữa lúc sân khấu vẫn tồn tại muôn vàn khó khăn? Bài viết của tôi có thể sẽ giải đáp phần nào câu hỏi không dễ trả lời này.

Đất nước ta là đất nước có một nền sân khấu có thể nói là rất lớn trên thế giới. Chúng ta có nhiều bộ môn sân khấu với nhiều tác giả lớn, những thầy tuồng (đạo diễn) lớn, nhiều nghệ sĩ lớn trong quá trình phát triển hàng trăm năm mà không phải đất nước nào cũng có được. Ví dụ, sân khấu nước ta có những tác giả khuyết danh đã sáng tạo ra hai vở Tam nữ đồ vương, Sơn hậu, hay như hai thầy trò Nguyễn Diêu – Đào Tấn, hai nhà soạn tuồng vĩ đại cuối thế kỷ XIX đầu thế ky XX đã có những vở tuồng như Hồ Nguyệt Cô hóa cáoTrầm hương các, Hộ sinh đàn...hay như nghệ thuật chèo với những vở như Kim Nham, Quan Âm Thị Kính đều xứng đáng được coi là những kiệt tác, có thể sánh với các tác phẩm sân khấu lớn trên thế giới.

Có hay không sự trở lại của sân khấu? - Anh 1

Vở kịch Lá đơn thứ 72 của Sân khấu kịch Lệ Ngọc được khán giả trẻ rất yêu thích

Có một điều đặc biệt: giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của sân khầu Việt Nam ở 30 năm từ 1960 đến 1990, là ở dưới chế độ dân chủ cộng hòa và cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những chính sách sách cực kỳ đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước ta, các bộ môn sân khấu truyền thống được phục dựng trở lại và không ngừng đổi mới phát triển, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng và đời sống nhân dân. Nhiều bộ môn sân khấu dân tộc mới ra đời và trong giai đoạn này, trên khắp đất nước, sân khấu gần như chiếm lĩnh gần như hoàn toàn đời sống nghệ thuật ở nước ta.

Nhưng liên tiếp từ những năm cuối thế kỷ XX, những năm đầu thế kỷ XXI thì sân khấu bắt đầu bước vào thời kỳ thoái trào rất nghiêm trọng. Có nhiều lí do cho sự đi xuống này, mà lý do rõ nhất là sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại xuất hiện, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nghệ thuật biểu diễn cùng sự biến đổi thị hiếu thẩm mỹ của con người trong nền kinh tế thị trường mà sân khấu nước ta không thep kịp. Sân khấu dường như không còn khán giả. Nhiều đơn vị sân khấu bị hoặc tự giải tán, đặc biệt là sân khấu ngoài công lập đông đảo ở TP.HCM. Các đơn vị sân khấu nhà nước từng bước cho tự chủ một phần kinh phí thì thì phải bao cấp hoàn toàn trở lại nhưng gần như vẫn không hoạt động được vì không có khán giả… Có thể thấy, giai đoạn từ những năm 1995 đến 2015 có thể nói là giai đoạn 20 năm đen tối của sân khấu VN.

Nhưng may thay, dù cực khổ, dù bị khán giả bỏ rơi, nhưng hàng trăm, hàng nghìn nghệ sĩ vẫn bám trụ sân khấu. Không biểu diễn ở thành phố thì họ về với thôn xóm bản làng diễn diễn, không diễn vở lớn thì họ có các show diễn, các trích đoạn nhỏ… Trong cuộc đấu tranh sinh tồn này thì các nghệ sĩ đã tìm ra những con đường khác nhau để trở lại. Bên cạnh đó, phải nói tới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với cả sân khấu trong và ngoài công lập.

Và có thể nói từ giữa thập niên thứ 2, đầu thập niên thử 3 của thế kỷ XXI, sân khấu VN đã có dấu hiệu trở lại. Tình yêu kiên cường của các nghệ sĩ sân khấu và sự hỗ trợ đúng lúc của Đảng, Nhà nước đã tạo nên điều đó. Các nghệ sĩ và Nhà nước đã tìm ra được con đường đem sân khấu trở lại cuộc đời, xứng đáng với vai trò không thể thay thể trong tình yêu của nhân dân.

Có lẽ nên bắt đầu từ sự không cam chịu của các đơn vị sân khấu công lập, lực lượng lớn nhất của sân khấu chuyên nghiệp VN từ gần 50 năm qua. Trước hết là từ sự không cam chịu dựng các vở diễn chỉ để cất kho, không làm cho sàn diễn của đơn vị mình có điều kiện sáng đèn. Sau đó là sự không cam chịu chỉ thực hiện việc biểu diễn ở các vùng sâu vùng xa theo chỉ tiêu đêm diễn được trợ cấp của Nhà nước mà phải biểu diễn ngay tại trung tâm các đô thị lớn, ở các Nhà hát của mình hay của đơn vị bạn, bằng phương thức bán vé lấy tiền. Sự không cam chịu ấy đã giúp họ chọn dựng được các vở diễn đáp ứng được nhu cầu của khán giả cũng như tìm ra được các phương thức quảng bá phù hợp, kéo được khán giả mua vé đến với những buổi diễn của mình. Ngay tại thủ đô Hà Nội, hơn 5 năm qua, chúng ta đã được chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đơn vị sân công lập hàng đầu của Trung ương và Hà Nội như Nhà hát Kịch VN, Nhà hát kịch HN, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Chèo HN... Cái rạp mới hiện đại ở vị trí thuận lợi như Công Nhân của Nhà hát kịch HN sáng đèn hàng tuần đã đành. Ngay cái Nhà hát sân khấu nhỏ trong hẻm của Nhà hát Kịch VN cũng đã sáng đèn được vài ba đêm trong tuần. Chưa được như Nhà hát Tuổi trẻ thời hàng đêm sáng đèn 30 năm trước, các đơn vị sân khấu công lập đã sáng đèn hàng tuần như trên rõ ràng đã báo hiệu một sự trở lại đáng mừng, chấm dứt một thời “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa” (thơ Chế Lan Viên) thật đáng sợ của sân khấu thủ đô.

Có hay không sự trở lại của sân khấu? - Anh 2

Hài kịch vẫn là thương hiệu riêng của Nhà hát Tuổi Trẻ 

Tuy vậy, nếu nói điều gì chứng minh rõ nhất, đáng mừng nhất sự trở lại của sân khấu thủ đô HN trong hơn 5 năm qua thì đó chính là sự xuất hiện của sân khấu kịch nói ngoài công lập Lệ Ngọc. Sân khấu Lệ Ngọc như đưa chúng ta trở lại thời hoàng kim của sân khấu với những đêm diễn các vở chính kịch trong đó có vở Lá đơn thứ 72 về Hồ Chủ tịch luôn cháy vé ở tại những rạp hát lớn nhất như Nhà hát Lớn, Cung Hữu nghị, Đại Nam, Hồng Hà, Kim Mã... Nếu 30 năm trước, Nhà hát Tuổi trẻ luôn cháy vé là nhờ hài kịch thì hôm nay Sân khấu Lệ Ngọc luôn cháy vé bằng chính kịch. Đó là sự thay đổi rất đáng kể trong sự trở lại của sân khấu trong cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI.

Cùng với sự xuất hiện và làm mưa làm gió của Sân khấu Kịch Lệ Ngọc ở thủ đô là sự trở lại của hàng loạt sân khấu ngoài công lập ở TP.HCM, thành phố lớn nhất nước và cũng là nơi từng là trung tâm sân khấu ngoài công lập lớn nhất đất nước gần trăm năm qua. Đó là sự trở lại gần như cùng lúc của Sân khấu Idecaf, 5B Võ Văn Tần, Kịch Sài Gòn, Thế giới trẻ, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Hoàng Thái Thanh, Song Việt, Thanh niên, Kim Tử Long, Lê Hoàng, Công ty Giải trí Hero Film, Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc...trong đó Sân khấu Idecaf cũng là nơi luôn cháy vé với sự xuất hiện của nghệ sĩ Thanh Lộc. Hiện tuy chưa đơn vị nào biểu diễn hàng ngày được nhưng các sân khấu này luôn đông khách hàng tuần và chất lượng các vở diễn đều đã được nâng cao với nhiều tìm tòi sáng tạo đáng kể tiêu biểu như Mưa bóng mây (Công ty Giải trí Hero Film), Tổ quốc cuối con đường (Nhà hát Thế giới Trẻ-Vở về Hồ Chủ tịch thời trẻ), Đêm trước ngày hoàng đạo (Song Việt), Thành Thăng Long thưở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ), Khóc giữa trời xanh (Công ty cổ phần Sử Việt), Câu hò đất mẹ (Công ty TNHH Phiêu Linh)...

Không phải ngẫu nhiên mà tôi chú ý đến sự xuất hiện chói sáng của Sân khấu Lệ Ngọc ở thủ đô Hà Nội cùng sự trở lại khá nhộn nhịp của sân khầu ngoài công lập ở TPHCM, hai trung tâm sân khấu lớn nhất đất nước, và coi đó là tín hiệu đáng mừng nhất của sự trở lại của sân khấu VN sau gần 2 thập kỷ tụt dốc. Bởi sự phát triển trong tương lai của sân khấu VN chủ yếu là sự phát triển của sân khấu ngoài công lập. Quy luật phát triển tự nhiên của sân khấu và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các đơn vị sân khấu cho thấy điều đó. Theo NQ 19/TW-2017 đang được thực hiện, thì mỗi địa phương kể cả HN và TP.HCM mỗi nơi chỉ giữ lại 1 đơn vị nghệ thuật biểu diễn tiêu biểu cho truyền thống văn hóa của địa phương mình, số đơn vị công lập còn lại sẽ chuyển sang hình thức sự nghiệp ngoài công lập. Thực tế cho thấy việc thực hiện NQ19 còn nhiều khúc mắc trong đó có nhiều lỗ hổng về chính sách khi chuyển một đơn vị nghệ thuật công lập sang hình thức ngoài công lập cũng như các chính sách của Đảng, Nhà nước khuyến khích các đơn vị xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục văn hóa như Nghị định 73/1999/NĐ-CP và Nghị định 69/2008/NĐ-CP chính sách khuyến khích xã hội tuy ban hành đã lâu nhưng chưa được thực hiện trong cuộc sống như việc cho các đơn vị xã hội hóa ưu tiên được cấp đất, thuê nhà đất cũng như việc cho họ tham gia đấu thầu thực hiện các chương trình quốc gia hàng năm... Nhưng nhanh hay chậm gì sân khấu chủ yếu sẽ trở lại với quy luật tự nhiên: Sân khấu sinh ra là để phục vụ xã hội và chủ yếu được xã hội nuôi sống, nhà nước sẽ tác động vào sự tồn tại và phát triển của sân khấu theo đường lối chính trị và văn hóa của mình bằng các chính sách.

Có hay không sự trở lại của sân khấu? - Anh 3

Một vở diễn của Sân khấu Hải Phòng

Tất nhiên, quan điểm của lãnh đạo Hải Phòng thời Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành là một quan điểm rất hay cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu và văn hóa nói chung. Đó là quan điểm cho rằng 5 đoàn nghệ thuật biểu diễn ở Hải Phòng trong đó có 4 đoàn sân khấu là thành quả phát triển văn hóa nghệ thuật của địa phương nhiều thập kỷ, cần được coi như một thứ phúc lợi văn hóa mà nhà nước dành cho nhân dân, thành quả phát triển kinh tế của Hải Phòng đủ sức nuôi 5 đoàn nghệ thuật của mình. Bởi vậy, không những Hải Phòng vẫn giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật của mình để phục vụ nhân dân mà còn hình thành chương trình Sân khấu Truyền hình hàng tháng trên Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng để truyền bá sâu rộng hơn các tác phẩm của các đoàn nghệ thuật sân khấu của mình tới nhân dân Hải Phòng và cả nước. Nhưng cho dù được “bao cấp” theo quan điểm rất mới mẻ như vậy, các đơn vị sân khấu Hải Phòng sẽ bị một sức ỳ lớn nếu không tự thân xã hội hóa các hoạt động của mình.

Như vậy, sau những năm dài gần như “biến mất” trong đời sống xã hội, rõ ràng sân khấu VN đã trở lại với nhiều mới mẻ đảm bảo cho nó một sự phát triển tự nhiên, thuần khiết để thực sự cần thiết cho nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân, cho sự đổi mới và phát triển của đất nước.

NGUYỄN THẾ KHOA; ảnh: ĐÀO ANH

Ý kiến bạn đọc