Danh hiệu là động lực để nghệ sĩ tiếp tục cống hiến
VHO - Chia sẻ với Văn Hóa, nhiều nghệ sĩ trong danh sách phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã không giấu nổi cảm xúc vui mừng, tự hào khi những đóng góp, cống hiến của mình cho nghệ thuật đã được Đảng, Nhà nước và công chúng ghi nhận.
TS.NSND Phạm Thị Trà My: Nhỏ từng giọt đàn tranh thánh thót
NSND Phạm Thị Trà My là Trưởng bộ môn Đàn Tranh (Khoa âm nhạc Truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sinh năm 1973, NSND Trà My đã có hơn 40 năm làm nghệ thuật với bảng thành tích thực sự đáng nể. Cô đã giành được nhiều huy chương cũng như giải thưởng tại các kỳ hội diễn, chương trình liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế, như: HCB độc tấu tại Hội diễn Ca múa nhạc dân tộc toàn quốc (1992); Giải thưởng đặc biệt cho Âm nhạc hay nhất tại Liên hoan âm nhạc Quốc tế tại Ý; Giải thưởng Âm nhạc hay nhất tại Liên hoan âm nhạc quốc tế tại Pháp (1999); Đại diện Việt Nam duy nhất được mời tham dự Liên hoan đàn tranh châu Á tại Kimhea Hàn Quốc (2006); Đại diện duy nhất của miền Bắc được mời tham dự Liên hoan đàn tranh châu Á tại Việt Nam (2008); Đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Festival đàn tranh châu Á, biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Đài Loan (NCO) tại Đài Loan - Trung Quốc (2010); Giải Nhất dành cho Chương trình biểu diễn hay nhất của năm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng (2011); Danh hiệu NSƯT năm 2012; Bằng khen Sứ giả hòa bình do Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng (2014); Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ VHTTDL trao tặng (2016)…
Dẫu ở lĩnh vực biểu diễn hay giảng dạy thì NSND Phạm Thị Trà My cũng đều đạt được những thành tích xuất sắc bởi đam mê và sự bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật, cụ thể là gắn bó với cây đàn tranh.
Phạm Thị Trà My cho biết, chị vô cùng tự hào và vinh dự khi đón nhận danh hiệu NSND. Ở góc độ một nghệ sĩ biểu diễn, chị mong muốn sẽ luôn giữ gìn, bảo tồn vốn âm nhạc cổ truyền của cha ông để lại, đồng thời quyết tâm sẽ làm mới hình ảnh của cây đàn tranh dưới nhiều hình thức để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Ở cương vị một giảng viên, Trưởng bộ môn Đàn tranh khoa Âm nhạc truyền thống, cô thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa khi tiếp bước các thế hệ đi trước, đem tình yêu dành cho cây đàn tranh truyền lại cho thế hệ trẻ. Đặc biệt vẫn sẽ tiếp tục các dự án giảng dạy đưa âm nhạc dân tộc vào học đường để những thế hệ tương lai của đất nước sẽ tiếp tục nhân rộng tình yêu với nhạc cụ truyền thống dân tộc.
NSND Trịnh Kim Chi: Khích lệ lớn lao trên con đường nghệ thuật
Là Giám đốc Sân khấu Trịnh Kim Chi (TP.HCM), NSND Trịnh Kim Chi luôn hướng hoạt động sân khấu tới những vở diễn có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đồng thời biểu diễn các tác phẩm đạt Giải thưởng “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề học tập và làm theo tư tưowrng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (do Thành ủy TP.HCM phát động) như: Rặng trâm bầu, Blouse trắng, Khát vọng ngày mai… Các vở diễn đã gây được tiếng vang lớn trong làng kịch nghệ TP và tiếp cận được đông đảo công chúng. Trong đó, vở Rặng trâm bầu (tác giả Vũ Trinh - Uyên Nhi, đạo diễn NSƯT Trịnh Kim Chi) đã diễn hàng chục suất, vừa bán vé vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị theo sự phân công của TP.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu, NSND Trịnh Kim Chi đã cùng tập thể lãnh đạo Hội luôn hết mình vì sự nghiệp phát triển ngành Sân khấu theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đảm bảo đúng định hướng “dân tộc, tiến bộ, nhân văn”.
Bên cạnh đó, với vai trò Trưởng ban Ái hữu Nghệ sĩ, những năm qua, NSND Trịnh Kim Chi luôn quan tâm chăm sóc chu đáo, tận tình các nghệ sĩ lớn tuổi cư trú tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu; tổ chức Lễ giỗ Tổ Sân khấu tại hai địa điểm nhà thờ Tổ Nghệ sĩ và chùa Nghệ sĩ; phối hợp cùng chính quyền quận Gò Vấp và UBND phường 11 tổ chức ổn định hoạt động và vận động xã hội hóa thực hiện chỉnh trang chùa Nhật Quang Tự, Nghĩa trang nghệ sĩ đảm bảo môi trường hoạt động trong sạch, lành mạnh.
Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, nữ nghệ sĩ đã vận động giới văn nghệ sĩ, doanh nghiệp và cá nhân đóng góp, phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân, công nhân trong khu cách ly, phong tỏa; trao quà, nhu yếu phẩm cho trẻ em, người lao động nghèo; phát thuốc cho các trường hợp tự cách ly tại nhà… NSND Trịnh Kim Chi cũng thành lập Quỹ Chăm lo văn nghệ sĩ TP, luôn có mặt và đồng hành cùng mọi người trên mọi mặt trận…
Chia sẻ về danh hiệu NSND được phong tặng, nữ nghệ sĩ bày tỏ: “Khi hay tin mình có tên trong danh sách được phong tặng đợt này, tôi rất xúc động và vô cùng vinh dự, tự hào. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu là hạnh phúc lớn lao và phần thưởng vô giá, đây chính là động lực để mỗi nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, làm tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình đối với nền nghệ thuật nước nhà”.
NSND Trịnh Kim Chi cũng chia sẻ thêm, “song song với niềm vinh dự này, tôi cũng cảm nhận trách nhiệm của mình sẽ lớn hơn bao giờ hết, bởi đây là niềm tin tưởng của Nhà nước và công chúng đặt trên vai người nghệ sĩ, qua đó chúng tôi biết bổn phận của mình và càng phải phấn đấu, phát huy trong hoạt động nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình”.
NSND Tạ Tuấn Minh: Niềm vui đi cùng trách nhiệm
Đạo diễn, diễn viên Tạ Tuấn Minh (sinh năm 1980) hiện đang công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, là một trong những gương mặt trẻ nhất trong danh sách 42 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND đợt 2 lần thứ 10. Anh đang sở hữu một bề dày thành tích khá đồ sộ: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa; Bằng khen Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa...
Ngoài những ghi nhận của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, về khía cạnh chuyên môn, anh là chủ nhân của bộ sưu tập huy chương danh giá qua các kỳ liên hoan, hội diễn, tiêu biểu như: HCV Liên hoan sân khấu kịch thử nghiệm lần thứ 3 (Hamlet - 2015); Diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2014 và 2018 tại Liên hoan sân khấu Asean; HCV vở Người tốt nhà số 5 (đạo diễn) tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 4 (2020); Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 4 (2020); HCV cho diễn viên tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng 2021; Diễn viên xuất sắc nhất năm 2021 (Giải thưởng của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); Nghệ sĩ tiêu biểu của ngành Nghệ thuật biểu diễn năm 2021...
Không chỉ thành công ở phương diện nghệ sĩ biểu diễn, Tạ Tuấn Minh còn là đạo diễn trẻ xuất sắc, hứa hẹn mang tới những tín hiệu lạc quan cho nền sân khấu kịch Việt Nam đang dần hấp dẫn khán giả trở lại. Cuối năm 2020, anh giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 với Người tốt nhà số 5, vở diễn đã thực sự làm lay động trái tim khán giả. Năm 2021 là một năm tuy khó khăn, nhưng Tạ Tuấn Minh lại gặt hái được trái ngọt với vai diễn thủ vai Trần Thủ Độ trong vở Thiên mệnh, giành được HCV tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc tại Hải Phòng. Cũng trong năm này, anh được nhận trọng trách Phó trưởng đoàn kịch cổ điển của Nhà hát Kịch Việt Nam. Mới nhất, Tạ Tuấn Minh thành công với vai trò đạo diễn vở kịch đương đại Bóng rối của tác giả Vũ Hoàng Hoa.
Tạ Tuấn Minh luôn không ngừng nỗ lực, học hỏi để hoàn thiện chính mình với phương châm “sân khấu là thánh đường” và “khán giả chính là trái tim của sân khấu”. Anh bày tỏ vinh dự và tự hào khi đón nhận danh hiệu cao quý NSND: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi những nỗ lực, đóng góp của bản thân trong các tác phẩm nghệ thuật của mình đã được ghi nhận. Danh hiệu này là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức lực nhỏ bé của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dân và đất nước”. Bên cạnh đó, NSND Tạ Tuấn Minh cũng cảm thấy rất nhiều áp lực đang đón đợi mình phía trước, bởi từ đây trách nhiệm sẽ ngày một lớn hơn. Anh tâm niệm, cần cố gắng phát huy chuyên môn hơn nữa, “sống trọn” với từng tác phẩm để xứng đáng với tình yêu thương của công chúng và danh hiệu cao quý này.
ĐÀO ANH - T.TRANG