Có nên thay đổi nội dung phim để tăng doanh thu cho nhà sản xuất?
VHO - Trong ngành công nghiệp điện ảnh, doanh thu phòng vé luôn là yếu tố quan trọng quyết định thành công của bộ phim. Tuy nhiên, vấn đề này luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến và sự cạnh tranh khốc liệt từ các hình thức giải trí khác, các nhà sản xuất phim luôn tìm kiếm những chiến lược mới nhằm thu hút đông đảo khán giả đến rạp, trong đó có việc bớt các cảnh quay và yếu tố nhạy cảm để giảm độ tuổi khán giả được phép xem phim mà vẫn thực hiện đúng quý định của các cơ quan quản lý.

Việc giảm độ tuổi người xem có thực sự mang lại doanh thu cho phim?
Việc bớt đi các cảnh quay và nội dung nhạy cảm có làm giảm tính hấp dẫn của bộ phim? Chúng ta hãy cùng phân tích những mặt lợi, hại của vấn đề này:
Lợi ích của việc giảm độ tuổi xem phim
Nếu độ tuổi xem phim được giảm xuống sẽ giúp tăng lượng khán giả mục tiêu, những khán giả trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều bộ phim với nội dung và chủ đề đa dạng hơn.
Điều này giúp mở rộng lượng khán giả, đặc biệt với những phim hành động, hoạt hình hay các thể loại phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội các khán giả trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thể loại phim thông qua các phương tiện thông tin điều này góp phần khiến các bạn trẻ ngày nay có sự tiến bộ, cởi mở trong tư tưởng, lối sống và nhận định về văn hóa xã hội.
Việc giảm độ tuổi xem phim có thể tạo ra xu hướng mới giúp thu hút sự chú ý từ các bậc phụ huynh và tổ chức giáo dục, khuyến khích họ đưa con em đến rạp.
Rủi ro và tác động tiêu cực khi lạm dụng việc mở rộng độ tuổi xem một số dòng phim
Để giảm độ tuổi xem phim buộc nhà sản xuất phải thay đổi nội dung phim, đặc biệt các bộ phim có nhiều yếu tố bạo lực, gợi cảm hay những tình tiết mang tính nhạy cảm với lứa tuỏi nhỏ.
Điều này làm mất đi tính chân thật, sâu sắc của phim, khiến cho nội dung ban đầu của những tác phẩm có chiều sâu trở nên giảm sút chất lượng, không còn tính logic và thiếu sự hấp dẫn với khán giả trưởng thành.
Đối với vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội, việc giảm độ tuổi xem phim giả sử từ 18 tuổi xuống 16 tuổi, 16 tuổi xuống 13 tuổi đặc biệt là đối với các bộ phim chứa nhiều yếu tố bạo lực, gợi dục hay những tình tiết không phù hợp với trẻ em có thể gây nhiều tranh cãi.
Các bậc phụ huynh hẳn sẽ lo ngại về tác động của các hình ảnh, nội dung phim đến tâm lý trẻ em gây ra phản ứng tiêu cực từ công chúng và ảnh hưởng đến uy tín nhà sản xuất.
Thay đổi nội dung phim để giảm độ tuổi người xem giúp tăng doanh thu cho nhà sản xuất là một chiến lược có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mặc dù có thể mở rộng lượng khán giả và tăng doanh thu nhưng nhà sản xuất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về tác động của việc này đối với nội dung phim, chất lượng sản phẩm và các vấn đề đạo đức xã hội.
Thay vì chỉ tập trung thay đổi nội dung phim có lẽ các nhà sản xuất nên tìm cách cân bằng giữa việc thu hút khán giả trẻ và duy trì chất lượng nội dung như xây dựng cốt truyện sâu sắc dễ tiếp cận, ứng dụng các kỹ xảo hiện đại hay phát triển nhân vật đa chiều... đảm bảo bộ phim không chỉ thành công về mặt tài chính mà còn có giá trị nghệ thuật và xã hội.