Có gì ở triển lãm “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương” khiến người xem tò mò
VHO - Cuối tuần này, vào ngày 16.11, tại TÁCH Spaces, số 20 đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, triển lãm “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương” của họa sĩ Nguyễn Thu Hà sẽ chính thức khai mạc. Với những thông tin được chia sẻ, cuộc triển lãm đã khiến những người yêu hội họa đầy háo hức!
Đó sẽ là cuộc triển lãm mang đến khoảng 30 bức tranh chân dung màu nước với những câu chuyện, những quan điểm nghệ thuật và cách thể hiện rất khác của họa sĩ Nguyễn Thu Hà.
Tìm mình trong thế giới chân dung
Trong lịch sử hội họa, tranh chân dung là một chủ đề độc lập, có sức hấp dẫn lớn. Chân dung luôn phản ánh trực quan nhất về tư tưởng, triết học, quan niệm tôn giáo, niềm tin đạo đức, văn hóa và nghệ thuật, cùng với ý thức xã hội khác ở vào thời điểm đó, tranh chân dung luôn có giá trị nhận thức và ý nghĩa giáo dục to lớn.
Tranh chân dung của Nguyễn Thu Hà đúng như vậy. Say mê hội họa từ nhỏ, từng tham gia các cuộc thi vẽ, các triển lãm tranh thiếu nhi, kiếm được tiền từ rất sớm nhờ vẽ áo và chân dung các nghệ sĩ thần tượng tuổi học trò thời đó.
Đến khi theo học Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội và tốt nghiệp khoa Đồ họa năm 2002, cô tham gia nhiều dự án phát triển thương hiệu, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, các dự án phát triển mẫu mã cho làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng, làng sơn mài Hạ Thái, thiết kế thời trang chất liệu truyền thống, vẽ minh họa…
Bên cạnh đó, cô cũng tham gia các dự án từ thiện bằng cách dạy vẽ cho trẻ em ở nhà tình thương, trẻ em vùng cao, trẻ em khiếm thị...
Đem theo niềm đam mê nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, trong nhiều năm liền họa sĩ Nguyễn Thu Hà không lập tức bước vào hành trình định vị con người họa sĩ, cô chọn sống trải nghiệm và theo đuổi nhiều hoạt động nghệ thuật khác nhau. Để rồi, khi những trải nghiệm đủ sâu, đến năm 2021, cô đã có một cuộc trở về thực sự với hội họa giá vẽ!
Nguyễn Thu Hà lựa chọn chân dung màu nước, một lĩnh vực tương đối khó, đòi hỏi sự kiên trì, không ngừng học hỏi về kiến thức đủ mọi lĩnh vực. Với họa sĩ Nguyễn Thu Hà, đây chính là cuộc trở về của những thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong. Khi vẽ, và đặc biệt vẽ tranh chân dung với màu nước cô tìm thấy mình trong đó.
Dựa trên những kiến thức sâu sắc về lịch sử hội hoạ, Nguyễn Thu Hà đã biến những kĩ thuật vẽ chân dung thành chủ nghĩa tối giản trang nhã, bộc lộ vẻ đẹp và trật tự trong cách thể hiện mang tính cá nhân và đương đại, nó thúc đẩy điều này lên một sức mạnh cảm xúc mới thông qua những nét hình và mảng màu trong vắt, sự sáng tạo và niềm tin sáng tạo mới.
Với nhân vật, Nguyễn Thu Hà tả tập trung vào phần ngũ quan, dáng điệu, với độ bắt sáng, sắc nét và khá tỉ mỉ, trong khi các tĩnh vật liên quan có tính vượt thời gian như bàn ghế, ấm chén, sẽ được bao quanh bởi một lượng lớn không gian âm, gợi lên tâm trạng yên bình, hoặc trầm ngâm. Chính vì thế, tác phẩm của Nguyễn Thu Hà luôn truyền tải một vẻ đẹp tĩnh lặng mang tính thiền định, thiền định là một quan điểm xuyên suốt mọi tác phẩm.
Ở giai đoạn hiện tại, Nguyễn Thu Hà vẫn tôn trọng chức năng chính và ban đầu của chân dung là trung thành với nguyên mẫu, vì thế mà hoạ sỹ chọn phong cách chân dung là hình ảnh phản chiếu qua những chiếc gương để tìm những manh mối cuộc sống và xã hội.
Gương chính là người hoạ sĩ luôn trung thành với nguyên mẫu, Nguyễn Thu Hà cũng vậy, chân dung cô vẽ phản ánh hiện thực con người, phản ánh hiện thực cuộc sống và xã hội theo cách dễ hiểu nhất, tập trung vào kĩ năng nắm bắt thần thái, kĩ năng nắm bắt hình hoạ chắc chắn, thông qua một chất liệu thanh thoát nhẹ nhàng và có tính ngẫu nhiên, tính dẫn dắt cao.
Hiện thực và tôn trọng mẫu khác với lối vẽ theo kiểu hiền, không chọn lọc chi tiết, bố cục cũng như không thể sáng tạo những yếu tố giúp chuyển tải thông điệp và tư tưởng.
Và những câu chuyện ẩn giấu sau từng tác phẩm
Tại triển lãm này, người yêu hội họa sẽ được chiêm ngưỡng tranh chân dung của những nữ nghệ sĩ tài năng của Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ như Nghệ sĩ Ngọc Huyền, nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh.
Nếu như chân dung Nghệ sĩ Ngọc Huyền mang đến một vẻ đẹp thiện lành, phúc hậu nhưng vẫn toát lên thần thái kiêu sang, thì nghệ sĩ Cao Ngọc Ánh trong tranh chân dung của Nguyễn Thu Hà lại khắc họa nên một người phụ nữ với vẻ ngoài mạnh mẽ, năng động, đầy màu sắc, nhưng bao trùm lên đó là một sắc xanh tĩnh lặng, thanh thoát ẩn sâu trong tâm hồn. Vẫn là những con người ấy, qua sự “soi chiếu” của người họa sĩ, có những góc cạnh khác, những cảm xúc khác được khởi lên gợi sự tò mò cho người xem.
Bắt đầu một bức chân dung, họa sĩ Nguyễn Thu Hà luôn có cách tiếp cận nhân vật theo chiều sâu, sự quan sát không chỉ ở vẻ bề ngoài, đó còn là tổng hòa của những yếu tố xoay quanh nhân vật. Chị có thể vừa vẽ vừa trò chuyện nhiều giờ cùng nhân vật để thực sự tìm ra góc nhìn, cách cảm trọn vẹn nhất cho tác phẩm của mình.
Nhiều bức chân dung được hoàn thiện với cảm thức sâu sắc của người nghệ sĩ dựa trên sự hiểu, sự cảm thông, và những kinh nghiệm cuộc đời của chính họa sĩ khi nhìn về câu chuyện của nhân vật. “Ngọc” và “Cát” là một ví dụ.
Ngọc và Cát là hai bức tranh chân dung họa sĩ Nguyễn Thu Hà vẽ cùng một nhân vật. Cô gái ấy là Ngọc. Nhưng Ngọc, hay Cát không đơn giản là những gì mà người xem có thể nhìn thấy ở bề ngoài tác phẩm, đó còn là những chiều kích khác nhau bên trong một con người và cả sự chi phối từ những yếu tố bên ngoài.
Khi họa sĩ và nhân vật tiếp xúc đủ sâu để có những tâm giao, chân dung nhân vật cũng được hình thành một cách tự nhiên như nhiên. Nếu ở Ngọc – Bức chân dung mang một màu xanh ngọc dìu dịu từ ánh sáng, tới sắc xanh của hoa và phối cảnh nền, muốn kể về hành trình tìm ra thứ ánh sáng mang đến bình an từ tận sâu bên trong của Ngọc… thì Cát lại hàm ý một thế giới vật chất tưởng như phù phiếm bao trùm lên nhân vật.
Cát là hạt cát bé nhỏ, Ngọc trai bắt đầu được hình thành từ đấy, Cát cũng là niềm vui, những món đồ trang sức vốn là vật ngoài thân nhưng lại có thể mang đến cho người ta những niềm vui tức thì, rất thực mà cũng mơ hồ. Vậy phù phiếm có còn là phù phiếm, khi một hạt cát được đặt đúng chỗ có thể tạo ra giá trị, khi một niềm vui khởi lên cũng đủ làm đẹp cho đời? Ấy là muôn dáng vẻ của một con người, ấy cũng là muôn mặt của cuộc đời.
Không chỉ có những bức chân dung những phụ nữ đẹp, trong triển lãm có những tác phẩm vẽ chân dung trẻ em với những câu chuyện rất riêng. Với hoạ sĩ Nguyễn Thu Hà, trẻ em là biểu tượng của sự hồn nhiên và thiên nhiên, đồng thời cũng là hình ảnh phản chiếu kí ức tuổi thơ của chính nữ hoạ sĩ.
Nếu những bức tranh trẻ em với những cái tên rất dễ thương như “Nốt nhạc hồng”, “Trông em” hay “Nhà em không nuôi chó”... đều mang đến những cảm xúc dịu dàng và trìu mến thì bức chân dung vẽ hai đứa trẻ mang tên “Cô đơn” lại là câu chuyện mang cảm thức thời đại của những người con tha hương trong hành trình trưởng thành…
Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện đã được kể thông qua từng bức chân dung sẽ được trưng bày trong triển lãm.
Triển lãm “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương” nằm trong dự án hợp tác triển lãm tranh kéo dài 12 ngày (từ ngày 16 -28.11.2024) giữa hoạ sĩ Nguyễn Thu Hà và TÁCH Spaces.
Trước triển lãm “Chân dung màu nước - Sự soi chiếu qua những tấm gương”, bên cạnh nhiều triển lãm nhóm trong nước, vào tháng 7. 2023, Nguyễn Thu Hà đã cùng 19 hoạ sĩ Việt Nam khác tham dự Triển lãm Hương Gió Phương Nam- Mỹ thuật Việt Nam ngày nay, tổ chức tại Ulan Bator, Mông Cổ. Cũng trong tháng 10 năm nay, cô có tranh tham dự trong triển lãm giao lưu quốc tế do Hiệp hội Mỹ thuật Chuyên nghiệp Hàn Quốc xúc tiến.