“Chuyện làng Đình“: Thông điệp bảo vệ gìn giữ văn hoá truyền thống

HIỀN LƯ

VHO - Nhà hát Chèo Việt Nam vừa cho ra mắt vở chèo Chuyện làng Đình gửi thông điệp bảo vệ gìn giữ văn hoá truyền thống từ cách khai thác đề tài cho tới hình thức dàn dựng. Nỗ lực sáng tạo của các nghệ sĩ đã đưa nghệ thuật chèo truyền thống đến gần hơn với khán giả.

“Chuyện làng Đình“: Thông điệp bảo vệ gìn giữ văn hoá truyền thống  - ảnh 1

Ê kíp sáng tạo dàn dựng vở chèo Chuyện làng đình gồm: Tác giả Hồng Mặc Cát; Đạo diễn: Chu Tuấn Nghĩa; Âm nhạc: NSƯT Đào Tuấn Hải; Thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Đậu Quang Anh; Biên đạo múa - NSƯT An Chinh, hướng dẫn hát truyền thống - NSND Ngô Thanh Hoài.

Chuyện làng đình - tác phẩm dân gian có chủ đề rất mà cho tới thời điểm hiện tại đây cũng là vấn đề cũng rất nóng hổi, đó là việc phá bỏ đình làng bê tông hoá di tích, bán tượng cổ để thay thế bằng những bức tượng xanh đỏ nhiều màu sắc phi thẩm mỹ, không có giá trị văn hoá. 

Câu chuyện của làng Đình đó là một số kẻ cơ hội đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân làng, đặc biệt là bộ phận chức sắc trong làng để phá đình làng và di chuyển những tượng cổ của làng đi nơi khác. Rất may là ở làng vẫn có những con người dũng cảm, có tri thức, hiểu biết đã kiên quyết ngăn chặn không để kẻ xấu lợi dụng phá hoại và trực lợi để gìn giữ được đình làng cũng như các tượng cổ, các di sản để gìn giữ di sản  văn hoá truyền thống. 

“Chuyện làng Đình“: Thông điệp bảo vệ gìn giữ văn hoá truyền thống  - ảnh 2

Có thể thấy được cái tình của ê kíp sáng tạo khi dàn dựng một vở chèo với thông điệp rất rõ ràng đó là hướng tới bảo vệ di sản văn hoá truyền thống, dùng ngôn ngữ biểu đạt của nghệ thuật chèo, cái đặc sắc của chèo để khiến người xem thấy yêu quý trân trọng hơn văn hoá truyền thống. 

Những mảng miếng, lớp lang đã chứng tỏ đạo diễn Chu Tuấn Nghĩa đã rất chắc tay khi nắm rõ các đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Vở diễn được dàn dựng đậm chất chèo ngay từ mở màn đã rất cuốn hút khi gửi gắm cảnh các nghệ nhân chèo tập dượt cho hội làng nhưng không thành, đồng thời những mẫu hình nhân vật trong vở chèo cũng đã rất sắc nét từ các nhân vật chính diện như Hàn Sinh (nghệ sĩ Hoàng Văn Nam thể hiện), Thanh Mai (nghệ sĩ Hà Thị Thảo)... cho tới các nhân vật phản diện như Trạng (Lại Xuân Trường)... 

Khán giả vô cùng thích thú khi xem nhân vật Cô Đồng phù phép trước sự mê tín dị đoan của cặp vợ chồng Trạng với mong muốn chồng thì đổi đời lên quan chức, vợ thì mang thai con trai. Một trò diễn ngoài tích truyện nhưng lại rất phù hợp với vở diễn, đặc biệt khi mà hiện nay chúng ta đang phê phán những trò mê tín dị đoan, bói toán, lên đồng biến dạng.

“Chuyện làng Đình“: Thông điệp bảo vệ gìn giữ văn hoá truyền thống  - ảnh 3

Tham gia vở diễn lần này có rất nhiều gương mặt mới, đặc biệt vai Cô Đồng do Lương Văn Mạnh, một diễn viên trẻ mới ra trường thể hiện nhưng đã tạo ấn tượng rất thú vị bởi phong cách diễn đậm chất chèo. Chủ trương của Ban giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đã rất đúng và trúng khi để rất nhiều diễn viên trẻ được đứng trên sân khấu chèo, mặc dù không vào các nhân vật chính nhưng các diễn viên trẻ có cơ hội được hát múa, diễn xuất. Nhờ điều này, các bạn trở nên vững vàng hơn, trưởng thành hơn qua mỗi lần được xuất hiện trên sân khấu. 

Diễn viên trẻ Lại Xuân Trường chia sẻ: “Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam rất mong muốn được dàn dựng những vở diễn gửi gắm những thông điệp không hề cũ như vở Chuyện làng Đình. Vở diễn dân gian nhưng mang thông điệp bảo tồn và gìn giữ những giá trị truyền thống. Tôi nghĩ rằng bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật truyền thống luôn là nhiệm vụ xuyên suốt qua nhiều năm. Việc mang hơi thở của nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn Chu Tuấn Nghĩa cùng các nghệ sĩ “gạo cội” tên tuổi của ngành chèo cùng tham gia huấn luyện và cùng biểu diễn, trình độ của các diễn viên trẻ của Nhà hát sẽ được nâng cao hơn” .

“Chuyện làng Đình“: Thông điệp bảo vệ gìn giữ văn hoá truyền thống  - ảnh 4

Với Chuyện làng Đình, Nhà hát Chèo Việt Nam thêm một lần khẳng định vị trí “anh cả” của ngành chèo khi mang tới một tác phẩm nghệ thuật đạt tính nghệ thuật và dàn dựng mang đậm đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Đặc biệt với chủ đề rất hay, hàm chứa các giá trị tư tưởng, giá trị đạo đức, giá trị nhận thức chắc chắn tác phẩm sẽ đón nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng người xem.